- Giáo viên bỏ nghề ở thành phố đã không còn là chuyện lạ, nhưng hiện tượng này đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các trường học nông thôn. Điệp khúc “giáo khổ trường công” vẫn khiến cho những người tâm huyết với ngành giáo dục ngày càng phải trăn trở và xót xa với những câu chuyện thế thái nhân tình.

Những thầy cô luôn trách nhiệm với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Văn Chung

Muôn nẻo “ra đi”

Cái tin cô giáo Hạnh nộp đơn nghỉ việc làm cả hội đồng ngỡ ngàng. Ngay lập tức, đại diện các ban bệ, đoàn thể của nhà trường, những chị em vốn thân thiết với Hạnh xúm xít lại để hỏi thăm, động viên, khuyên nhủ.

Trái với thái độ lo lắng, buồn bã của mọi người, Hạnh vẫn rất thản nhiên, trên khuôn mặt của cô còn thoáng chút thanh thản như vẻ mặt một người đã hoàn thành tâm nguyện bấy lâu trăn trở.

Tốt nghiệp khoa Sinh của một trường đại học sư phạm danh tiếng, là Đảng viên ngay từ khi ngồi trên giảng đường đại học, Hạnh định về quê làm giáo viên nhưng tỉnh Hòa Bình quê cô năm ấy lại không có chỉ tiêu tuyển giáo viên THPT của môn này. Nhờ người quen cung cấp thông tin, Hạnh tình cờ biết tỉnh Nam Định có chế độ ưu đãi với những sinh viên bằng giỏi, ngay lập tức Hạnh xin nhập hộ khẩu về một nhà người quen ở Nam Định, cô được phân công giảng dạy ở một trường THPT đạt chuẩn quốc gia của tỉnh.

Những tưởng vượt qua được những khó khăn ban đầu của quá trình tìm việc, Hạnh sẽ gắn bó lâu dài với nghề. Nhưng rồi cuộc sống xa nhà lạ nước lạ cái với bao khó khăn dần dần khiến cô mệt mỏi. Môn học của cô lại không có học sinh học thêm nên ngoài đồng lương chính xấp xỉ 1,6tr/tháng (tập sự); 1,8tr (lương chính thức) không đủ cho Hạnh  trang trải những chi phí hàng ngày. Đến khi mẹ ốm nặng, Hạnh cũng không có một đồng nào gửi về quê cho mẹ. Vừa tủi thân, vừa nhục cho nghề, cô quyết định “từ bỏ”.

Cũng giống như Hạnh, Đương là một giáo viên dạy Hóa đầy triển vọng.

Ngày còn học đại học, anh là một sinh viên năng động: Vừa học khá về chuyên môn anh còn học thêm văn bàng 2 tiếng Anh, ngoài ra Đương còn đi bán hàng, làm phiên dịch.

Mới về trường nhận việc được hơn hai năm, Đương đã được nhà trường giao phó cho nhiều trọng trách.

Ngoài lương, mỗi tháng anh cũng có thêm gần một triệu tiền dạy thêm. Nhưng rồi Đương cũng xin nghỉ việc để làm cho một công ty thương mại trên hà Nội với mức lương thử việc 6 triệu đồng/tháng.

Có những giáo viên khác thì xin nghỉ để đi học tiếp Cao học theo hình thức tự túc. Và tất nhiên học xong chẳng ai về lại trường chỉ để hưởng mức lương cào bằng giống như tất cả những người có bằng cử nhân. Không xin dạy ở các trường quốc tế, tư thục thì họ cũng chuyển sang làm trái ngành.
Nhìn chung, các giáo viên bỏ nghề đều là những giáo viên trẻ. Họ thường “sốc” khi ra trường bởi những khác biệt quá xa giữa tố độ phát triển kinh tế xã hội với môi trường gần như khép kín, nặng nề, “cơm lần gạo lượt”, đặc biệt là quá nghèo của môi trường sư phạm.

Co kéo với thu nhập tròm trèm 2 triệu đồng

Tốt nghiệp đại học sư phạm, trong khi các bạn cùng lớp về quê dạy học thì Tâm ở lại Hà Nội quyết tâm học lên cao học.

Vừa đi làm thêm, vừa học vất vả không kể hết nhưng cô vẫn vui vì nghĩ tới cái bằng thạc sĩ trong tay sẽ làm mở mày mở mặt bố mẹ với họ hàng và bạn bè đồng trang lứa.

