- Sau chính sách khống chế số lượng sinh viên, các trường đại học có quy mô "vượt khung" đang lên phương án xoay xở tìm cách giải bài toán khó.
Theo quy định tại Thông tư 32 xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học, trong đó quy định quy mô đào tạo ĐH chính quy không vượt quá 5.000-15.000 sinh viên tùy theo khối ngành.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Áng khẳng định, quy định giới hạn quy mô tối đa để đảm bảo cân đối giữa sự gia tăng số lượng với các điều kiện đảm bảo chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của mỗi cơ sở giáo dục đại học cũng như của toàn hệ thống.
"Thông điệp chính của Thông tư 32 là định hướng hình thành hệ thống đại học trật tự, ngăn nắp, tập trung các nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo...." - ông Áng nói.
Phải có lộ trình thực hiện
GS-TS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, nhận định: “Bộ yêu cầu thế nào thì trường sẽ thực hiện nhưng cũng phải có lộ trình. Tuy nhiên, Bộ cũng chỉ hướng dẫn là điều chỉnh chỉ tiêu thôi chứ không văn bản nào của Bộ cho thấy là những trường vượt quá quy mô 15.000 sinh viên sẽ không được tuyển sinh năm tới."
Ảnh Lê Anh Dũng |
"Hiện nay quy mô tuyển sinh hàng năm của trường ổn định ở mức hơn 5.100 sinh viên/năm. Tỉ lệ giảng viên cũng đã ổn định, đáp ứng đủ yêu cầu sinh viên/giảng viên" - ông Khoa cho biết. Vì thế, Trường ĐH Vinh sẽ xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh theo các tiêu chí mới, đồng thời điều chỉnh theo quy định của nhà nước.
Theo ông Khoa, có thể trong 4 năm tới quy mô đào tạo sinh viên hệ chính quy sẽ về mức 15.000. Như vậy số sinh viên/lớp sẽ giảm. Trường cũng sẽ phải tính tới các phương án khác để đảm bảo đời sống cho giảng viên”.
Trưởng phòng đào tạo một trường đại học lớn tại Hà Nội, thuộc diện vượt quy mô quy định nhìn nhận, nhà trường ủng hộ Thông tư 32. Ông cho rằng, đây là động thái cần thiết nhằm định hướng các trường ổn định quy mô, chấn chỉnh và nâng chất lượng đào tạo ở các trường.
Với riêng trường này, theo vị này lộ trình phát triển của trường cũng đã được xây dựng theo hướng nghiên cứu chuyên sâu. Do đó, giảng viên ngoài số giờ lên lớp còn rất nhiều công việc liên quan đến nghiên cứu khoa học, làm việc tại các viện.
Vài năm trở lại đây, trường cũng từng bước giảm dần quy mô đào tạo bậc chính quy. Do vậy phương án cụ thể để trường đạt con số sinh viên chính quy ở mức 15.000 chắc chắn sẽ không gặp khó khăn như các trường khác.
Đau đầu tìm phương án
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, lộ trình trước mắt trong năm 2016 là cân đối chỉ tiêu ở mức 5.300 như 3 - 4 năm nay đúng như hướng dẫn của Bộ nhằm tránh xáo trộn. Tuy nhiên, trường sẽ làm báo cáo gửi Bộ xem xét để giữ quy mô đào tạo trên mức 15.000 sinh viên do đặc thù đào tạo đa ngành và ổn định nhiều năm.
Sẽ hết thời đại học “lấy mỡ nó rán nó” Với quy định mới về cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh, giáo dục đại học sắp tới sẽ qua thời "ăn đong", giảm bớt dần "sinh viên hạng 2". |
Ông Lý cũng cho biết thêm, hiện trường được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho khu vực miền Trung và Tây nguyên với 2 phân hiệu tại Ninh Thuận và Gia Lai. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có công văn đề nghị Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM duy trì đào tạo 7 ngành bậc ĐH và các ngành sau ĐH tại cơ sở này.
