- Mấy năm gần đây, nhiều trường ĐH, chủ yếu là ĐH mới mở đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Phần vì các trường "mọc" như nấm. Phần vì thiếu nguồn thu nên đua nhau mở nhiều loại hình đào tạo khác nhau ngoài chính quy như từ xa, liên thông, tại chức, bằng hai.... để lấy "ngắn" nuôi "dài", lấy nguồn thu từ không chính quy "bù" sang hoạt động đào tạo chính quy.

  
sv Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tìm việc tại hội chợ lao động.


Hầu hết, các trường ĐH có thương hiệu và "tuổi đời" càng cao thì việc "hút" sinh viên vào học các loại hình đào tạo khác không mấy khó.

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Nguyễn Văn Hồng cho biết, đến nay, nhà trường đã tuyển được 28 khoá đào tạo tại chức. Mối khoá tuyển khoảng 2.400 chỉ tiêu.

"Tuy việc tuyển sinh có năm giảm, nhưng có năm tuyển trên 3.000 chi tiêu. Đây là một nguồn thu đáng kể để bù đắp chi phí cho các hoạt động của nhà trường" - ông Hồng nhìn nhận.

Không nắm rõ mỗi năm nguồn thu từ tại chức cho con số cụ thể là bao nhiêu, ông đặt phép tính: lấy 2.400 chỉ tiêu tuyển nhân với khoảng 3,6 triệu đồng/ năm/ sinh viên tại chức, sẽ cho một nguồn tiền đáng kể.

Theo ông Hồng, các trường ĐH không được đầu tư đầy đủ, hệ chính quy thì đào tạo nhiều nhưng thu không đủ bù chi. Do vậy, nguồn thu từ hệ tại chức có hơn, lại không phải chi các khoản như học bổng, khen thưởng, chế độ chính sách, vùng sâu vùng xa, các hoạt động khác...

Hơn nữa, lớp học tại chức thường được bố trí vào ngày nghỉ (thứ 7, chủ nhật) hoặc học buổi tối. Do vậy, nhiều người cũng cho rằng đây là khoản bổ sung cho các trường.

Việc chi cho giáo viên theo quy định. Một giảng viên tối thiểu phải dạy 260 tiết/năm gồm cả dạy tại chức và chính quy.

Số tiền thanh toán một giờ dạy tại chức cao hơn giờ dạy chính quy một chút (do dạy vào buổi tối hoặc lớp học quá đông). PGS được trả 46.000 đồng/tiết, GS, giảng viên cao cấp được trả 54.000 đồng/tiết, giảng viên cơ hữu được 32.000 đồng/tiết. Nếu một giảng viên có sức khoẻ có thể dạy 14 tiết/ ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng thể dạy cường độ như thế liên tục vì rất mệt.

Đến nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã đào tạo tại chức trên 72 địa điểm liên kết với 271 lớp học từ khóa 36 đến khóa 40. Mới đây, khoa tại chức còn tuyển sinh khóa 41 tại các địa phương khoảng 28 lớp nâng tổng số lớp lên 299 lớp học hệ ĐH tại chức.

Với 21 chuyên ngành, khoa đã chiêu sinh đào tạo trên 23.000 sinh viên. Trong đó, đào tạo chủ yếu ở địa phương với 14.422 sinh viên, tại trường là 6.166 và tại các bộ ngành là 2.586 sinh viên.

Ngoài địa điểm học tại trường và các bộ ngành, địa điểm đào tạo liên kết trường đã rải khắp 37 tỉnh thành cả nước. Trong đó, tỉnh có nhiều địa điểm nhất là Hà Tây cũ với 6 địa điểm, kế đến là Quảng Ninh với 5 địa điểm...

Phó GĐ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Lê Hữu Lập cho biết, hệ tại chức của trường mỗi năm tuyển được không nhiều, khoảng 400-500 chỉ tiêu tính cả cơ sở 2 (TP.HCM).

Sinh viên phải đóng học phí là 2,8 triệu đồng/ năm, ông Lập cho biết. Một năm sinh vi ên h ệ tại chức học 6 tháng.

So với các trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương...chỉ tiêu tuyển được ít hơn nhiều nhưng, nguồn thu từ hệ này mỗi năm bổ sung vào ngân sách của Học viện là 1,4 tỷ đồng.

