Chụp ảnh nhà tôi lên có lẽ sinh viên y bỏ chạy hết” – bác sĩ Trần Hoàng Tùng nói vui khi mở đầu câu chuyện.

Bác sỹ Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình 2, Bệnh viện Việt Đức, là bác sĩ thuộc thế hệ “7X đời cuối”.

{keywords}

Tại sao một học sinh chuyên Hóa trường Ams lại chọn ngành y? Có phải vì câu ca “Nhất y nhì dược…”?

- Cả gia đình tôi cho tới giờ có 8 người theo ngành y, cả bố mẹ, vợ chồng, em trai…

Khi học lớp 12, tôi có nhiều lựa chọn nhưng rồi tôi chọn y chỉ vì thích.

Năm 1996 là thời điểm luật, kinh tế, ngoại thương lên ngôi. Ngành y mất vị trí đúng nhất rồi, vừa khó xin việc vừa vất vả. Khi tôi chọn thi vào y tất cả  đều gàn, chỉ có bố mẹ bảo “Con thích cứ thi”. 6, 7 người bạn cùng tuổi, sống cùng khu tập thể của Trường ĐH Y Hà Nội ngày ấy đều không ai thi vào y.

Thậm chí, chỉ còn 2, 3 ngày nữa là thi rồi mà bác ruột bảo “Trông gương bố mẹ mày đi, thi làm gì”. Bố tôi trách “Cháu sắp đi thi rồi bác còn nói thế”.

Học phổ thông, tôi là con cái ngành y nhưng so với bạn bè là kém nhất về mọi điều kiện. Chỉ có điều tôi vẫn thấy thích vì bố mẹ gắn bó, cặm cụi với nghề, không kêu ca phàn nàn gì.

Bố tôi bảo ngành y không giàu nhanh được, nhưng tự mình nuôi sống mình, không bao giờ bị đói, và được trọng vọng dù ở thời điểm nào.

Nghề nào cũng có ưu có nhược, có vất vả, nhưng nếu gắn bó với nghề, yêu nghề thì sẽ sống được bằng nghề, nghề sẽ không phụ.

“Lòng thương người” quan trọng như thế nào đối với một người muốn học ngành y, muốn làm nghề y?

- Tôi không biết các bác sĩ khác như thế nào, còn bản thân tôi từ nhỏ đã là một bệnh nhân. Mẹ sinh non, nên bố mẹ phải lôi tôi đi khắp các nơi chữa bệnh. Ông nội còn bảo bố mẹ mà không làm y thì tôi “đi” lâu rồi.

GS Tôn Thất Tùng: "Danh tiếng giả sẽ sớm tiêu tan"

Bà Tôn Nữ Ngọc Trân nhớ nhất  hình ảnh về người cha thân yêu của mình là lúc ông ngồi bên bàn đọc tài liệu dưới ánh đèn vàng ấm áp mỗi đêm.

Điều thứ hai, là khi bắt đầu vào học ở trường y tôi gặp chuyện tai biến, nên cũng là bệnh nhân của bệnh viện Việt Đức. Nên tôi thấy rằng ở những lúc hoạn nạn nhất mà mình được mọi người chia sẻ, động viên, giúp đỡ thì cả đời không quên. Cho nên cái quan trọng nhất của một bác sĩ là phải hiểu được bệnh nhân.

Từng là bệnh nhân rồi mới thấm được cảnh nó khổ như thế nào, và từ đó tạo mọi điều kiện cho bệnh nhân. Thầy Tôn Thất Bách từng nói “Nếu anh có khổ mới biết là sướng. Nếu sướng mãi rồi thì đến khi gặp sướng không nghĩ đấy là sướng nữa”.

Tôi đã từng là bệnh nhân, nói tới tình thương thì hơi mang tính chất trên – dưới quá, nên cái chính, theo tôi là đồng cảm với bệnh nhân.

Có khi nào anh từ chối bệnh nhân, vì một lý do nào đó?

- Có những trường hợp như trẻ con bị ô tô tải chèn qua, mọi người đều đề nghị giải pháp cắt cụt chân, nhưng tôi bảo là trẻ con nên phải cố gắng giữ. Có trường hợp hy hữu, bệnh nhân người lớn tai nạn mổ 3, 4 lần mất hết xương rồi, ai cũng bảo cắt cụt cho nhanh. Nhưng tâm lý của người Việt Nam không bao giờ muốn cắt, thì mình mổ ghép xương, và họ đã hồi phục. Những trường hợp tất cả đều lắc thì tôi xông vào.

Quan điểm là không bao giờ từ chối bệnh nhân nặng. Còn cơ hội bảo tồn còn cố gắng, không bao giờ muốn cắt cụt. Cũng không e ngại bệnh nhân HIV.

