- Chiều tối 7/12, một cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ GD-ĐT Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo TƯ xung quanh tranh luận có nên để môn Lịch sử là môn học độc lập, bắt buộc trong chương trình-SGK mới.


{keywords}
Một phòng thi môn Lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại Hà Nội chỉ có 1 thí sinh và 19 người phục vụ (Ảnh: Văn Chung).

 

Sau cuộc làm việc này, Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bước đầu đã có những ý kiến thống nhất về quan điểm thiết kế môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình Thời sự 19h của Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin.

Theo đó, điều mà cả hai bên đều thống nhất là Lịch sử đóng vai trò quan trọng trong chương trình phổ thông và là nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh từ tiểu học lên THPT.

Vấn đề cần thảo luận là môn Lịch sử sẽ là môn học độc lập trong toàn bộ chương trình hay được tích hợp với một hoặc một vài môn học khác.

Tại buổi họp, GS Trần Thị Vinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Theo khảo sát của Hội, ở 31 quốc gia ccó xu hướng tách môn Lịch sử. Các nước này có tích hợp ở cấp tiểu học, một phần nào đó ở cấp THCS nhưng THPT gần như hoàn toàn tách.

Trong khi đó, thông qua khảo sát ở hơn 40 quốc gia trên thế giới do UNESCO, đại diện ban chỉ đạo đổi mới chương trình-SGK (Bộ GD-ĐT) cho rằng số quốc gia tích hợp môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông cũng nhiều không kém, vấn đề quan trọng là Việt Nam xác định mục tiêu giáo dục là gì.

Theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện đã được thông qua, giáo dục sẽ chuyển từ mô hình truyền thụ kiến thức sang mô hình đánh giá năng lực người học. Với mục tiêu này việc tích hợp các môn sẽ giúp giảm tải cho học sinh và làm hình thành năng lực tổng hợp cho các em.

PGS Bùi Mạnh Hùng, Viên Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng: "Người ta phải thiết kế hệ thống các chuẩn cần đạt như thế nào để những kiến thức và kĩ năng về Địa lý có thể phục vụ cho chuyện dạy học Lịch sử. Ví dụ dạy về cách mạng công nghiệp tại Anh nếu các em trong cùng học kỳ, cùng lớp được học về Địa lí nước Anh hay về lịch sử các nước Đông Á cần đạt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nếu trong cùng chương trình các em được học về địa lí châu Á thì những kiến thức như vậy giúp các em học tốt hơn về học lịch sử".

Sau khi bàn bạc, Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có một số điểm thống nhất căn bản:

Thứ nhất, bậc tiểu học Lịch sử sẽ tích hợp trong môn học chung cùng với một số ngành khoa học khác, chủ yếu giáo dục lịch sử thông qua các câu chuyện để tạo hứng thú và hiểu biết cho học sinh.

Ở bậc THCS có 2 phương án sẽ tiếp tục thảo luận.  Phương án 1: Để Lịch sử và Địa lí là hai môn học độc lập, viết thêm phần tích hợp kiến thức giữa hai môn này để trò phát triển khả năng tổng hợp. Như vậy sẽ cần tới ba cuốn sách.

Phương án 2: Xây dựng môn Lịch sử, Địa lí tích hợp gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, những phần kiến thức có liên quan sẽ tạo thành các chuyên đề liên môn. Học sinh sẽ chỉ có 1 cuốn sách.

Ở bậc THPT, Lịch sử vẫn là nội dung bắt buộc, không tích hợp nội dung giáo dục Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc. Hoc sinh chọn Lịch sử để thi đại học sẽ học lịch sử nâng cao; đây là môn độc lập. Học sinh không theo Lịch sử như định hướng nghề nghiệp sẽ học bắt buộc môn Sử Địa với kiến thức cơ bản. Điều này đảm bảo tất cả học sinh sẽ học Lịch sử nhưng ở các cấp độ khác nhau.

Trao đổi với VietNamNet, một nguồn tin cho biết hai bên hiện đã thống nhất bỏ môn Khoa học xã hội ở bậc THCS.

Tuy nhiên việc cần bàn là đặt tên riêng môn là Lịch sử, Địa lí là một phương án hoặc có thể gọi là môn Sử-Địa nhưng có nội dung lịch sử, địa lí riêng và phần chung. Như vậy, cần bàn bạc thêm phần tên gọi.

Văn Chung