- Giới khoa học xã hội Việt Nam từng quan niệm "Văn, Sử, Triết bất phân". Triết học phải chịu số phận quá bi đát, bị chán, bị ghét, bị ghẻ lạnh bởi người học vì khô khan, vô bổ, rối rắm…thậm chí thầy dạy môn triết khó lòng có được một hình ảnh “đầy đặn” trong lòng những thế hệ học trò không chuyên. Vì sao vậy?
Triết học, bản thân nó vốn là “khoa học của mọi khoa học” nói như thế không ngoa chút nào! Chớ vội lắc đầu bởi khi khoa học cơ bản chưa đạt đến trình độ vừa đủ để tự phân tách rạch ròi đối tượng và phương pháp nghiên cứu thì tất cả đều nằm trong một môn chung gọi là “Triết học”.
Vì vậy, các triết gia đều là những nhà thông thái. Kiến thức triết học như những miếng cao cô đọng tri thức về tất cả các lĩnh vực, Khi được tích hợp cao độ như vậy rõ ràng nó sẽ khó đọc, khó hiểu, khó nhớ khó nắm bắt và quá khó để áp dụng, Sinh viên không chuyên chán ngán môn này là điều không khó giải thích.
Hình ảnh có tính chất minh họa |
Việc dạy và học môn học đỏng đảnh này ở Việt Nam đã bất cập mấy chục năm qua. Bản thân môn triết trước hết sẽ cung cấp cho người học thế giới quan khoa học và phương pháp luận biện chứng.
Tuy nhiên, dường như triết học đã bị chính trị hóa, bị biến thành công cụ tuyên truyền, khiến nó không còn là một môn khoa học đúng nghĩa. Cách làm như vậy liệu có hợp lý và khoa học khi bản chất triết học vốn chẳng chiều lụy hay phục vụ cho riêng ai, nó vốn đỏng đảnh và long lanh như ngôi sao sáng trên bầu trời.
Vì bị chính trị hóa cho nên việc dạy môn triết thiếu đi một điều kiện cần là “tư duy tự do”. Không có và không ai cho “tư duy tự do” trong triết học thì coi như đã bịt mắt trước khi tìm đường. Nói cách khác, học triết không thể thiếu sự phản biện và tranh luận. Nhưng, muốn tranh luận và phản biện buộc phải có “tư duy tự do”!
Nhìn lại, cách dạy và học ở ta, không riêng gì môn triết đều là thầy đọc, trò chép. Không ít người hiện đại hóa phương pháp dạy triết bằng cách dùng máy chiếu!
Dạy triết, ngoài kiến thức uyên thâm buộc người thầy phải có tuổi nghề, có đủ sự va chạm và kinh nghiệm, vốn sống mới đủ sức đưa thực tiễn vào minh họa cho những mệnh đề siêu lý luận. Triết học như một miếng cao nên người thầy phải đủ độ “nóng” mới có thể làm tan chảy những tinh hoa trong đó để tạo thành những giọt nước mát lành.
Là môn học bắt buộc trong các trường trung cấp lên đến đại học, thậm chí khi thi cao học và làm nghiên cứu sinh cũng không thể thiếu vắng triết học, nhưng triết học đã bị "cưỡng duyên".
Một chương trình đồ sộ, một hệ thống kiến thức khổng lồ từ thời Hy Lạp – La Mã cổ đại cho đến nay nhưng chỉ phải truyền đạt cho sinh viên…30 tiết, bằng 1350 phút, tương đương với 22,5 giờ đồng hồ để dạy cho sinh viên hiểu và vận dụng khối lượng kiến thức của 2.700 năm (triết học chính thức ra đời từ thế kỷ VI TCN) hỏi mấy ai làm được?
Chính vì thời lượng quá ít nên người thầy có tài năng cỡ nào cũng khó lòng “tóm” hết được. Lịch sử triết học luôn có tính kế thừa. Nếu chỉ dạy triết học Mác mà không nói đến Triết học cổ điển Đức thì chẳng khác nào “vác tre đầu ngọn”, cũng như học khái niệm vật chất của Lênin mà không hiểu thuyết nguyên tử của Đêmôcrit hay các định luật Vật lý thì không thể nào đến nơi đến chốn.
Hiện nay, chỉ có duy nhất một dạng giáo trình dùng chung cho cả Khối ngành khoa học xã hội nhân văn và Khối ngành Tự nhiên. Điều này khiến nhiều sinh viên ngành kinh tế, kỹ thuật thắc mắc không biết việc học hàng tá lý thuyết khô khan để làm gì. Ngược lại, sinh viên ngành xã hội há hốc mồm trước nhiều luận điểm triết học mang nặng kiến thức khoa học tự nhiên.
Thạc sĩ Trương Khắc Trà