- Hiếm có gia đình nào ở Việt Nam có đến 8 người con đều là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ như gia đình cố giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân.

>> Xem phần 2: Tổ ấm hạnh phúc của ái nữ dòng họ Nguyễn Lân

Dù công tác ở lĩnh vực nào: giáo dục, y học, khảo cổ học, âm nhạc, sinh học,…họ đều là những người có thành tựu nhất định, đóng góp nhiều cho sự phát triển xã hội.

Cùng lắng nghe những trải lòng của Nguyễn Ngọc Lưu Ly, nữ phó giáo sư trẻ nhất năm 2013 - con gái của PGS.TS Nguyễn Lân Trung về cuộc sống của chị trong gia đình mình.

BẤM ĐỂ XEM CLIP

Nhà báo Hà Sơn: Lưu Ly thân mến! Thực sự tôi rất ấn tượng với cái tên rất dài và đẹp của bạn. Tôi muốn biết bố bạn hoặc là ai đã đặt cho bạn một cái tên rất đặc biệt và ấn tượng như vậy?

PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly: Ấn tượng hả chị? (Cười).

Em sinh 19/5. Ông có nói sinh nhật đúng ngày của Bác Hồ, phải đặt tên là Kim Liên vì Kim Liên tên quê Bác - đẹp thế còn gì nữa. Còn mẹ lại muốn đặt tên là Hương Ly. Thấy mẹ không đồng ý, ông cũng nhượng bộ và nói tên là Ly cũng đẹp nhưng Hương Ly có nghĩa là "con cáo thơm".

Ông viết nhiều từ điển Hán Việt, chữ Nôm nên cũng rất thông thạo. Rồi ông bảo nếu tên là Ly thì phải là Lưu Ly thì mới có ý nghĩa. Tuy nhiên, phải có thêm chữ Ngọc vào trấn trước chữ Lưu Ly vì Lưu Ly thì rất buồn. Thêm chữ Ngọc vào sẽ cân bằng, cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn.

Đó là giai thoại vì sao em có cái tên dài như thế.

Nhà báo Hà Sơn: Có phải cô cháu rất được ưu ái, từ chuyện đặt tên. Và về sau này, ông của bạn cũng có nhiều định hướng cho bạn nói chung, cho nhiều người trong dòng họ nói riêng. Bạn có câu chuyện gì đặc biệt về người ông nội của mình?

PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly: Gia đình em rất đông con, với 7 người con trai và 1 người con gái. Đến đời cháu thì "nở" ra đến hơn 60 người - chỉ tính con cháu ông bà nội Nguyễn Lân sinh ra.

Nhà em đại đa số theo nghề y, nghề giáo. Dù dạy tiếng Pháp, vi sinh, y thì các bác đều tham gia giảng dạy tại các trường, có bác trường Bách khoa, trường Y, trường Sư phạm,…

Ông không định hướng, nhưng cái cách mà ông làm việc thì những người con đều đồng cảm.

Và cũng rất nhiều bác trong số đó, thậm chí cả bác dâu và bây giờ em đến hàng cháu cũng theo nghề giáo, rất đông.

Thực ra, trong một ngôi nhà có 60 người chỉ có ông là tiếng Pháp, sau đó đến ba em PGS.TS Nguyễn Lân Trung, một người anh họ nữa và Ly đi theo tiếng Pháp thôi. Còn lại, mọi người không học ở trường Sư phạm Ngoại ngữ khoa tiếng Pháp như thế này. Và mỗi người mỗi ngành.

Nhà báo Hà Sơn: Bố tôi cũng là giáo viên, 2 chị gái tôi cũng là giáo viên. Tôi có gì đó đồng cảm với bạn trong cái nôi được giáo dục khi có bố và các chị làm giáo dục tôi nhận thấy những người làm giáo dục họ rất nghiêm khắc, ở chỗ luôn coi việc học là tiên phong chúng ta phải hướng tới, làm sao cho tốt nhất,..

PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly: Ông không ép các con nhưng hay lấy mình ra làm gương.

Ông ngồi vào bàn, đến một lúc nào ông cứ như vậy thì con ông cũng ngồi vào bàn. Và ba mẹ cũng đưa mình ra làm tấm gương và con cái dần theo guồng quay đó.

Trong gia đình, em thấy bố mẹ thường tôn trọng con, có thể phân tích điều hay lẽ phải để con hiểu vấn đề nhưng không áp đặt, lại nhường quyền quyết định cho con cái.

Lúc đầu, em chọn Trường ĐH Ngoại thương, sau đó em chọn Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) là do em quyết định.

