- Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trò chuyện về việc bà tham gia Hội đồng quản trị ĐH Phan Châu Trinh, với lời khẳng định, trường đã trở về đúng với định hướng ban đầu: phi lợi nhuận, tạo không khí dân chủ, trung thực, phát huy hết mức khả năng của thầy và trò để đạt hiệu quả đào tạo cao nhất...

Rắc rối vì những người không cùng chí hướng

Vì sao bà quyết định tham gia HĐQT trường ĐH Phan Châu Trinh vào năm 2010?

Tôi biết đến trường từ khi ý tưởng bắt đầu được khởi xướng vào năm 2002. Nhưng khi đó tôi còn đương chức, rồi tôi lại tập trung làm một số việc khác, nên chỉ theo dõi chứ không tham gia. Đến năm 2007 trường mới chính thức được giấy phép.

Năm năm từ khi Hội đồng sáng lập ra đời đến lúc trường chính thức được cấp phép, thời gian khá dài, khiến một số người sẵn sàng tham gia lúc đầu, đóng góp những ý tưởng tốt đẹp, đã phải  bận những việc khác, không thể tiếp tục đồng hành. Vì thế nhà văn Nguyên Ngọc đã mời một số người khác cùng góp vốn, tham gia HĐQT để trường có thể bắt đầu hoạt động.


Bà Nguyễn Thị Bình - Nguyên Phó Chủ tịch nước

Tiếc thay, một số người trong đó không vì cùng một mục đích như những sáng lập viên đầu tiên, khiến một thời gian dài trường có những lủng củng, rắc rối.

Khi biết chuyện, tôi lo lắng, nghĩ xem mình có thể đóng góp gì vào đây. Tôi bắt đầu tham gia vào việc gỡ rối cho trường. Vấn đề rất rõ thôi, có một số người không vì mục đích giáo dục mà chỉ muốn kinh doanh để có lời lớn và nhanh, không cùng chí hướng với những người sáng lập.

Tôi từng là Bộ trưởng GD, từ đó đến nay càng ngày càng hiểu rõ tầm quan trọng của sự nghiệp GD - ĐT đối với sự phát triển của đất nước. Ý tưởng, tâm huyết của những người sáng lập trường đã hoàn toàn thuyết phục tôi, tôi sẽ rất tiếc nếu những ý tưởng đó không thực hiện được.

Trường lại mang tên ông ngoại của tôi: Nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, người hết sức chú ý đến văn hóa - giáo dục, luôn quan niệm trường học phải có tinh thần khai sáng. Những người sáng lập trường đã lấy tên trường là Phan Châu Trinh chính là vì tinh thần như vậy. Tôi thấy mình cần có trách nhiệm tham gia xây dựng nhà trường theo phương hướng tốt đẹp đó. Dù tuổi tôi đã cao, nhưng đây là sự nghiệp rất lớn, rất đáng để mình đóng góp công sức. Vì thế năm 2010 khi củng cố lại HĐQT của trường, tôi chính thức tham gia HĐQT.

Bà cũng vừa nhắc đến giai đoạn trường Phan Châu Trinh có những lùm xùm, lủng củng. Có thể tin chắc từ nay trường sẽ đi đúng theo tinh thần "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" của cụ Phan Châu Trinh không?

Đúng là trường vừa qua giai đoạn khó khăn, và hiện nay vẫn cần củng cố về nhân sự, về cơ sở vật chất... Nhưng trước hết riêng về quan niệm, tôn chỉ mục đích của trường, tất cả đều thống nhất trở lại tôn chỉ mục đích mà những người sáng lập đã đặt ra, đúng với tinh thần khai sáng dân tộc của cụ Phan, không vì lợi nhuận mà để phục vụ đất nước.

Trước thực trạng giáo dục còn chậm bước so với yêu cầu phát triển của đất nước, chúng tôi mong muốn xây dựng ngôi trường theo phương hướng tiến bộ, với đội ngũ giảng dạy có chất lượng, có tầm cỡ về khoa học, để đào tạo ra những con người đủ phẩm chất, năng lực phục vụ đất nước. Chúng tôi chủ trương tạo không khí dân chủ, trung thực, phát huy hết mức khả năng của thầy và trò để đạt hiệu quả đào tạo cao nhất. Vẫn biết không dễ để tạo một không khí như vậy trong xã hội hiện nay, nhưng trường làm được cũng sẽ là một điểm sáng, đóng góp cho sự nghiệp chung.

Cũng phải thừa nhận, những điều trường Phan Châu Trinh muốn làm không mới, các nước tiên tiến đã làm rồi, nên nếu mình có quyết tâm, tâm huyết, thì dù trước mắt có khó khăn nhưng hẳn sẽ thành công, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.

Chúng tôi tự tin, vì trường được sự ủng hộ rất lớn của nhiều trí thức, dù họ không trực tiếp tham gia HĐQT. Chúng tôi cũng có sự ủng hộ hết mình của chính quyền địa phương, và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng rất trông đợi, kỳ vọng trường sẽ thể hiện đúng tinh thần cụ Phan, là niềm tự hào của quê hương.

Phải chịu lỗ một thời gian

Liệu điểm khác biệt của trường có phải là tập trung vào các ngành khoa học xã hội nhân văn, vốn là điểm yếu của giáo dục Việt Nam hiện nay?

Mục tiêu của trường là tập trung vào các ngành xã hội nhân văn, cũng bởi những trí thức sát cánh với trường có thế mạnh về những ngành này.

Nhưng bước đi cụ thể thì phải tính toán, vì cũng phải phù hợp với nhu cầu xã hội. Như chúng tôi sẽ dạy du lịch, dạy truyền thông, nhưng phải trên nền tảng tri thức văn hóa.

Nguồn tài chính của trường thì sao? lúc trước đã có những người đầu tư cho trường để mong có lợi nhuận, và giờ họ sẽ rút ra...

Người nào không đồng chí hướng sẽ rút ra, vì mục tiêu của trường không vì lợi nhuận. Về lâu dài thì trường phải đứng vững trên các mặt, kể cả mặt tài chính, nhưng trước mắt thì có thể phải chịu lỗ một thời gian. Tất nhiên nguồn tài chính phải đảm bảo để trường thực hiện nhiệm vụ trước mắt là hoạt động một cách bình thường, xây dựng được nền nếp của một trường theo tinh thần dân chủ, tiến bộ, khai sáng.

Về nhân sự, phải lựa chọn những người có tâm huyết, có trình độ thật sự.

Còn tất cả các mặt từ tài chính, cơ sở vật chất đến tăng cường đội ngũ đều phải làm lâu dài, từng bước, phải kiên trì thực hiện. Quan trọng là thấy vấn đề và quyết tâm theo đúng tinh thần cụ Phan.

Với những bạn sinh viên hiểu được phương hướng hoạt động của trường, đến tham gia học tập, chúng tôi cũng xem đó là sự ủng hộ, đóng góp để trường mau lớn mạnh, cũng là đóng góp cho một thử nghiệm giáo dục kiểu mới.

  • Khánh Linh (Thực hiện)