- Cuối năm 2015, Bộ GD-ĐT ban hành văn bản thúc đẩy vai trò của việc đọc sách, thư viện trong trường học. Điều này được nhìn nhận là cú hích thiết thực trong tiến trình đổi mới giáo dục, với tinh thần xóa bỏ sự "độc tôn" của sách giáo khoa, mở ra nhiều hướng tiếp cận kiến thức trong nhà trường.

Sắp tới đây, hệ thống thư viện trường học - cùng với đó là sự trỗi dậy của văn hóa đọc - sẽ phải cải tiến dần dần để chính sách này đi vào thực tiễn.

Trong thực tế, chưa phải chờ đến chính sách "khoán đọc" nói trên, tại nhiều lớp học ở các trường hiện nay, đã có sự hiện diện của  việc đọc sách. Đó là các góc thư viện - và đi cùng với đó là "ban thư viện" trong mô hình trường học mới (VNEN).

{keywords}
Giờ tự đọc sách của học sinh

Rèn nếp sắp xếp gọn gàng, quản lý linh hoạt

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A2, trường Tiểu học Trù Hựu, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cho biết, từ đầu năm học, cô đã đề xuất với ban đại diện cha mẹ học sinh lớp xây dựng một góc thư viện. Nhà trường sắm tủ, phụ huynh góp sách, học sinh trang trí tủ ngăn nắp, gọn gàng. Ngăn trên cùng là sách Toán và các tài liệu phục vụ cho môn Toán, ngăn thứ hai là tài liệu để giúp cho các em học tốt môn Tiếng Việt, ngăn thứ ba là sách Khoa học, Lịch sử và Địa lí, còn ngăn cuối cùng là sách tham khảo cho các môn học khác và sách, truyện giải trí.

Cô Nguyên hướng dẫn và cùng với các em dán mã màu cho mỗi cuốn sách. Điều bất ngờ là mặc dù không cần sự nhắc nhở của cô giáo, các em đã tự đề ra một quy định chung cho thư viện về thời gian đọc cũng như quy định về bảo quản và giữ gìn sách. Chẳng hạn, các em dán nội quy đó vào đầu của tủ sách, có ý nhắc mọi thành viên hãy chấp hành đúng quy định chung và tự giác lau chùi sắp xếp thư viện sau mỗi buổi học.

Khi xây dựng kế hoạch giáo dục,Trường tiểu học Nam Đồng (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã quy định cụ thể về thời gian đọc sách trong ngày để việc đọc sách ban đầu là việc thực hiện nền nếp quy định sau trở thành hoạt động tự giác, trở thành thói quen. 

{keywords}

Trường tiểu học Nam Đồng (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã xây dựng được 10 thư viện lớp học (10 góc thư viện của lớp) ở 10 lớp học. Mỗi thư viện lớp học bao gồm một tủ (một giá sách) chứa khoảng từ 40 đến 50 đầu sách

Việc quản lý thư viện lớp do các em trong ban thư viện phụ trách. Sau một vài tuần, ban lại thay đổi, tạo cơ hội cho các thành viên trong lớp có trải nghiệm công việc quản lý.

Quan sát quá trình thực tập của các em, cô Nguyên nhận thấy sự linh hoạt trong xử lý tình huống. Chẳng hạn, với những đầu sách chỉ có một cuốn, các em đã biết tổ chức đọc chung, thường là do học sinh có giọng đọc hay nhất lớp đọc cho cả lớp nghe vào đầu mỗi buổi học.

Đẩy kỹ năng tự học

Ngoài những mục tiêu như giáo dục kỹ năng sắp xếp ngăn nắp, kỹ năng "tổ chức sự kiện" theo thực tế địa phương, thì việc đọc sách của học sinh trong nhà trường còn hướng tới mục tiêu giúp các em có kỹ năng tự học, tự tổng hợp và chuyển hóa kiến thức thành nhận thức của mình từ các "kênh" hướng dẫn như giáo viên, tài liệu tham khảo... Đây là một mục tiêu quan trọng trong mô hình trường học mới.

Đã tới nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng nông thôn Việt Nam, anh Nguyễn Quang Thạch - người được biết tới với sự nghiệp "sách hóa nông thôn" - nhận thấy "góc thư viện" là một nét độc đáo của mô hình trường học mới. Theo anh, việc tạo nền đọc tốt cho học sinh, sẽ góp phần đào tạo lại, nâng cao giáo viên, và như một cách “mở cửa lớp để thay đổi nền giáo dục”.

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên cho hay, để có nhiều đầu sách cho học sinh, cô đã đã phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp khác cho học sinh trao đổi sách với nhau. Việc làm này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo phụ huynh và các em học sinh trong toàn trường.

{keywords}
Phụ huynh tham gia xây dựng góc thư viện cho lớp học

Chị Nông Thị Chín - Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh - đã nhiều lần đến lớp cùng với cô giáo Nguyên, tham gia  em sắp xếp lại thư viện, hướng dẫn các em đọc sách.  Chị Chính nói, bây giờ, thấy con mình và bạn bè rất tự tin, tự giác học và đặc biệt chịu khó đọc sách ở nhà. Còn sự chăm chỉ, tự giác học và kết quả tiến bộ thì nhích dần lên theo từng học kỳ. Có lẽ với các phụ huynh, đây là niềm vui bền bỉ nhất. Sách như "bộ óc nối dài của phụ huynh" - nhất là phụ huynh ở các vùng nông thôn, khó khăn, hiểu biết còn hạn chế trong việc bắt kịp việc học của con em mình.

{keywords}

Những bài viết cảm nhận sách của học sinh Trường Tiểu học Nam Đồng (Nam Trực - Nam Định)

"Kéo" giáo viên

Trường tiểu học Nam Đồng bố trí một tiết học trong thời khóa biểu buổi hai để các em HS lớp 1,2 ,3 đọc sách. Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Đã là một tiết học thì giáo viên phải đầu tư, nghiên cứu các phương pháp, hình thức tổ chức để đảm bảo hiêu quả của tiết học đó".

Các thầy cô của trường đã có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức tiết học này. 30 phút đầu của tiết đọc sách để học sinh đọc tự do, thời gian còn lại thì tổ chức cho học sinh giới thiệu hoặc viết cảm nhận về cuốn mình vừa đọc dựa trên những câu hỏi gợi ý. Cũng có thể cả lớp cùng lắng nghe một bạn hoặc giáo viên đọc cuốn sách hoặc một phần của cuốn sách do giáo viên lựa chọn, sau đó tổ chức cho học sinh thảo luận và chia sẻ về cuốn sách đó.

Ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa giáo dục Long Minh nhìn nhận, với đối tượng đọc trung tâm là học sinh, thì lực lượng xúc tác, theo dõi việc đọc đó một cách trực tiếp, “sát sườn” chính là giáo viên. Nghĩa là, các thầy cô cũng không thể không đọc. Với hàm ý đó,  "tự đào tạo" sẽ là một yêu cầu tự thân, thúc đẩy giáo viên đổi mới. Và như vậy, "góc thư viện" của mô hình "trường học mới" đã khai mở quá trình tự học của học sinh, tự đào tạo của giáo viên trong quá trình đổi mới.

  • Song Nguyên