“Sự lận đận 10 năm qua của thầy Khoa cũng đủ để anh Đăng nên nhìn lại cách ứng xử của mình. Mọi ồn ào sẽ qua nhưng vết thương trong sự nghiệp và cuộc đời thì sẽ luôn ở lại với người trong cuộc”.

Hoàng Dương, thí sinh Đường lên đỉnh Olympia mùa 2 (Phan Mạnh Tân quán quân) đã chia sẻ như thế với Doãn Minh Đăng, một người anh mà Dương rất trân trọng:

Chọn cách ra đi... thay vì ở lại để trút bỏ những ức chế

Khi thấy môi trường không phù hợp với công việc, cách tốt nhất mà tôi chọn là đừng biến nó thành mâu thuẫn, mà sẽ là lẳng lặng bỏ đi để tìm một chỗ phù hợp.

Thực tế, anh Đăng may mắn hơn tôi rất nhiều khi chọn đúng nghề và đã có một thời gian được làm chuyên môn. Rời cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, tôi vào Đại học sư phạm. Vì tôi thích được đi dạy.

{keywords}

Hoàng Dương: "Bạn bè tôi đi làm kinh doanh, marketing và nhiều nghề khác để sống"

Tôi chọn đúng ngành vì tôi yêu thích sư phạm nhưng lại sai chuyên môn, đó là sư phạm Tin học. Lẽ ra, một đứa học chuyên Toán, phải là lựa chọn sư phạm Toán mới đúng.

Học xong 4 năm tôi ở lại trường Sư phạm và làm trong Viện nghiên cứu sư phạm, làm một chuyên viên ở đó. Chỉ là muốn ở lại trường tìm kiếm cơ hội mà tôi đã lãng phí mất 4 năm của mình với một công việc không phù hợp.

Thực ra là cái chung cho dân sư phạm chúng tôi là ít ai được làm đúng ngành. Bạn bè tôi đi làm kinh doanh, marketing và nhiều nghề khác để sống. Nói chung, tỷ lệ sinh viên sư phạm phải đi làm trái nghề rất cao. Vì sao?

Một sự nghiệp tốt sẽ được bắt đầu bằng sự hiểu mình

Nên tôi hoàn toàn hiểu cảm giác tại sao anh Đăng đang là phó trưởng khoa chuyên môn, được cơ cấu lên làm phó hiệu trưởng, anh ấy phải lựa chọn là từ chối để làm chuyên môn.

Tôi có biết anh Đăng không muốn trở thành một nhà quản lý tệ, mà muốn trở về chuyên tâm làm một nhà khoa học giỏi. Suy từ bản thân mình, tôi hoàn toàn hiểu được lựa chọn của anh Đăng.

Tôi hiểu anh Đăng có những cái lựa chọn của riêng mình và cái khó ở cái thế là lựa chọn ấy hoàn toàn không được cả một hệ thống chấp nhận.

Góc nhìn của tôi là anh Đăng ở trong một môi trường không hoàn toàn phù hợp với tố chất anh Đăng nên xung đột ấy là xung đột hoàn toàn tiềm ẩn.

Nhưng, vì đã từng đi dạy kỹ năng, tôi nhận thấy vấn đề giữa anh Đăng và nhà trường có rất nhiều điều không ổn về mặt ứng xử.

Anh Đăng có lựa chọn mà tôi nghĩ là dũng cảm và chính trực là nói lên tất cả sự thật thay vì lẳng lặng bỏ đi như tôi hay bao nhiêu người khác.

Có thể do tôi chưa có những mâu thuẫn lớn như anh Đăng nhưng nếu giả sử là có, tôi cũng không lựa chọn cách ứng xử như anh Đăng.

Tôi nghĩ, trong trường hợp đó, hoặc anh Đăng phải thay đổi môi trường làm việc, hoặc anh Đăng phải thay đổi chính bản thân mình để phù hợp với điều đó. Nhưng đánh đổi thứ 2 này, tôi thấy không đáng.

Một sự nghiệp tốt sẽ được bắt đầu bằng sự hiểu mình. Phải hiểu mình là ai, mình có tố chất gì, mình phù hợp với loại công việc nào.