Nhưng có thể có những câu chuyện nho nhỏ bên lề là có những cái hay cái đẹp ba mẹ có trải nghiệm trong nghề để chia sẻ với mình.

Em cũng rất tâm đắc với cách dạy con của ba mẹ mình như thế. Bây giờ, em cũng cố gắng nhường phần quyết định lại cho con.

Nhà báo Hà Sơn: Chú Nguyễn Lân Cường là người tôi hay tiếp xúc. Và tôi có cảm nhận là nghe cách chú nói, cũng như cách ba bạn trả lời trên truyền hình hay chú Nguyễn Lân Dũng đều thấy rất là thông minh, hóm hỉnh. Không biết nếu gia đình bạn có việc đại sự, cần sự hội tụ rất nhiều con cháu thì người ta có thể mường tượng dòng họ Nguyễn Lân sẽ như thế nào?

PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly: Cười rất nhiều, nói rất nhiều và cả hát!

Năm nào, gia đình cũng dành cho nhà ông Lân một buổi trưa mùng 2 Tết, các con cháu về.

Lúc trước ông cùng các con cũng có một phút đứng trước bàn thờ của bà nội nói những việc tốt những việc làm cho mọi người phấn khởi nhất trong năm nay và mời  bà cùng về ăn Tết với con cháu.

Sau khi ông mất, bác Dũng thay mặt các anh chị em trong nhà. Tất cả nhà cùng đứng trước bàn thờ của ông bà và kể những câu chuyện để ông bà cùng nghe trước khi mọi người cùng nhau bước vào bữa cơm đầu năm mới.

Sau đó, trong bữa ăn đầu năm, mỗi người - mỗi ngành mang theo những câu chuyện hài hước, hóm hỉnh nhất của ngành nghề của mình mang ra kể.

Bình thường, mình cũng là người hay nói, nói nhiều. Nhưng trước mặt các bác, mình chỉ là thính giả, không thể chen câu nào vào, chỉ ngồi nghe và cười, cảm nhận những công việc, trải nghiệm của các bác suốt một năm.

Em thấy có rất nhiều điểm chung giữa anh em nhà Nguyễn Lân.

Đầu tiên là hóm hỉnh.

Điểm thứ hai em thấy rất đáng học hỏi đến bây giờ đó là rất lạc quan. Dù cuộc sống có nhọc nhằn đến mấy, dù sự việc xảy ra xung quanh có khó khăn đến mấy thì bao giờ các bác cũng nhìn ra được những điểm tích cực, ưu điểm để cùng vượt qua và cùng cười.

Điểm nữa là nhà em chủ yếu là nghề y và nghề giáo. Các bác rất thích giúp đỡ người khác. Và vì chọn hai nghề đó là chủ yếu nên có rất nhiều cơ hội để giúp đỡ mọi người, từ bệnh nhân, sinh viên, học sinh.

Đặc điểm rõ nét nhất nữa là yêu văn nghệ.

Con của ông không phải ai cũng có điều kiện học nhạc, học đàn tới nơi tới chốn trong những năm khó khăn về trước. Chỉ có bác Tuất, nghệ sĩ Công Huân mà về sau bác chuyển sang sống với vợ ở bên Nga với dòng nhạc chính quy có nhiều tác phẩm để lại cho thế hệ sau này thì tất cả các bác sau đều là tay ngang.

Nhưng ba Trung, rồi bác Lân Việt, bác Hùng, bác Lân Cường, bác Lân Dũng đều rất thích hát. Và trong đó có bác còn thích sáng tác.

Em thấy cả nhà làm khoa học như vậy thì rất khô khan. Tuy nhiên, phần văn thể mỹ mà đều yêu âm nhạc như thế làm cho mọi thứ mềm mại đi, dễ chịu và đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao. Đấy là một điểm em thấy rất hài lòng

Hơn 30 tuổi, Nguyễn Ngọc Lưu Ly đã là Phó giáo sư, Phó chủ nhiệm khoa tại ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Cô đồng thời là mẹ của hai đứa con kháu khỉnh. Cuộc sống với Lưu Ly dường chỉ một màu hồng. Bởi nhiều năm qua đồng hành những vui buồn cùng Lưu Ly là người chồng bằng tuổi, lãng mạn...Bí quyết nào giúp Lưu Ly có được sự thành công trong công việc, hạnh phúc trong hôn nhân.

Mời quý vị đón xem phần 2: Tổ ấm hạnh phúc của ái nữ dòng họ Nguyễn Lân

  • Thực hiện: VietNamNet