- Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT khẳng định “Khi trường đã chuẩn bị đủ điều kiện theo quy định, thì nghĩa vụ của cơ quan quản lý là phải cấp phép”.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng đã có cuộc trao đổi với VietNamNet về việc quyết định cho Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo hai ngành Y đã khoa và Dược học, cũng như phản hồi lại các ý kiến cho rằng có độ vênh giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế trong việc này.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: Văn Chung

 Trường đã hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ

Theo đề nghị của Bộ Y tế, tối thiểu phải đạt 50 giảng viên chuyên ngành có trình độ thạc sĩ trở lên mới đủ điều kiện để mở một ngành mới. Trên thực tế, trong danh sách của hồ sơ mở ngành của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội chỉ có 47 người với ngành Y đa khoa. Vấn đề không chỉ ở chỗ thiếu 3 người so với khuyến cáo của Bộ Y tế, mà ngay trong 47 người đó chỉ có 17 người có cam kết, còn 30 người chưa có cam kết tham gia làm giảng viên cơ hữu cho trường. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu trường báo cáo về việc này?

- Trước khi cho phép mở ngành đào tạo, Bộ GD-ĐT đã thành lập Đoàn thẩm định liên ngành của hai Bộ, trong đó có hai thành viên của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo của Bộ Y tế, theo quy trình riêng để thẩm định các điều kiện mở ngành, trong đó có thẩm định cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, Trường đã chuẩn bị đủ theo điều kiện mở ngành và đủ cho những năm học đầu tiên của khoá học, các năm cuối đã có kế hoạch và có hợp đồng nguyên tắc để thực hiện. Vì vậy, Đoàn đã thống nhất những yêu cầu cơ bản về mở ngành trường đã đảm bảo và yêu cầu trường cần “bổ sung thêm đội ngũ và cơ sở vật chất thiết bị thực hành thí nghiệm theo góp ý của các thành viên đoàn thẩm địnhđể đảm bảo theo lộ trình các năm học và khi tăng quy mô đào tạo”.

 Về đội ngũ giảng viên, ngành Y đa khoa của trường có 47 giảng viên đúng chuyên ngành, trong đó có 6 trưởng bộ môn là TS, PGS, GS y học cơ sở ngành, nội, ngoại, sản, nhi, y học dự phòng và y tế công cộng. Theo trình độ thì có 33 TS, PGS, GS; có 14 ThS và BS chuyên khoa I, II; đảm nhiệm giảng dạy 80% khối kiến thức ngành và chuyên ngành.

Ngành Dược của Trường có 31 giảng viên đúng chuyên ngành, trong đó có 7 trưởng bộ môn là TS, PGS, GS có chuyên ngành về bào chế, phân tích kiểm nghiệm thuốc, dược liệu, tổ chức và quản lý dược, dược lý lâm sàng, hoá dược và vật lý hoá. Theo trình độ thì có 5 TS, PGS, GS; có 18 ThS và DS chuyên khoa I, II; đảm nhiệm giảng dạy 80% khối kiến thức của chương trình đào tạo.

Về minh chứng hồ sơ, tất cả số giảng viên đã đủ hồ sơ chuyên môn, trong đó có một số còn thiếu hợp đồng lao động và cam kết chỉ làm việc duy nhất cho trường. Nhà trường giải trình đó là những giảng viên sẽ tham gia giảng dạy các năm học sau của chương trình nên sẽ hoàn chỉnh hồ sơ trong thời gian tới, sau khi được mở ngành.

So với quy định chung về điều kiện mở ngành trình độ đại học (có tối thiểu 1 TS và 3 ThS đúng ngành đăng ký, đảm nhiệm giảng dạy 70% chương trình đào tạo) thì trường đã chuẩn bị đầy đủ. Thậm chí, hai bộ còn yêu cầu ở mức cao hơn so với mức được quy định để phù hợp với chủ trương nâng cao điều kiện chất lượng trong mở ngành đối với khối ngành khoa học sức khoẻ trong thời gian tới, và trường đã đáp ứng được.

Cho tới trước thời điểm ra quyết định ngày 19/11, trường đã bổ sung cam kết của các giảng viên sẽ làm việc toàn thời gian cho trường sau khi được mở ngành và hiện ngành Y đa khoa có 52 giảng viên đã có bản cam kết với Trường.

Phía Bộ Y tế cho biết ngày 17/11 Bộ này đã có yêu cầu Trường ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội hoàn thiện các yêu cầu đã nêu trong biên bản thẩm định mới ủng hộ việc mở ngành. Tuy nhiên, ngày 19/11, Bộ GD-ĐT đã có quyết định cho phép. Phải chăng giữa hai Bộ vẫn còn những điểm chưa thống nhất, thưa bà?

Công văn ngày 17/11/2015 - Bộ Y tế gửi Trường và Bộ GD-ĐT là văn bản số 8860/BYT-K2ĐT do Thứ trưởng Bộ Y tế ký về việc mở ngành đào tạo trình độ đại học ngành Y đa khoa và Dược học tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trong đó nêu rõ: “Bộ Y tế nhận được công văn số 397/BGH ngày 28/10/2015 của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về việc mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa và Dược học.

Sau khi xem xét, Bộ Y tế có ý kiến như sau: Bộ Y tế ủng hộ Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa và Dược học sau khi hoàn thiện các nội dung theo góp ý được ghi trong Biên bản của đoàn thẩm định mở ngành Y đa khoa và Dược học tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ngày 5/10/2015”.