Dù vậy, với định hướng trường đại học nghiên cứu, ông Lý cho hay lộ trình tiếp theo từ năm 2017, trường sẽ giảm quy mô đào tạo ĐH và tăng quy mô sau ĐH, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Trong đó, chỉ tiêu các ngành đào tạo sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm xuống dựa vào nhu cầu thực tế của thị trường lao động và tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành nghề.
GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho hay trường đang đau đầu tìm phương án để giảm số sinh viên hệ đại học chính quy về con số 15.000 như quy định tại Thông tư 32. Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng về lâu dài trường cũng phải tính tới phương án giảm dần quy mô theo lộ trình để ổn định và nâng chất lượng đào tạo.
Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết ngay từ khi có Thông tư 57 về quy định đào tạo theo hệ thống tín chỉ, trường đã có kế hoạch giảm dần quy mô.
Theo ông Thực, với quy mô hiện tại, trường chưa gặp vấn đề gì về đội ngũ cán bộ, giảng viên. “Ví dụ nếu số sinh viên giảm mà được phép tăng học phí, theo đó tổng thu vẫn đảm bảo chi trả cho các thầy cô thì không cần phải giảm số giảng viên. Tuy nhiên, hiện trường vẫn thu học phí theo quy định của nhà nước. Nếu muốn thu học phí cao hơn quy định này thì phải được phép tự chủ. Trường đang xây dựng đề án tự chủ”- ông Thực cho biết.
Bài toán khó
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ Đỗ Văn Xê cho biết trường sẽ đề xuất với Bộ GD-ĐT xin được duy trì quy mô đào tạo là 32.000 sinh viên đại học chính quy trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
Cơ sở pháp lý để đề xuất quy mô đào tạo này được ông Xê đưa ra là dựa vào Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy mô đào tạo của các trường đại học trọng điểm là 35.000 sinh viên. Trường ĐH Cần Thơ nằm trong danh sách các trường ĐH trọng điểm. Bên cạnh đó 4 văn bản khác từ năm 2003 đến 2013 cũng khẳng định Trường ĐH Cần Thơ là trường đại học trọng điểm.
Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, học viện chưa họp bàn phương án vì còn phải chờ đề án tuyển sinh. Hiện học viện có hai khối đào tạo Kinh tế nông nghiệp và Kỹ sư nông nghiệp, thú y. Quy mô của học viện là hơn 30.000 sinh viên chính quy.
Theo vị đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nếu theo quy định tại Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT thì sẽ phải giảm quy mô còn một nửa. Như vậy, lượng cán bộ giảng viên sẽ dôi dư rất lớn và giải quyết như thế nào là một bài toán khó.
Còn PGS.TS Trần Đắc Sử - Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải thông tin, trong tháng 1/2016 nhà trường sẽ họp bàn việc thực hiện Thông tư 32 để có phương án cụ thể.
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Trước khi có Thông tư 32, vào năm 2007 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi đó là GS.TSKH Nguyễn Thiện Nhân đã ký quyết định phê duyệt đề án phát triển của trường từ 2007 đến 2030.
Theo đó, vào năm 2015 quy mô của trường hệ chính quy là từ 25.000 đến 30.000 sinh viên. Con số hơn 26.000 như hiện nay của trường mới chỉ là cận dưới của con số này.
Trước khi đề án được phê duyệt, trường cũng đã chuẩn bị kĩ lưỡng về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên.
Tuy nhiên, chủ trương của trường tập trung vào chất lượng nên quy mô đào tạo sinh viên đại học chính quy tới đây cũng sẽ được xem xét để giảm dần, tăng tuyển hệ sau đại học theo lộ trình.
Song theo, ông Sơn nếu có giảm thì con số cũng chỉ được một vài nghìn sinh viên, để về mức 15.000 là việc làm khó.
Tới đây nhà trường cũng sẽ có báo cáo lên Bộ để được xem xét.
TIN BÀI LIÊN QUAN: |
- Văn Chung - Nguyễn Hiền