- Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 38 về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ vừa được Bộ GD-ĐT trưng cầu lấy ý kiến rộng rãi ngày 23/11.

Quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình cho phép đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định cho phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ kèm theo Thông tư số 38/2010/TT-BGDĐT (gọi tắt là Thông tư 38) được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 22/12/2010 (gọi tắt là Thông tư 38).

{keywords}

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), sau gần 5 năm thực hiện, một số nội dung của Thông tư 38 không còn phù hợp với những quy định mới của Luật GDĐH, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật GDĐH và một số văn bản khác.

Vì vậy, Bộ GDĐT dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38 (sau đây gọi là Dự thảo).

Dự thảo quy định chặt chẽ hơn điều kiện về đội ngũ giảng viên và quy trình kiểm tra xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế ở cơ sở đào tạo.

Cụ thể: về đào tạo thạc sĩ, dự thảo đưa ra quy định có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ cùng ngành, ngành gần với ngành đề nghị cho phép đào tạo và không trùng với danh sách giảng viên cơ hữu của các ngành khác, trong đó có ít nhất 3 người cùng ngành… Tương tự, cơ sở GDĐH khi đề nghị đào tạo tiến sĩ phải có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ cùng ngành, ngành gần với ngành đề nghị cho phép đào tạo, không trùng với danh sách giảng viên cơ hữu của các ngành khác, trong đó có ít nhất 1 giáo sư hoặc phó giáo sư và 3 tiến sĩ cùng ngành...

Về đình chỉ tuyển sinh, theo Dự thảo, thời hạn đình chỉ tuyển sinh tổi thiểu là 12 tháng và tối đa là 24 tháng. Sau thời hạn đình chỉ tuyển sinh, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh được khắc phục và vẫn đảm bảo các điều kiện thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định cho phép cơ sở đào tạo được tuyển sinh trở lại.  

Ngoài ra, Dự thảo bổ sung quy định về sự tham gia của các chuyên gia trong việc thẩm định điều kiện đảm bảo chất lượng của một số nhóm ngành, quy định thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc kiểm tra, xác nhận điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế đối với các ngành thuộc lĩnh vực An ninh, Quốc phòng (do yêu cầu bảo mật thông tin)...

So với quy định hiện hành, Dự thảo đã giao thêm quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo trong xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo. Giám đốc đại học quốc gia, thủ trưởng các cơ sở GDĐH đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn quốc gia, thủ trưởng các cơ sở GDĐH được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động quyết định mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong danh mục đào tạo và thí điểm mở ngành mới chưa có trong danh mục đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ…

Ngân Anh