Đó là nỗi đau buồn khi mất đi một đứa con, đó là cảm giác tội lỗi vì những gì mà con họ đã gây ra, đó là nỗi xấu hổ khi phải đối diện ánh mắt thù địch của bạn bè, hàng xóm, đó những nghi ngờ khi họ nhận ra mình không hề biết gì về đứa con mà họ đã mang tới cuộc đời này.

{keywords}
Christianne Boudreau

Ở Calgary (Canada), ngoài giờ chơi bóng đá, làm công việc kế toán của mình và tụ tập ăn uống cùng vài người hàng xóm, Christianne Boudreau dành từng phút rảnh rỗi, dán mắt trước màn hình máy tính để xem các video về Nhà nước hồi giáo.

{keywords}

Boudreau ngồi dưới tầng hầm trong ngôi nhà giản dị nằm ở một khu ngoại ô trung lưu. Căn phòng trống này đã từng thuộc về con trai cả của chị – Damian. Chị xem những người đàn ông tạo dáng với những khẩu súng lớn giống như hành xử của bọn choai choai. Chị xem những cuộc đấu súng, những trận hành quyết. Nhưng Boudreau hầu như không để ý tới những cuộc đổ máu mà mình đang xem. Chị chỉ tập trung vào những khuôn mặt đằng sau tấm mặt nạ che mặt, cố gắng nhận ra đôi mắt của con trai mình.

{keywords}
Karolina Dam

Ở Copenhagen (Đan Mạch), Karolina Dam trở nên hoang dại vì sợ hãi. Con trai chị - Lukas – đã ở Syria được 7 tháng. Trước đó 3 ngày, chị nhận được tin con trai bị thương bên ngoài Aleppo, nhưng chị bị thuyết phục rằng thằng bé đã chết. Ngồi một mình vào tối hôm đó, lo lắng phả hơi từ điếu thuốc lá điện tử, chị không thể ngăn mình nhắn một cái tin qua Viber cho con trai: “Lukas” – chị viết. “Mẹ yêu con rất nhiều, con trai yêu quý của mẹ. Mẹ nhớ con và muốn ôm con, hít hà cơ thể con. Nắm chặt bàn tay mềm mại của con trong tay mẹ và mỉm cười với con”.

Không có tin nhắn trả lời.

{keywords}

Một tháng sau, có người viết lại cho chị. Không phải là Lukas.

“Bàn tay của tôi thì sao, hehe

Dam không biết kẻ nào có thể truy cập được vào điện thoại hay tài khoản Viber của con trai mình, nhưng chị tuyệt vọng khi nhận được tin nhắn trả lời. Cố gắng bình tĩnh, chị trả lời: “Cả bàn tay của cháu nữa, cháu yêu quý”.

Người này trả lời: “Bà có sẵn sàng nghe một số tin không?

“Tất nhiên, cưng ạ” – Dam viết. Vài giây sau tin nhắn hiện lên.

“Con trai bà đang thực hiện sứ mệnh”.

{keywords}
Torill

Ở Na Uy, Torill – người không muốn tiết lộ họ của mình – nhận được tin con trai cô, Thom Alexander đã chết. Người báo tin là kẻ đã thuê Alexander, cũng là người đã đưa cậu tới Syria để chiến đấu. Torill muốn có bằng chứng, vì thế các con gái của chị là Sabeen và Sara đã tới gặp kẻ này ở nhà ga xe lửa Oslo. Hắn lướt qua một số bức ảnh trong chiếc iPad cho tới khi dừng lại ở một bức ảnh chụp Thom Alexander bị bắn vào đầu, một nhãn cầu rơi ra khỏi hốc mắt.

{keywords}
Thom Alexander

Nhận được tin, Torill suy sụp hoàn toàn. Chị gần như không di chuyển trong một tuần lễ. Cuối cùng, khi chị cố gắng gượng dậy đi tắm, cởi bỏ quần áo và nhìn thấy mình trong gương. Torill trông chính xác như cái cách mà chị đang cảm thấy: “Vỡ vụn, như một chiếc bình”.

{keywords}
Saliha Ben Ali

Ở Brussels, Bỉ, khi Saliha Ben Ali đang tham dự một hội nghị viện trợ nhân đạo thì bắt đầu cảm thấy đau bụng ghê gớm. Chị chưa từng trải qua cơn đau nào như thế này trong nhiều năm. “Nó giống như khi bạn có một đứa trẻ trong bụng và nó đang đòi ra” – chị nói. Chị phải về nhà từ sớm và khóc suốt đêm vì cơn đau.

{keywords}

3 ngày sau, chồng chị nhận được một cuộc điện thoại từ Syria. Một người đàn ông nói với họ rằng cậu con trai 19 tuổi của họ – Sabri – chàng trai yêu nhạc reggae và thích trò chuyện với mẹ về mọi sự kiện trên thế giới – đã chết vào đúng cái hôm mà chị cảm thấy khó chịu trong người. Ben Ali nhận ra những cơn đau bụng hôm đó chính là cách mà cơ thể cô muốn nói rằng đứa trẻ của cô đang chết.

Trên đây chỉ là 4 người phụ nữ trong số hàng ngàn ông bố bà mẹ đã để mất con vào tay của Nhà nước Hồi giáo (hay còn gọi là ISIS). Kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu cách đây 4 năm, đã có khoảng 20.000 công dân nước ngoài tới Syria và Iraq để chiến đấu cho những nhóm Hồi giáo cực đoan. Hơn 3.000 người trong số đó tới từ các nước phương Tây.

Trong khi một số lên đường cùng với lời từ biệt của gia đình, thì một số khác ra đi trong bí mật. Họ ra đi, để lại những người thân sống trong đau khổ và lo lắng.

Đó là nỗi đau buồn khi mất đi một đứa con, đó là cảm giác tội lỗi vì những gì mà con họ đã gây ra, đó là nỗi xấu hổ khi phải đối diện ánh mắt thù địch của bạn bè, hàng xóm, đó những nghi ngờ khi họ nhận ra mình không hề biết gì về đứa con mà họ đã mang tới cuộc đời này.

Trong năm qua, hàng chục bà mẹ từ khắp nơi trên thế giới đã tìm đến nhau, tạo nên một mối liên kết kỳ lạ từ những mất mát của họ. Điều họ muốn, trên hết, là hiểu về sự điên rồ của những gì đã xảy ra với những đứa con của họ - và có lẽ cũng là để hiểu về một thứ gì đó có ý nghĩa từ cái chết của những trẻ ấy.

  • Nguyễn Thảo (Theo Huffington Post)