Thấy lợi, "nồi cơm" của các trường ĐH có "tuổi đời" càng cao ngày một nở ra. Thậm chí, nhiều trường ĐH mới mở cũng " đua" mở đa dạng các loại hình đào tạo, trong khi điều kiện đảm bảo chất lượng còn nhiều chuyện phải bàn.

Người học chỉ cần bằng?

Chuyện học giả lấy bằng thật đã lan truyền nhiều năm nay. Có thể, "cung- cầu" ngày càng phát triển với tốc độ mạnh, đẩy việc quản lý vào thế "không kịp trở tay".

Lãnh đạo quản lý trực tiếp đào tạo tại chức ở các trường cho biết, đối tượng đi học đều là những người đã đi làm. Bởi vậy, thời gian lên lớp của họ sẽ rất hạn chế vì nhiều lý do khách quan.

Trưởng Khoa tại chức Trường ĐH Ngoại thương Phạm Duy Liên cho biết, ở Ngoại thương, chương trình dạy cho tại chức và chính quy là một; thầy dạy tại chức và chính quy là một; nhưng cũng không thể đẩy được chất lượng hệ tại chức.

Với kinh nghiệm dạy và làm quản lý hệ đào tạo tại chức, ông Liên nhìn nhận, ở hệ tại chức,  thầy dạy 10 chữ thì may ra vào đầu học viên được 1 chữ. Do không có thời gian tự học nên khả năng tiếp thu kiến thức trên lớp còn hạn chế, vì nhiều người học tuổi cao.

Đối tượng đi học chủ yếu đã có gia đình. Độ tuổi trung bình từ 30 trở lên. Mới đây, trường mới cho đối tượng học sinh phổ thông dự thi tại chức, nhưng tỷ lệ đi học không nhiều.  

Còn phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hồng chia sẻ, một số thầy lên lớp tại chức có chút lơ là vì nghĩ "sinh viên không chịu học...".

Thực tế, không ít sinh viên có quan niệm không đúng là mình học tại chức nên không cần đào sâu nghiên cứu. Nhiều trung tâm hợp tác đào tạo không muốn mất học viên nên thường dễ dãi trong đánh giá kết quả học tập.

Trưởng Khoa tại chức Trường ĐH Ngoại thương kiến nghị, Bộ GD-ĐT cần tổ chức một hội thảo đánh giá loại hình đào tạo này, lắng nghe ý kiến từ các nhà tuyển dụng. Từ đó, các trường họp nhau lại để đưa ra hướng tháo gỡ khó khăn.

Thực tế, cũng có trường chạy theo số lượng, nhưng cũng có trường vẫn đảm bảo chất lượng để sinh viên ra trường có được việc làm. Với người học khi bị nhà tuyển dụng phân biệt đối xử thì sẽ thiệt vì là nạn nhân của quan niệm “đánh đồng”.


Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Nguyễn Văn Hồng: Như các nước khác, nền kinh tế thị trường, đi học là mục đích để có việc làm. Còn ở Việt Nam chủ yếu là do tâm lý sính bằng cấp.

Các cơ quan tuyển dụng nên xét lương theo công việc, chứ không theo bằng cấp. Chính cơ quan nhà nước cũng tuyển dụng theo bằng cấp.

Có thể do đó mà đối tượng thanh niên trẻ học tại chức ngày một đông.

Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị: Từ khi thành lập trường tới nay trường không mở hệ đào tạo tại chức. Lý do đơn giản là không quản lý được. Nếu mở mà không quản lý thì chất lượng đào tạo không đảm bảo nên thương hiệu nhà trường sẽ giảm.


 
Với mức thu học phí bình quân khoảng 1,5 triệu đồng/sinh viên/năm, thì chi phí đào tạo bình quân cho một sinh viên công lập hệ chính quy khoảng 7 triệu đồng/năm.

Đối với chỉ tiêu đào tạo không chính quy thì Nhà nước không bố trí ngân sách mà các trường phải tự cân đối từ nguồn thu học phí hệ không chính quy được để lại cho nhà trường. Mức thu học phí không chính quy vừa qua bị khống chế theo các quy định hiện hành của Nhà nước là không vượt quá 350.000 đồng /sinh viên/tháng hay 3,5 triệu đồng/sinh viên/năm, chỉ bằng khoảng ½ mức chi thường xuyên cho một sinh viên chính quy.

(Báo cáo giám sát của Quốc hội về giáo dục đại học tháng 4/2010)

  •   Kiều Oanh - Hương Giang