- Từ cậu học trò cá biệt, Tùng đã thay đổi bản thân để sống tốt với mình và mọi người.

Sinh năm 1994, Phạm Trọng Tùng hay Phạm Tùng, Tùng “choắt” là cái tên không xa lạ ở Trường ĐH Mỏ-Địa chất (Hà Nội). Không chỉ năng nổ trong các hoạt động phong trào, tình nguyện, Tùng còn tham gia cộng tác viên ảnh cho khá nhiều tờ báo, tạp chí, chụp hình cho các nghệ sĩ và được nhiều thương hiệu gửi gắm làm truyền thông.

Từ học trò cá biệt

Tùng sinh ra trong gia đình cơ bản, nề nếp, có hai anh em ở thành phố Nam Định. Cú “sốc” đến với Tùng khi cậu không thi đỗ trường THPT công lập, phải học hệ dân lập. Từ đây, câu sinh ra chán nản, không chịu đi học lớp học thêm.

{keywords}
Phạm Trọng Tùng là cái tên khá hot tại Trường ĐH Mỏ -Địa chất.

“Trong mắt mọi người, tôi khi đó là một “cậu ấm” phá bĩnh vì thường xuyên bỏ học, trốn nhà đi chơi” – Tùng nhớ lại.

Vào lớp thường không học bài, chỉ ngủ hoặc nói chuyện nên một năm không biết bao nhiêu lần thầy cô phải mời bố mẹ lên để nhắc nhở.

“Thậm chí, đến bây giờ, nhiều năm rồi mà bố quay lại lấy bằng tốt nghiệp thầy quản sinh vẫn còn nhớ rõ mặt" – Tùng chia sẻ.

Rồi một lần đi chơi về muộn Tùng nghe được chuyện mẹ nói với bố về lí do phải chăm chỉ làm việc hơn vì sợ “sau này nếu không dành dụm được tiền, sẽ không có ai lo cho con, lo cho bản thân mình được... Chứ có mỗi thằng con trai mà nó cứ lêu lổng, chẳng chịu học hành thế thì làm sao có tương lai được?".

Những câu nói như chạm vào lòng tự ái của “một thằng con trai” khiến Tùng như bừng tỉnh. Cộng với những buổi tối đi dạo bộ cùng bố - được ông kể cho nghe về thời thanh niên nghịch ngợm và quyết tâm vươn lên của bản thân. Tùng quyết định phải thay đổi.

{keywords}
Tùng tâm sự thời học phổ thông cậu từng khiến bố mẹ phiền lòng vì chán học, ham chơi.

Học kỳ II năm lớp 12, bố quyết định thuê gia sư về kèm cho con trai. Tùng lao đầu vào học, cày kiến thức.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Tùng đạt loại trung bình khá. Những nỗ lực cố gắng giúp cậu đỗ vào Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội)

Đến lớp trưởng và thủ lĩnh phong trào đoàn, hội

Bước vào đời sống giảng đường, Tùng không cho phép mình nghỉ xả hơi mà suy nghĩ phải thay đổi để sống tốt hơn. Tùng đặt đồng hồ hẹn giờ mỗi sáng, gọi bạn cùng phòng đi học sớm...

Tùng cũng tự ứng cử vào vị trí lớp trưởng, sau đó tham gia vào các phong trào, hoạt động của trường, lớp.

“Lúc đầu cũng run lắm bởi từ lêu lổng mình phải biết sống vì hơn 150 thành viên còn lại của lớp. Mình bắt đầu đề ra những kế hoạch cho bản thân, như việc tham gia vào các chương trình, phong trào của Liên chi Đoàn khoa, Đoàn thanh niên trường” – Tùng cho biết.

{keywords}
Bước vào thời sinh viên, Tùng gần như thay đổi hoàn toàn, sống có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh.

Anh Phạm Quang Ba, Phó GĐ Trung tâm hướng nghiệp và Tư vấn việc làm (Trường ĐH Mỏ -Địa chất) niềm nở: “Tùng gần như có mặt trong mọi hoạt động của trường, lớp. Cậu tích cực tham gia các đợt tình nguyện như tiếp sức mùa thi của trường, của thành đoàn, đi tình nguyện giúp đỡ người nghèo, vô gia cư ở Hà Nội và các tỉnh thành,…”

Nhờ "tự làm mới mình" - Tùng nhận được nhiều giấy khen cấp trường, thành phố và học bổng cho sinh viên có thành tích học tập tốt.

Từ “học mót” đến sắm xế hộp

Từ năm đầu sinh viên, Tùng đã nhận làm in biển tên cho học viên Học viện Cảnh sát với thu nhập từ 1,5- 2 triệu mỗi tháng.