Thầy Toàn của tôi từng trách: “Các cậu nói cắt cụt chân của bệnh nhân cứ nhẹ như không. Phải cố gắng mà bảo tồn”. Hơn nữa, quan niệm về âm đức thì đây là việc làm tổn thọ. Nên tôi chỉ tính việc đó khi phải giữ tính mạng cho bệnh nhân.

Tôi tâm niệm rằng, không phải vì bệnh nặng mà không chữa, không phải vì không có tiền mà không mổ. Còn nước, còn tát, dẫu chỉ còn toàn bùn cũng vẫn cố gắng mà tát.

{keywords}

Càng muốn tốt cho bệnh nhân càng phải học

Anh học y đa khoa 6 năm, học đinh hướng 1 năm, rồi 3 năm bác sĩ nội trú, 6 tháng học chuẩn hóa, 4 năm nghiên cứu sinh, chưa kể rất nhiều các khóa học ngắn hạn khác… Việc học hành lâu dài có làm anh thay đổi cách nhìn nhận về nghề không?

- Quan trọng là nhu cầu công việc. Mình đã vào guồng rồi không học không được.

Lúc đầu tôi thấy việc học cũng lâu. Nhưng dần dần, việc học trở nên như một nhu cầu. Hơn nữa, với sự phát triển của y học thì mình luôn phải cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới chứ không phải chỉ học để lấy bằng cấp.

Ngay cả anh em trong nhà cơ thể còn khác nhau nữa là người trong xã hội. Mỗi cơ thể đáp ứng với cách điều trị khác nhau, nên bác sĩ phải cập nhật kiến thức để có nhiều lựa chọn cho mỗi bệnh nhân. Càng nắm được nhiều kỹ thuật chuyên sâu càng tốt cho bệnh nhân. Nên phải đi học.

Nhất là khi ở đây, các bác sĩ trẻ được lãnh đạo bệnh viện hết sức tạo điều kiện cho đi học. Ở nhiều môi trường khác đi học phải xét duyệt, xin, xếp hàng. Còn ở đây thậm chí các thầy còn tìm kiếm cơ hội cho đi, và cứ xin đi là được.

Học được kỹ thuật nào thì nộp bằng, lên làm vài tháng các thầy giám sát thấy được là cho triển khai ngay, không kìm hãm gì cả.

Anh hay nói đến học theo guồng, làm việc theo guồng? Ngoài “theo guồng” ra, anh có thấy niềm vui khi vào việc?

- Bao giờ cũng có 2 yếu tố. Thứ nhất là yêu nghề. Và khi đã yêu nghề rồi lại còn được làm việc ở môi trường tốt khiến mình có động lực, mọi người đều tham gia làm việc khiến mình không nề hà.

Còn nếu chỉ yêu nghề không, trong khi mọi người xung quanh cứ rề rà, người nọ kìm người kia thì cứ càng ngày càng chán.

Ở Việt Đức, nhìn đâu cũng thấy người làm việc nên chúng tôi bị cuốn vào, dần dần thành thói quen không bỏ được.

Việc bác sĩ trẻ ra trường thường tìm cách để được ở lại những bệnh viện lớn, không nhiều người muốn về bệnh viện tuyến dưới, theo anh một trong những nguyên nhân có phải là nỗi lo “mình yêu nghề nhưng người khác rề rà” chứ không hẳn là về vấn đề thu nhập?

- Tôi chỉ có lời khuyên rằng các bạn trẻ phải yêu nghề và chấp nhận mọi khó khăn. Vì thường thì giai đoạn mới ra trường sẽ rất khó khăn, không có thu nhập.

Khi tôi mới ra trường, mẹ và vợ tôi “nổi danh” là hay phải đi vay tiền. Khi đó, vợ tôi không nói gì đâu, nên sau này khi nghe kể lại tôi mới sững sờ.

Nếu nói tới vấn đề kinh tế, thì làm ngành y không nhanh giàu, và cũng không ai làm giàu trên bệnh nhân.

Nhưng nếu yêu nghề, nghề sẽ giúp cho anh sống được. Tôi mong các bác sĩ trẻ sẽ kiên trì. Cứ tâm huyết với nghề thì sẽ phát triển được.

{keywords}

Biết đâu có lúc phải nhờ bệnh nhân

Lúc nãy anh nói rằng bây giờ cho sinh viên y về nhà các em sẽ không dám theo nghề nữa, vậy là…

- Là tôi nói đùa thôi.

Ngành y không giàu nhanh, nhưng sống được. Ví dụ, ngoài thời gian làm việc trong bệnh viện, thì  bằng học vấn, bằng trình độ, bằng quan hệ, các bác sĩ có thể làm thêm ở ngoài. Nếu chịu khó, ai cũng có thể sống được. Nếu không chịu khó tích lũy chuyên môn, bạn sẽ bị đào thải.

Làm nghề này những gì kiếm được là của mình, không bao giờ rơi vào cảnh hôm nay ăn đặc sản mai ăn khoai lang. Và làm nghề này cũng là tích đức cho con cháu. Tôi thích điều đấy.