Anh Đăng quan niệm thành công rất đúng chuẩn của thế giới, tức là người ta được là chính mình, phù hợp với tố chất năng lực của mình mới là tốt nhất thay vì mặc một cái áo hoàn toàn không phù hợp, không thể nào vừa vặn với bản thân.

Sự lựa chọn trở thành nhà khoa học chuyên tâm của anh Đăng mâu thuẫn với quan điểm của nhà trường trong vấn đề đào tạo con người.

Tôi cho rằng chuyện bị kỷ luật về việc đi mà không báo cáo là cái cớ để nhà trường giải quyết mâu thuẫn bấy lâu từ việc phát triển thế giới quan trong phát triển con người.

Xét trên góc độ của một người làm kỹ năng, tôi nhận thấy cả nhà trường lẫn anh Đăng đều chịu thiệt thòi trong vấn đề này.

Cả hai cùng đều làm tổn thương nhau và làm ảnh hưởng đến những người khác, đó hoàn toàn không phải là lựa chọn khôn ngoan, nhất là lựa chọn của những người làm công tác sư phạm.

Về phía nhà trường, tôi nghĩ rằng, một phó trưởng khoa đi hội thảo 5 ngày không xin phép cùng lắm là cảnh cáo, chứ không thể đang từ một phó khoa chuyên môn lại không cho người ta làm chuyên môn, đẩy vào làm một việc tréo ngoe.

Tuy nhiên, cả nhà trường và anh Đăng, tạm gọi là những nhà sư phạm có kiến thức, có tư duy, đừng để mọi thứ tồi tệ đi. Hãy nghĩ đến giải pháp trước khi câu chuyện trở nên bung bét.

Công bằng mà nói, anh Đăng cũng có những ngoan cố của mình. Anh ấy cũng có một phần lỗi trong đó vì đã để mọi chuyện ngoài tầm kiểm soát và cùng với nhà trường làm cho mọi thứ đi quá xa so với câu chuyện nội bộ của một nhà trường.

Khi nhận công việc ở một trường nâng cấp từ một trường đào tạo tại chức, lại có mẹ từng làm ở đó, anh ấy phải biết có những cái thiếu chuyên nghiệp để đưa ra giải pháp cho mình chứ.

Anh Đăng cần biết, khi anh Đăng lựa chọn quay về, thì anh hãy hình dung ra những rủi ro từ môi trường mang lại.

Bây giờ chuyện cũng đã tan nát thế rồi, anh Đăng nên chọn một môi trường để anh ấy được là một nhà nghiên cứu, một người giảng dạy, và thay đổi mình trong một số vấn đề ứng xử để không làm mất thời gian và tuổi trẻ của mình.

Thực ra ở đâu cũng thế thôi, nếu anh chọn ở Việt Nam, vẫn còn những tồn tại, những cái nhiều khi chẳng đâu vào đâu mà anh phải đối mặt. Thậm chí, đôi khi phải gạt ra ngoài sự quan tâm để mình làm tốt công việc của mình.

Mọi việc đều có thể giải quyết tùy vào cách ta ứng xử. Tôi vẫn cho rằng chuyện với nhà trường không quá lớn. Nó lớn chỉ vì cả hai thổi cho nó ngày càng lớn hơn để cuối cùng cả hai bên chiến thì hai bên đều thương tật.

Những nhà giáo đi cãi nhau, người ngoài nhìn vào thì cũng chẳng ra làm sao cả. Cuộc cãi cọ đó cũng trở thành mua vui cho dư luận, chẳng được một vài trống canh, mà người trong cuộc thì để lại vết sẹo trong sự nghiệp

Điều đáng tiếc hơn cả là anh Đăng để điều này xảy ra trên mảnh đất quê hương của mình. Thầy Khoa, sau khi làm bung ra mọi chuyện, sau 10 năm, nhìn lại thấy thầy vô cùng lận đận.

Là đồng môn, đồng nghiệp, thực lòng tôi không muốn anh Đăng là một thầy Khoa thứ 2.

Theo Hoàng Nguyên Vũ (Tri Thức Trẻ)