Công văn trên của Bộ Y tế không phải là căn cứ duy nhất để Bộ GD-ĐT cho mở ngành hay không mà trước hết, Bộ GD-ĐT phải căn cứ vào Biên  bản thẩm định. Trong Biên bản, Đoàn thẩm định liên ngành có kết luận Trường đáp ứng đủ yêu cầu mở ngành đào tạo theo quy định nhưng cũng có ý kiến về việc một số giảng viên còn thiếu cam kết sẽ làm giảng viên cơ hữu duy nhất cho Trường. Căn cứ vào đó, Trường đã bổ sung hồ sơ cam kết của các giảng viên theo yêu cầu của Đoàn thẩm định. Sau đó, Bộ Y tế lại có Công văn nêu trên.

Như vậy, nhà trường đã hoàn thiện các điều kiện để mở mã ngành đào tạo theo góp ý của Đoàn thẩm định. Bộ Y tế cũng ủng hộ việc mở ngành nếu Trường đã hoàn thiện các nội dung theo góp ý được ghi trong Biên bản thẩm định nên Bộ GD&ĐT ra quyết định cho phép mở ngành.

Chúng tôi chỉ ra quyết định khi Trường đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Bộ Y tế là cơ quan phối hợp với Bộ GD-ĐT trong thẩm định mở ngành. Phía Bộ Y tế tham gia về chuyên môn, còn Bộ GD-ĐT quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Không có ngoại lệ

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phải là trường trường ngoài công lập đầu tiên được Bộ GD-ĐT chấp thuận cho đào tạo y, dược. Nhưng sự việc lần này lại khiến dư luận băn khoăn, bức xúc. Theo bà, đâu là nguyên nhân?

- Tôi cho rằng có 2 nguyên nhân dẫn đến việc này. Thứ nhất, do tên gọi của trường không liên quan gì tới y dược, và tên gọi của trường cũng khiến dư luận cho rằng không thể kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong khi những trường đa ngành hay trường tư thục khác đang đào tao ngành y dược thì tên gọi của họ rất chung, nên ít gây băn khoăn.

Lý do thứ hai là điểm đầu vào của trường năm vừa rồi chỉ bằng ngưỡng điểm tối thiểu khiến dư luận cho rằng nếu cứ áp dụng như vậy thì ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ngành y dược, nếu được tuyển sinh.

Tuy nhiên, khi đầu tư cơ sở vật chất, làm đề án, bản thân trường đã phải ý thức và chắc chắn chất lượng và uy tín là điều họ phải hướng tới.

Thực tế thì tên gọi không nói lên chất lượng, còn về đầu vào thì trường chưa tuyển sinh, và không có cơ hội để tuyển sinh năm nay. Chắc chắn đến khi tuyển sinh, trường không thể lấy điểm thấp mà phải quy định ngưỡng chất lượng đầu vào theo ngành, đáp ứng yêu cầu của từng ngành.

Từ trường hợp này có thể nói rằng các trường đa ngành, kể cả công lập và ngoài công lập, đều có thể mở bất cứ ngành nào mà trường thấy có nhu cầu và đủ điều kiện, thưa bà?

- Quy trình mở ngành được thực hiện theo Thông tư 08, trong đó qui định các ngành định mở phải phù hợp yêu yêu cầu nhân lực của địa phương, vùng miền.

Đối với các trường ĐH công lập, khi Chính phủ ra quyết định thành lập đã xác định chức năng nhiệm vụ cụ thể của trường. Các trường chiếu theo chức năng nhiệm vụ được giao để định hướng việc phát triển ngành nghề phù hợp.

Đối với các trường ngoài công lập thì chức năng, nhiệm vụ, định hướng ngành nghề đào tạo do các nhà đầu tư xác định khi xây dựng đề án thành lập trường, và những nội dung này có thể được điều chỉnh trong quá trình phát triển. Pháp luật không phân biệt đối xử với các trường ngoài công lập.

Theo nguyên tắc, việc cấp phép cho những ngành đặc biệt, có phạm vi, tiêu chuẩn, điều kiện riêng thì phạm vi, tiêu chuẩn, điều kiện đó phải được quy định minh bạch. Những quy định này thể hiện trong quyết định thành lập trường, trong quy định về mở ngành hoặc trong các quy định liên quan, trong các biện pháp quản lý hành chính của cơ quan có thẩm quyền... Nếu không có quy định riêng đặc biệt nào thì phải theo quy định chung.

Khi trường đã chuẩn bị đủ điều kiện theo quy định, thì nghĩa vụ của cơ quan cấp phép là phải cấp phép.

Tức là Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phải trường hợp đặc biệt?

- Việc cho phép mở ngành y, dược trong Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phải tạo ra một ngoại lệ đặc biệt, không cần lo lắng rằng sau trường hợp này thì những điều gì sẽ xảy ra.

Ở Việt Nam hiện nay có 21 trường đang đào tạo y đa khoa thì trong đó có 9 trường đa ngành và 5 trường ngoài công lập. Trong 26 trường đang đào tạo ngành dược thì có 16 trường đa ngành và 14 trường ngoài công lập. Trên thế giới cũng không nhiều trường y chuyên ngành mà đa số là ngành y được đào tạo trong trường đa ngành.

Hiện nay các Đại học Quốc gia và các trường đại học, học việc thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ đã được nhà nước cho tự chủ mở ngành đào tạo. Các trường này tùy theo định hướng chiến lược phát triển của mình, chủ động trong việc mở ngành, phát triển chương trình đào tạo.

Trong quá trình đào tạo, Bộ GD-ĐT luôn rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng, như trong thời gian qua, Bộ đã cho dừng nhiều ngành không đảm bảo chất lượng. Việc minh bạch thông tin chất lượng để xã hội giám sát, người học tham khảo… cũng là yêu cầu trong công tác kiểm định chất lượng và xếp hạng trường đại học đang và sẽ được thực hiện trong thời gian tới để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Xin cảm ơn bà!

    Văn Chung – Ngân Anh thực hiện