Tại liveshow Dấu ấn 2013 vinh danh nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, khán giả nghe tiếng kèn saxophong nhưng chỉ thấy bóng dáng của một nữ nghệ sĩ chiếu trên phông sân khấu. Nghệ sĩ tên tuổi nào đây? Khoảng mấy chục giây sau, khán giả ồ lên kinh ngạc khi An Trần bước ra, đó là một nghệ sĩ nhí – con gái của Trần Mạnh Tuấn.

Vô tư như bèo, bay bổng như mây

Tiếng kèn saxophone của An Trần với bài “Bèo dạt mây trôi” đã khiến khán phòng lặng ngắt sau tràng pháo tay cổ vũ. Không thể ngờ được, một bé gái 9 tuổi có thể tự tin biểu diễn trước đông đảo khán giả trong một chương trình nghệ thuật lớn như vậy. Chỉ là con nhà nòi.

Đúng là nhà nòi, tiếng kèn saxophone chạy trong máu của bé An Trần đến nỗi nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng bất ngờ về con gái mình. Anh đi lưu diễn từ Châu Âu về, nghe con gái chơi saxophone, hỏi ra mới biết An Trần được anh trai dạy. 

{keywords}

Mới chỉ học 2 tháng, An Trần có thể chơi được ở trình độ biểu diễn. Thế là An Trần bước lên sân khấu cùng với bố như một nghệ sĩ thực thụ. 

Trần Mạnh Tuấn đùa với con gái, “lần đó cũng thả vài con ngỗng đó nhé” (ý nói có vài chỗ bị lỗi), An Trần nhìn bố cười hồn nhiên, coi như chuyện đó không có gì quan trọng. Ừ nhỉ, con nít lần đầu tiên lên sân khấu biểu diễn, sai sót là chuyện đương nhiên, phải không nào.

Hỏi chuyện An Trần về cảm xúc lần đầu tiên biểu diễn, con có lo lắng không, có căng thẳng không? An Trần lắc đầu rồi cười trong veo: “Con không có cảm giác lo lắng gì cả. Con cứ chơi tự nhiên như luyện tập bình thường ở nhà”. Đúng là chỉ có “vô tư như bèo” mới trôi qua được một tiết mục biểu diễn đầy ấn tượng đó. 

Và từ liveshow Dấu ấn, một nghệ sĩ saxophone nhí xuất hiện trong làng âm nhạc Việt Nam. Phong cách của An Trần để lại là lối chơi tưng tửng, lắc lư cây kèn rất điệu nghệ và “phiêu” cũng rất dễ thương. Nếu như bé mà cũng cong gập người, cũng rút đầu rút cổ, cũng quằn quại đau đớn thì chẳng còn là cảm xúc thật của một đứa bé. 

An Trần trình diễn bay bổng, có phong cách riêng nhưng tự nhiên như mấy trôi nước chảy, không cố gắng bày vẽ.

Ngay năm sau, An Trần có một cơ duyên và cũng là một vinh dự, đó là biểu diễn trong chương trình hòa nhạc của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn kết hợp cùng giàn giao hưởng quốc gia Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji tại Nhà hát Lớ Hà Nội. 

Trong một chương trình của dàn nhạc giao hưởng, có một thành viên “nhí” chưa có tên tuổi tham gia là điều không dễ. Nhạc trưởng Honna Tetsuji phải trực tiếp “test” ngón nghề của An Trần trước khi cho tham gia. 

May quá, “pass”, thế là An Trần được cùng bố xuất hiện, đây là một cơ hội để An Trần trưởng thành hơn về nhận thức nghệ thuật, thẩm mỹ âm nhạc, bên cạnh sự dẫn dắt của bố.

Những người tham dự đêm nhạc kỷ niệm 13 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn diễn ra tối 5-4-2014 đề ngẩn ngơ với cây saxophone nhí An Trần. Đêm đó An Trần chơi rất xuất sắc, nhận được sự cổ vũ lồng nhiệt của khán giả. Chơi nhạc Trịnh Công Sơn dễ, nhưng chơi hay thì rất khó. 

An Trần đã làm được và truyền cảm xúc của mình đến với người nghe qua tiếng kèn saxophone với các nhạc phẩm “Hạ trắng”, “Diễm xưa”, “Vết lăn trầm”. Cũng phong cách biểu diễn đung đưa tưng tửng duyên dáng, cùng lối “phiêu” rất chi trẻ con, chỉ có tiếng kèn là “già dặn” hơn. 

