- Ông Hoàng Anh Tú, Chánh văn phòng UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết hướng giải quyết xung quanh việc hàng nghìn học sinh bị ép nghỉ học để phản đối xây dựng trung tâm thương mại ở xã Ninh Hiệp.
Giải thích với báo chí chiều 22/12, ông Tú cho biết khi có chủ trương xây dựng trung tâm thương mại, năm 2014 bà con đã biểu tình phản đối việc phá trường xây chợ vì lo ngại ảnh hưởng tới việc kinh doanh.
Dự án này do thành phố quyết định, huyện là nơi thực hiện. Khu đất thu hồi do chính quyền địa phương quản lý.
"Trước khi thu hồi, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo quy hoạch một khu đất rộng khoảng 6.000m2 trước chợ để tiểu thương làm nơi trông giữ xe và sau đó sẽ tiếp tục nâng cấp chợ chứ chính quyền không có ý định thu hẹp hay xóa chợ Nành" - ông Tú cho biết.
Theo ông Tú: "Chợ Nành có vai trò rất quan trọng khi là đầu mối vải vóc ở miền Bắc. Quy mô của chợ chỉ đủ sức cho 400 tiểu thương nhưng ở đây hiện đã có 1200 tiêu thưởng. Tình hình rất quả tải nên nếu xảy ra sự cố như hỏa hoạn thì hậu quả sẽ khôn lường. Huyện đã có quy hoạch bãi đỗ xe, nâng cấp cải tạo chợ Nành và các công trình dân sinh nhưng một số cố tình không hiểu".
Chủ đầu tư dự kiến khởi công dự án vào ngày 22/12 nhưng đã chủ động dừng hoạt động này.
Ông Tú cho biết việc cấp bách trước mắt là vận động để phụ huynh đưa con em trở lại trường. Công an huyện có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự.
Theo ông Hoàng Việt Cường, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm, đơn vị này đã đưa thông tin lên loa phát thanh đến từng xã nêu rõ quyền trẻ em được đến lớp.
Chiều 22/12, Phòng GD-ĐT đã họp cùng hội đồng sư phạm các nhà trường, ban đại diện phụ huynh, phân công giáo viên đến gặp trực tiếp; có thư ngỏ vận động từng học sinh để tuyên truyền học sinh đến trường. Các trường đã nhắn tin qua sổ liên lạc điện tử tới phụ huynh.
Phòng GD-ĐT kiến nghị với huyện Gia Lâm và thành phố Hà Nội để giải quyết dứt điểm về trung tâm thương mại, đem lại sự ổn định trên địa bàn. Đây chính là nguồn gốc của câu chuyện mà ngành giáo dục không tham gia nhưng đã chịu hậu quả trực tiếp.
- Đăng Duy