Yêu thích chụp ảnh và có một chiếc máy “cùi” Canon 1000D và ống kit 18-55 từ thời THPT để chụp chơi, trở thành sinh viên Tùng tự xây dựng kế hoạch để phát triển niềm đam mê đó của mình.

Biết Bờ Hồ thường xuyên có thợ chụp ảnh cưới, Tùng gần như ngày nào cũng bắt xe bus từ trường lên để... “học mót”.

{keywords}
Nhờ đam mê và nỗ lực, Tùng đã tự sắm cho mình được bộ thân máy và ống kính đời mới của dòng máy ảnh chuyên nghiệp Canon.

“Sau có một anh cứ thấy mình đi theo nên “thương” cho theo học. Anh chỉ bảo rất nhiệt tình. Rồi sau đó mình biết đến những khu chụp ảnh là bãi giữa sông Hồng, vườn hoa Bách Nhật. Hồi đó họ còn chưa tính phí vào nên cứ mon men, gặp ai cũng hỏi. May mà họ cũng cởi mở, nhiệt tình với một thằng “chân đất mắt toét” nhưng mê chụp ảnh như mình”  - Tùng kể.

Chất ảnh bắt đầu lên. Nhưng để có máy tốt Tùng nghĩ ra kế thường xuyên về nhà lấy đồ ăn, tiết kiệm tiền bố mẹ cho và làm hẳn giao ước vay thêm 100 triệu đồng tiền của bố mẹ để mua máy ảnh xịn vào năm thứ 2.

Trước đó, giữa năm sinh viên thứ nhất, Tùng lập facebook, tập tẹ rao chụp ảnh và nhận những lần chụp với giá chỉ 150.000 đồng đến 200.000 đồng cho các bạn học sinh sinh viên.

Nhưng mọi thứ không thuận lợi nhưng Tùng nghĩ. Ngay lần chụp đầu Tùng đã bị khách chê vì chụp không ưng ý. Không nản lòng, Tùng tiếp tục xin tham gia chụp các sự kiện và nhân vật để đăng trên trang web của Trường ĐH Mỏ - Địa chất.

{keywords}
Tùng ngoài đời khá chững chạc nhưng cũng rất khiêm tốn.

Cứ tự mò mẫm như vậy rồi Tùng thân quen được với các phóng viên, người chuyên chụp ảnh và bắt đầu chụp thời trang, sự kiện, ảnh cưới... với thu nhập khá.

Giờ đây Tùng đã có trong tay bộ máy ảnh và ống kính trị giá gần 300 triệu đồng như Canon 5D Mark III, 3 body 6D và những ống kính hiện đại nhất của dòng máy canon.

Hiện Tùng có một studio chụp ảnh và 2 thợ chụp ảnh, chụp thường xuyên cho vài quán bar, ảnh cưới,.. với thu nhập từ nguồn này khoảng 30 triệu đồng.

6 tháng trở lại đây Tùng nhận làm tổng quản lí rồi quản lí marketing cho một quán beer club, bar ở khu vực Hà Nội

Tùng chia sẻ: “Thời gian đầu mình chịu khó đi đến các quán bar khác, gặp quản lí để xin họ dạy mình từ những cái nhỏ nhất như chuyển gạt tàn cho khách thế nào, ra đồ khách gọi ra sao đến việc phối hợp âm thanh ánh sáng, bếp với nhân viên bàn,…Sau đó là công việc của truyền thông, lo đặt show, hẹn khách mời,..”

Cộng với các khoản thu nhập khác từ việc chụp hình, làm truyền thông cho các thương hiệu mà mỗi tháng Tùng có thu nhập khoảng 40-50 triệu, tháng cao điểm có thể lên đến 70 triệu đồng.

{keywords}
Đi bằng chính đôi chân, sức lực của bản thân, Tùng đã tự sắm cho mình được ô tô để đi làm, đi học.

Cách đây ba tháng, Tùng đã sắm cho mình một chiếc ô tô Toyota Vios để tiện đi làm, đi học.

Công việc bận bịu đến mức cả năm Tùng gần như không về nhà, Tết thì tới đêm giao thừa mới có mặt.

Tùng chỉ cười: “Điều quan trọng nhất là công việc cho mình sự tự tin, có thêm kinh nghiệm trải nghiệm về cuộc sống. Thời THPT mình thường rất nhút nhát, ít khi dám thể hiện quan điểm bản thân nhưng nhờ có công việc mình đã tiến bố hơn, sống có ích với bản thân và gia đình”.

Công việc cũng là đam mê nên bao mệt mỏi với Tùng chỉ là “chuyện nhỏ”.

Tùng nói sau này vẫn sẽ có kế hoạch học cao hơn ở ngành nghề đã học. Cậu cũng đang phấn đấu để trở thành Đảng viên.

  • Văn Chung