Tiếng kèn của An Trần vút lên say mê và quyến rũ, nó như một hấp lực cuốn theo những tiếng hát thầm từ khán giả: “Đá lăn vết lăn trầm. Từ cơn đau ấy lưu thân mỏi mòn. Ôm mắt thầm van xin lời thánh đêm. Bài ca dao trên cồn đá. Trên ngai vàng quê nhà. Một thời ngủ yên tuổi xanh”.

Xây ước mơ cùng bố

Là con một nghệ sĩ nổi tiếng, học piano từ lúc 5 tuổi, biểu diễn saxophone lúc 9 tuổi và có những thàn công bước đầu về nghệ thuật, nhưng An Trần vẫn giữ được sự hồn nhiên, vô tư của một đứa trẻ, không làm cao, không có “cái mặt kênh kiệu”. 

An Trần nói: “Con biết chơi kèn thì bạn khác giỏi các môn khác, thể thao, hội họa, văn học, toán học”. Học lớp 6 ở Trường Quốc tế Wellspring Sài Gòn, có môi trường giao lưu quốc tế, An Trần lại có năng khiếu ngoại ngữ nên giỏi tiếng Anh, đó là những sự chuẩn bị căn bản mà nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn chuẩn bị cho con gái. 

{keywords}

Mục tiêu là sau 3 năm nữa, An Trần sẽ du học ở Mỹ, và sau khi tốt nghiệp trung học, sẽ vào trường Đại học âm nhạc Berklee, Boston, nơi trước đây nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nhận học bổng và là sinh viên Việt Nam đầu tiên học ở trường này.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn dạy con rất kỹ, hết sức khiêm nhường và phải biết rằng những điều đạt được chưa là gì cả, không chừng chỉ là hư danh. Nếu có những tành công ban đầu và cho đó là đỉnh cao thì sẽ không làm được việc gì lớn hơn. 

An Trần đã biểu diễn nhiều chương trình trong và ngoài nước, ngoài chương trình Dấu ấn, hai năm liền tham gia đến nhạc kỷ niệm Trịnh Công Sơn, chương trình Saigon Big Band và các đêm nhạc khác An Trần cũng được tham gia Liên hoan nhạc Jazz tại Chiang Mai – Thái Lan tháng 7.2015, nhưng bố Tuấn dạy rằng, “đó là sự may mắn và con có được. 

Nếu con không phải là con của bố thì con sẽ không có những cơ hội đó. Có thể, có nhiều bạn khác có khả năng hơn con, nhưng các bạn ấy đã không có điều kiện để thể hiện”.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nhắn nhủ rằng, “những gì con có được trong mấy năm vừa qua không phải là thành công, càng không phải là mục đích. Mục đích của con ở phía trước và còn xa lắm”.

“Ước mơ của con là gì?”, “Dạ con sẽ theo con đường nghệ thuật của bố. Và con rất thích thời trang nữa” – An Trần nói. 

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn tỏ ra rất hạnh phúc khi con gái cưng muốn theo nghiệp bố, sẽ trở thành nghệ sĩ saxophone. Nhưng với anh, con gái An Trần không chỉ là một nghệ sĩ saxophone, mà cùng thực hiện những công việc của anh đang theo đuổi. 

Theo nghiệp bố không phải là để nổi tiếng, mà học hành tử tế, nghiên cứu sâu về âm nhạc hiện đại, chuyên nghiệp, để có thể đóng góp vào nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam. Đó là mơ ước của cá nhân An Trần và cũng là trách nhiệm của một công dân thuộc thế hệ trẻ.

Trần Mạnh Tuấn kể chuyện con gái nghe về những tháng ngày du học rất khó khăn của anh, và anh đã nỗ lực để vượt qua như thế nào. Anh muốn nhắn nhủ rằng, con gái anh có điều kiện học tập tốt hơn, cho nên phải tận dụng các cơ hội và cố gắng rất nhiều trong những bước đường sắp tới.

An Trần có tài năng thực sự bởi vì nghệ thuật không phải là cái chức mà khi ông bố có quyền là cho con được. 

Và dĩ nhiên, An Trần phát huy được khả năng và có triển vọng bay xa là nhờ bệ đỡ từ một gia đình trí thức nghệ sĩ. An Trần sẽ thực hiện được ước mơ của mình.

Là một nghệ sĩ nổi tiếng, học piano từ lúc 5 tuổi, biểu diễn saxophone 9 tuổi và có những thành công bước đầu, nhưng An Trần vẫn giữ được sự hồn nhiên, vô tư của một đứa trẻ.

(Theo Lê Thanh Phong/ báo Xuân Lao động)