Một thông báo mới đây của Trường Giáo dục Harvard cho biết họ đang lên kế hoạch thay đổi tiến trình tuyển sinh nhằm tìm kiếm những ứng viên tử tế hơn và ít yếu tố “siêu sao” hơn.
Sinh viên Harvard. Ảnh minh họa |
Từ lâu các bậc phụ huynh, giảng viên và lãnh đạo nhà trường đã phải vật lộn với những tác động tiêu cực không mong muốn của quá trình tuyển sinh, như tập trung quá nhiều vào thành tích học tập, nhiều lợi thế dành cho những ứng viên con nhà giàu.
Bản báo cáo của Trường Giáo dục Harvard đưa ra 3 vấn đề cần phải giải quyết: áp lực thành tích học tập cao, chú trọng vào thành tích cá nhân thay vì trở thành một công dân tốt, cơ hội bình đẳng cho tất cả sinh viên có xuất thân và hoàn cảnh khác nhau.
Tác giả bản báo cáo – Richard Weissbourd cho rằng Harvard đã nỗ lực giải quyết những vấn đề này trong nhiều năm nay, tuy nhiên cần phải hợp sức để có tác động lớn. Hơn 80 đại diện liên quan, trong đó có cán bộ tuyển sinh, các hiệu trưởng, giáo sư và cố vấn trường trung học đã xác nhận bản báo cáo này.
“Lần đầu tiên trong lịch sử, tôi nhận ra rằng có một nhóm các trường đang cùng nhau chỉ ra yếu tố nào được đánh giá cao và yếu tố nào không được đánh giá cao trong quá trình tuyển sinh – ông Weissbourd cho hay.
“Vâng, chúng tôi muốn sinh viên của mình làm tốt cả trong lớp học và ngoài lớp học. Chúng tôi đang tìm kiếm những thứ khó định lượng hơn, như sự quan tâm tới người khác, những đóng góp vì lợi ích chung – ông Jeremiah Quinlan, giám đốc phụ trách tuyển sinh bậc đại học ở ĐH Yale cho hay.
Để đáp ứng những yêu cầu này, Yale sẽ có thêm một yêu cầu tiểu luận với các ứng viên năm tới, đề nghị các ứng viên “phản ánh cam kết và đóng góp của bản thân với gia đình, cộng đồng”, ông Quinlan cho biết.
Yale cũng sẽ “ủng hộ cho sự linh hoạt hơn trong các hoạt động ngoại khóa” để các trường có thể kiểm soát dễ dàng hơn việc yêu cầu sinh viên liệt kê và phản ánh việc tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Không chỉ Harvard và Yale, ĐH Virginia cũng đồng ý với báo cáo này. “Chúng tôi ủng hộ bởi vì chúng tôi đồng ý với nhiều điểm quan trọng trong bản báo cáo, như việc thúc đẩy, khuyến khích và phát triển một công dân tốt, một tính cách mạnh mẽ, một con người biết đóng góp cho cộng đồng khi còn là học sinh phổ thông” – ông Gregory Robert, giám đốc tuyển sinh của trường phát biểu.
Dưới đây là những thay đổi quan trọng nhất trong bản báo cáo:
1. Giảm căng thẳng bằng cách hạn chế số lượng khóa học và các hoạt động ngoại khóa. Bộ phận tuyển sinh có thể giảm tải áp lực bằng cách đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng “những bảng thành tích dài dòng không làm tăng cơ hội trúng tuyển của ứng viên”.
2. Đánh giá những đóng góp của ứng viên với gia đình và cộng đồng theo nhiều cách khác nhau. Cách đánh giá hiện tại thường bất lợi cho những ứng viên nghèo bởi vì họ phải dành thời gian đi làm thêm giúp đỡ gia đình hoặc chăm sóc người thân, thay vì dành thời gian cho các hoạt động ngoại khóa hay hoạt động cộng đồng.
3. Nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tính xác thực. Hội đồng tuyển sinh cần phải xác thực của các thành tích và độ trung thực của ứng viên. Những ứng viên giả tạo (do luyện tập) có thể gây nguy hại cho quá trình tuyển sinh. Sự tự tin và tính chính trực có thể được phản ánh tốt nhất trong giọng nói của ứng viên.
4. Giảm nhẹ áp lực thi cử. Các trường có thể không bắt buộc phải yêu cầu những bài thi chuẩn hóa như SAT hay ACT.
5. Tham gia vào các hoạt động cộng đồng có ý nghĩa. Bản báo cáo chỉ ra quan điểm sai lầm phổ biến cho rằng tình nguyện vì những mục đích cao cả hay đi du lịch tới một quốc gia xa xôi sẽ ấn tượng hơn.
- Nguyễn Thảo (Theo Washington Post)