Quan trọng hơn nữa, với thời gian nghiên cứu kỹ về chuyên môn, Tâm hy vọng là mình có thể thật sự tự tin để đứng trên bục giảng thực hiện nhiệm vụ trồng người.

Tấm bằng thạc sĩ của Tâm được tỉnh tạo điều kiện ưu ái trong quá trình xét tuyển, cô được phân công về dạy ở một trường phổ thông cách nhà hơn 10 cây số.

Niềm vui nhận được việc chưa kịp tắt thì Tâm thất vọng vì mức lương của mình. Cô ưu ái được xét luôn lương bậc 2 của hệ 15.113 (cộng với 30% đứng lớp thì lương là 2,3 triệu đồng mỗi tháng) nhưng vẫn phải mất 1 năm tập sự (nghĩa là hưởng 85%) lương. Tổng thu nhập của Tâm là 1,8 triệu đồng mỗi tháng.

Cầm tháng lương đầu tiên, Tâm đắn đo cộng cộng trừ trừ mất gần cả buổi tối mà không biết căn như thế nào để đủ tiêu trong một tháng: Tiền xăng xe tối thiểu 300 ngàn đồng, tiền ăn hàng tháng ít nhất cũng 500 ngàn đồng, tiền hao mòn xe cộ, tiền mua cái quần cái áo hẳn hoi để đi dạy, tiền đình đám rồi các khoản khác phát sinh. Đấy là chưa kể hàng tháng phải trừ đi các loại quỹ, các loại tiền ủng hộ….

Với khả năng có thể nói lưu loát tiếng Anh và tiếng Trung, Tâm được nhiều bạn bè giới thiệu làm việc này việc kia.

Lúc đầu Tâm chần chừ: “Các giáo viên khác sống được, mình cũng sống được”,.

Nhiều lúc, nhìn những gương mặt hào hứng của học sinh, thấy những học sinh cá biệt đang tiến bộ từng ngày rồi cả sự tin tưởng của các phụ huynh, Tâm thấm thía sự cao cả của nghề nhưng mỗi khi nghĩ đến tương lai cô thực sự lo sợ: khi lập gia đình liệu mình có đủ tiền trang trải cho bản thân, con cái? Rồi đến hết đời liệu có mua nổi một cái nhà?

Trường Tâm dạy là một trường khá tốt ở nông thôn. Giáo viên không có phụ cấp như ở miền núi, không có tiền dạy thêm nhiều như ở thành phố. Tất cả sống quay quắt bằng lương.

Hầu như tất cả giáo viên đều phải làm thêm nghề khác để sống nhưng chủ yếu là chăn nuôi. Vì vậy, ngoài việc trao đổi chuyên môn, các giáo viên chủ yếu trao đổi kinh nghiệm trồng trọt và kinh doanh các giống gia súc gia cầm có năng suất cao.

Niềm vui của học sinh không kéo lại được nỗi lo cơm áo. Ảnh: Văn Chung

Vĩ thanh khúc ca buồn

Những thầy cô “dứt áo ra đi” đều là những người có năng lực, khát khao cống hiến và họ có thể sống khá hơn từ thu nhập từ các công việc khác.

Lãnh đạo các trường có giáo viên bỏ việc đều lắc đầu buồn bã:

“Nhà trường đã cố gắng rất nhiều để tạo môi trường làm việc cho các cán bộ công nhân viên. Nhưng chế độ lương bổng là chung cho cả nước nên chúng tôi cũng không biết làm sao để các đồng chí trẻ yên tâm công tác”.

Mỗi khi có giáo viên nghỉ việc, chỉ có người trong cùng cơ quan là hiểu rõ nguyên nhân, còn tất cả học sinh có thương nhớ thầy cô của mình cũng chỉ biết ngơ ngác: “Vì sao…?”.   

  • Kim Chi

Soạn tin: DT <mã trường> <Số báo danh> gửi 6524
Để nhận Kết quả điểm thi ngay khi công bố

Soạn tin: DTG <mã trường> <khối> <SBD> gửi 6724
Để nhận trọn gói điểm thi: Điểm thi, xếp hạng, chỉ tiêu của trường.

Soạn tin: DC <mã trường> <mã khối> gửi 6524
Để nhận điểm chuẩn ngay khi công bố

Soạn tin: XH <mã trường> <khối> <SBD> gửi 6524
Để biết thứ hạng của mình so với các thi sinh khác

Thí sinh có thể tra cứu mã trường ĐH, CĐ TẠI ĐÂY


>

Thí sinh có thể tra cứu điểm thi TẠI ĐÂY