Nhiều năm nay, cứ nghe trường bị thanh tra thì từ ban giám hiệu đến tất cả các giáo viên đều thấy mệt mỏi, căng thẳng và áp lực. Vì sao giáo viên lại lo nơm nớp?

Chỉ có người trong nghề mới hiểu được những nỗi niềm ấy. Đơn giản chỉ vì họ “thanh” thì ít mà “tra” thì nhiều. Ai cũng muốn mình được đánh giá tốt, chẳng ai muốn chỉ vì vài ngày thanh tra để lại ấn tượng xấu trong lòng những người ‘cầm cân nảy mực”. Vì thế mọi người thường cuống cuồng chuẩn bị mọi thứ thật tốt, thật trơn tru nên đã ngốn không ít thời gian và công sức.

{keywords}
Hình ảnh có tính chât minh họa

Trước hết thầy cô dồn sức cho những trang thiết kế, những cuốn sổ như sổ dự giờ, sổ kế hoạch, sổ biên bản, sổ đồ dùng dạy học, lịch báo giảng, sổ chủ nhiệm...Mọi người hì hụi ghi ghi chép chép ngày này qua ngày khác sao cho thật tinh tươm, thật hoàn chỉnh nhất.

Chuẩn bị hồ sơ xong, loay hoay với khoảng gần chục tiết học sẽ dạy trong ngày thanh tra về. Vì chưa biết họ yêu cầu dự giờ tiết nào nên ai nấy đều ra sức chuẩn bị.

Nếu dạy trên lớp chỉ cần học sinh hiểu và làm được bài coi như đã đạt mục tiêu. Nhưng dạy cho người khác dự giờ phải đúng thời gian từng phút. Làm được điều này, ngoài việc giáo viên phải có sự chuẩn bị thật chu đáo cho mình còn phải cho học sinh bằng cách dạy thử, dạy mẫu vài lần cho các em hiểu để đến khi dạy thật cứ việc làm ro ro.

Ngày đầu thanh tra làm việc, mấy chục con người đi “quần” các lớp. Dù hôm đó có 7 tiết học, họ ưng dự tiết nào chỉ việc xướng tên lập tức giáo viên phải đáp ứng đầy đủ.

Chỉ giáo viên mới là người hiểu năng lực tiếp thu bài của học sinh lớp ấy ra sao để sử dụng phương pháp dạy học gì là phù hợp. Nhưng chỉ vào khoảng 35 phút, nhiều thanh tra tìm mọi cách bắt bẻ sao không sử dụng phương pháp này mà lại sử dụng phương pháp kia...sao bài tập nâng cao lại không sửa theo nhóm đối tượng mà sửa chung cả lớp (mặc dù gần như cả lớp đều làm được)...Ngồi dự giờ, họ cố gắng tìm ra những thiếu sót, những sơ hở hơn là việc ghi nhận những ưu điểm, những nét nổi bật của người dạy.

Ngày thứ hai, chủ yếu kiểm tra hồ sơ sổ sách. Dù hồ sơ đẹp, hoàn chỉnh đến đâu cũng bị thanh tra chỉ ra những điểm còn thiếu sót. Thôi thì đủ loại lỗi như thiết kế không theo 901, sai lỗi chính tả, phông chữ không đúng chuẩn, chưa lưu ý bài tập cho các nhóm đối tượng học sinh...

Buổi cuối cùng của ngày thanh tra thứ hai là họp đoàn thanh tra.

Đây là khoảng thời gian giáo viên bị ‘khủng bố” nhiều nhất. Lời khen thì ít chủ yếu là ca thán, chất vấn - đôi khi là có những câu như “trường chuẩn quốc gia mà làm như thế à?” “Đừng tưởng là mình hay, mình giỏi mà cãi lại ban giám khảo. Khi nghe góp ý phải ghi chép mới thể hiện sự tôn trọng người khác”...

Một năm giáo viên phải oằn mình gồng gánh biết bao cuộc thanh tra từ cấp nhỏ đến cấp lớn. Thanh tra đợt này chưa kịp hoàn hồn đợt khác lại tiếp diễn. Cứ như thế, giáo viên suốt ngày chỉ lo đối phó mà chểnh mảng trong việc dạy học và nâng cao chất lượng học tập của các em học sinh cũng là điều dễ hiểu.

Trước thông tin, giáo viên không phải lo thanh tra nữa, là nhà giáo, ai ai cũng khấp khởi mừng thầm nhưng lại nghi hoặc không biết đó có phải là sự thật không?

Đổi mới giáo dục, đổi mới cách thanh kiểm tra cũng là cách cởi trói cho giáo viên để họ được đầu tư cho công tác giảng dạy mà không lo nơm nớp mỗi khi thanh tra về.

  • Khánh Ngọc