- “Nhân viên quèn, lương đủ sống qua ngày thì sẽ bị bơ luôn, còn có tí chức tước, tiền tài thì kiểu gì cũng được xin số điện thoại” - anh Long (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) rút ra từ buổi họp lớp ĐH năm ngoái.

Anh Long nhớ lại, gần chục năm ra trường, khó khăn lắm lớp mới tổ chức được 1 buổi gặp mặt vì mất liên lạc. Nhưng thay vì hỏi han về cuộc sống, ôn lại kỷ niệm thì có những người chỉ chăm chăm kiếm mối làm ăn.

“Mình thấy buồn cười nhất là đoạn mọi người thay nhau nói tóm tắt về công việc và cuộc sống hiện tại. Ai đang làm ở công ty lớn, có chức tước thì y như rằng cả lớp bấm điện thoại lưu số rào rào.

Còn ai nói đang làm nhân viên hay tự kinh doanh ở nhà thì bơ luôn, chả thấy ai ghi chép, hỏi han. Có những cặp thấy có khả năng hợp tác thì ngay lập tức tách ra nói chuyện riêng. Có những người bán hàng hay làm dịch vụ thì cũng nhân tiện quảng cáo rồi mời mọi người ủng hộ. Cứ như đi dự hội chợ vậy”, anh Long nói.

Còn chị Thu Trang (quê Hải Dương, đang trọ Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, đến họp lớp hàng năm đều được hỏi mỗi câu “Giờ mày làm ở đâu, lương lậu thế nào, đã mua nhà chưa?”

Chị Trang bảo, lần đầu tiên nghe câu hỏi đó chị hơi khó chịu, nhưng nghĩ bạn bè lâu ngày mới gặp, muốn biết thông tin của nhau nên chị nhiệt tình trả lời. Đến lần thứ hai cùng người đó hỏi thì chị cảm thấy khó chịu, chỉ trả lời qua loa “vẫn làm chỗ cũ”. Đến lần thứ 3 thì chị biết chắc, người ta hỏi không phải để quan tâm nhau mà là có mục đích cả. Vì nếu quan tâm thì người ta đã để tâm và không phải hỏi đến lần hai, lần ba…

{keywords}
Ảnh có tính chất minh họa

Khác với chị Trang, hai năm nay, anh Lê Xuân Hòa (quê Thái Bình) chẳng còn thiết tha với họp lớp bởi anh thấy nó không còn mang ý nghĩa vốn có là kết nối bạn cũ, ôn lại kỷ niệm.

“Những lần họp lớp trước còn trò chuyện thoải mái, chứ hai năm nay tôi thấy sặc mùi tiền và khoe của. Từ ngày có vài người trong lớp thành đạt hơn, người mua được xe ôtô, người tậu được nhà mới, người lên chức…là khác hắn. Ngồi ăn mà cứ phải chình ình cái iphone, ipad trước mặt, thỉnh thoảng lại vuốt vuốt vẩy vẩy…Nói chung các câu chuyện chỉ xoay quanh lương, ô tô, nhà đất và dự án tiền tỷ.

Câu chuyện chị Thu Hương (Nam Định) “nhớ mãi” ở buổi họp lớp năm đầu tiên là các bạn giờ giấc rất cao su, mặc dù đã chốt giờ thuận tiện cho số đông. Tuy nhiên, điều đáng buồn là một số thành viên không tôn trọng tập thể, luôn coi mình là người quan trọng nên đến trễ, để cả lớp phải đợi.

“Với những người có lý do chính đáng thì không vấn đề, nhưng nhiều người còn cố ý đến muộn, về sớm để tỏ ra mình là người quan trọng, là người bận rộn, thời gian là vàng, là bạc cơ”, chị Hương khó chịu và bấm bụng sẽ “nói không” với họp lớp các năm tiếp theo.

Hãy chia sẻ với chúng tôi về cảm nhận buổi họp lớp đáng để nhớ và nên...quên của bạn? Bài viết gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải trên chuyên mục Giáo dục.
  • K. Minh