Nói tới bác sĩ, mọi người hay nói tới… phong bì và quà cáp. Quan điểm của anh về việc này như thế nào?

- Ở Bệnh viện Việt Đức việc đánh giá rèn luyện về y đức rất nặng. Bác sĩ vi phạm sẽ bị treo dao, hoặc thậm chí cho thôi việc. Y tá vi phạm sẽ bị hạ bậc, hộ lý bị chuyển xuống phòng giặt.

Quan điểm của bệnh viện Việt Đức là trong thời gian bệnh nhân nằm điều trị cấm tuyệt đối mọi chuyện quà cáp. Trách nhiệm của người bác sĩ là phải làm và làm cho tốt trong thời gian bệnh nhân nằm viện.

Chăm sóc bệnh nhân thật tốt là trách nhiệm phải làm. Khi người ta đến đây là bệnh nặng rồi, tình cảm là chuyện sau, còn trước mắt bác sĩ làm hết sức. Tôi có nói với bệnh nhân “Cho tiền bác sĩ cũng không làm bệnh người nhà anh nhẹ hơn, mà không cho tiền bác sĩ cũng không làm bệnh người nhà anh nặng hơn. Trách nhiệm chúng tôi phải làm, tình cảm để lại sau".

Khi ra viện, giữa bác sĩ và bệnh nhân không còn ràng buộc gì nữa, ở góc độ tình cảm, khi bác sĩ chăm sóc chu đáo bệnh nhân sẽ nhớ tới anh.

{keywords}
Bác sĩ Tùng giới thiệu về một trường hợp giữ chân cho bệnh nhân

Có món quà nào của bệnh nhân tặng cho anh mà anh còn nhớ không?

- Tôi thường hay khám lại vào thứ 3 hàng tuần. Nên có cảnh bệnh nhân xách đến phòng khám đủ loại sản vật. Rất vui. Nào gà, nào cá, nào kẹo lạc, nào bánh gai…

Nhiều khi tôi bảo “Thôi khổ lắm, đi khám bệnh mà tay xách nách mang thế này, đừng có mang”. Nhưng có điều mình càng lắc, người ta lại càng mang đến, ai cũng bảo đây là của nhà cháu trồng, nhà em nuôi... Thậm chí có lần bệnh nhân gọi điện bảo “Em gửi mấy chục con ếch em đi soi được, lát nữa anh ra bến xe lấy hộ em”.

Quan điểm của tôi đây là tình cảm của bệnh nhân, tôi rất trân trọng, không chê cũng không từ chối vì của một đồng công một nén. Nhưng cũng không lấy không của ai cái gì, mình có thể mua thuốc bổ tặng lại cho họ.

Khi họ hoạn nạn, mình cố gắng giúp. Khi ra ngoài, người Việt mình còn có sự giao lưu tình cảm. Chả ai nắm tay được cả ngày, nên lúc này mình cứ làm hết sức, biết đâu sau này có lúc nhờ lại người ta.

 Xin cảm ơn anh.

Đào tạo khắc nghiệt mới được cầm dao mổ

Tuổi 1978 của tôi làm phó khoa so với ngày xưa là trẻ, nhưng giờ có bác sĩ còn trẻ hơn. Tuy nhiên, tôi cũng học liền một mạch 15 năm, trải qua nhiều công việc, đã tham gia và góp phần hoàn thành 2 công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 1 công trình nhánh của đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, tham gia các chương trình của Bộ Y tế, tham gia đào tạo chuyển giao cho các BV tỉnh.

Ở Bênh viện Việt Đức, nếu không được đào tạo bài bản, học nghiêm túc thì anh có 50 tuổi cũng không được đánh giá cao. Việc bổ nhiệm cán bộ phải thông qua hội đồng khoa học BV, bỏ phiếu tín nhiệm khoa chặt chẽ.

Các cá nhân được đánh giá dựa trên hiệu quả công việc, chứ không dựa trên tên tuổi được "lăng xê" ra sao, anh là con cháu ai. Đó là môi trường thực sự cho những người làm được việc, người giỏi vào làm.

Khoảng 10 năm nay, từ thời của Phó Giám đốc Nguyễn Tiến Quyết, bệnh viện chỉ tuyển bác sĩ nội trú về các khoa lâm sàng. 

Hồi đó, khóa chúng tôi 500 bác sĩ đa khoa ra trường chỉ có 4 bác sĩ thi đỗ và tiếp tục học để trở thành bác sĩ mổ.

Tiếp sau đó ai theo tiếng Pháp, tiếng Anh sẽ tiếp tục ra nước ngoài để đào tạo rồi mới được cầm dao mổ, thực hiện các ca nhẹ rồi mới nâng dần lên.

Ngân Anh - Văn Chung (thực hiện)