Trước giờ bắt đầu giao lưu 10 phút, Thượng úy Trần Thanh Luân xuất hiện nghiêm chỉnh trong bộ quân phục. Anh cho biết đã hơn 24 giờ không ngủ bởi bay suốt đêm qua, sáng tiếp tục huấn luyện và sau đó bay từ Biên Hòa ra Hà Nội để tham gia buổi giao lưu trực tuyến do báo Vietnamnet tổ chức.

Thượng úy Trần Thanh Luân tốt nghiệp thủ khoa hệ đào tạo phi công quân sự, trường Sĩ quan Không quân Nha Trang. Anh là một trong 6 phi công ra trường được về đơn vị chiến đấu ngay, được bay thẳng Su-30MK2 mà không phải chuyển loại qua vài máy bay như những người khác. Anh được lựa chọn tham gia bay bắn, ném bom thật tại trường bia TB-3 đạt loại Giỏi...

{keywords}

Có  tổng số giờ bay 450 giờ đảm bảo an toàn tuyệt đối, anh làm được điều mà rất ít phi công ở cùng độ tuổi trên thế giới làm được.

Trong suốt buổi giao lưu, Trần Thanh Luân hay nhắc đến hai chữ “đam mê” và “quyết tâm”.

"Khi ngồi trong buồng lái, tôi thấy yêu Tổ quốc mãnh liệt"

Chia sẻ lý do chọn vào quân đội và trở thành phi công chiến đấu, Thanh Luân cho biết anh sinh ra trong một gia đình có bố là bộ đội nên màu áo lính đã in sâu trong tâm trí anh từ nhỏ, và anh đã mong muốn sau này mình cũng sẽ trở thành một người lính như bố.

“Tuy nhiên, khi ngồi trên ghế nhà trường, được học về lịch sử của quân đội, của Quân chủng Phòng không không quân, với những tên tuổi như Anh hùng Phạm Tuân, Nguyễn Văn Cốc... đã khiến tôi có một đam mê cháy bỏng là được trở thành một người phi công quân sự, một phi công chiến đấu giỏi để bảo vệ Tổ quốc”.

{keywords}
Thượng úy Trần Thanh Luân

Để trở thành một phi công quân sự, và đặc biệt là phi công chiến đấu, Thanh Luân đã trải qua quá trình đào tạo và chọn lọc rất khắt khe. Công việc rất căng thẳng và áp lực. Tuy nhiên, với đam mê, với ước mơ, với bản lĩnh, trí tuệ của tuổi trẻ đã giúp anh và đồng đội vượt qua những khó khăn, thử thách để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong quá trình đào tạo phi công có rất nhiều khoa mục và bài tập khó. Tuy nhiên, ấn tượng nhất với Luân là các khoa mục bay nhào lộn phức tạp, đòi hỏi tiền đình của người phi công luôn phải trong trạng thái tập trung cao độ nhất và khả năng chịu đựng bền bỉ.

“Những động tác này rất khó và rất nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy hay mất tập trung trong một khoảng thời gian rất ngắn tính bằng giây thì mình có thể phải trả giá rất đắt. Chính vì vậy đây là khoa mục khó nhất của người phi công chiến đấu” – Luân nhận xét.

“Kỷ niệm vui nhất của tôi trong quá trình tập luyện là chuyến bay đơn đầu tiên trong cuộc đời người lính. Chuyến bay này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của tôi. Khi ngồi một mình trong buồng lái, tôi thấy rất vui sướng và tự hào, lòng yêu Tổ quốc dâng lên rất mãnh liệt.

Cảm giác một mình điều khiển máy bay trên không trung vừa hơi hồi hộp, nhưng lòng cũng đầy quyết tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện để trở thành một người phi công. Bởi đó là mơ ước của bản thân, của gia đình, bạn bè và thầy cô đã gửi gắm và tin tưởng mình. Khi làm được điều đó, sau 4 năm kể từ khi bước chân vào trường, tôi cảm thấy đã bước đầu đền đáp được công ơn nuôi dưỡng, rèn luyện, dạy dỗ, chỉ bảo của thầy cô, của thủ trưởng đơn vị”.

Sẽ không bao giờ hối hận

Trước một băn khoăn của độc giả “Em thích làm phi công giống anh Luân, nhưng em không được cao và đẹp trai như anh. Vậy có ngoại lệ cho một phi công không được điển trai vào nghề không?”, Trần Thanh Luân khẳng định: “Lịch sử ít tôn vinh những người cao to và đẹp trai, mà lịch sử sẽ tôn vinh những chiến công của họ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

{keywords}
Thượng úy Trần Thanh Luân

Động viên một nữ độc giả có bạn trai đang theo học tại trường Sĩ quan Không quân Nha Trang, trước những lo lắng về rủi ro trong công việc của một phi công chiến đấu, Trần Thanh Luân chia sẻ “Nghề nghiệp tuy có vất vả và chứa đựng nguy hiểm, nhưng bạn trai em đã chọn nghề đấy có nghĩa là bạn em đã có đam mê và quyết tâm thì em hãy ủng hộ. Bởi đây là một nghề cao quý, và em nên tự hào về bạn trai của em.

Anh vượt qua được tất cả những khó khăn và vất vả trong quá trình theo học là nhờ có ước mơ, và anh thấy ước mơ của mình rất đẹp, rất ý nghĩ, đáng để anh đánh đổi bằng những nỗ lực, cố gắng trong suốt thời gian qua”.

Trần Thanh Luân cũng cho biết anh luôn cống hiến hết mình trong công việc và cuộc sống nhưng chưa bao giờ nghĩ mình rằng cống hiến để nhận giải thưởng này hay danh hiệu khác. “Quan trọng là việc tôi làm có giúp ích gì được với đơn vị, với quân đội và với Tổ quốc”.

“Công việc đầy vất vả và nguy hiểm nhưng lại mang cho tôi niềm vui. Bởi mỗi lần cất cánh, được bay trên bầu trời Tổ quốc, khi nhìn về mặt đất thân yêu, tôi cảm thấy yêu đất nước mình vô cùng sẵn sàng cống hiến hết mình để bảo vệ được sự bình yên của bầu trời.

Trong mọi tình huống tôi luôn tâm niệm "Bình tĩnh mới làm được thủ lĩnh". Đây là điều mà thầy tôi đã dạy tôi, và cũng là chìa khóa vàng để giải quyết tất cả mọi tình huống”.

Luân được tin tưởng giao trọng trách điều khiển những chiến đấu cơ hiện đại như Su30MK2, một tài sản rất lớn của quốc gia, của quân đội. “Nhiệm vụ của đơn vị tôi hiện tại là bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, và đặc biệt là quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi ý thức được đó là niềm vinh dự và tự hào rất lớn đối với những người phi công, nhưng cũng là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đồi hỏi bản thân phải không ngừng học hỏi, nỗ lực và cố gắng. Phải rèn luyện về bản lĩnh, sức khỏe, trí tuệ, lòng dũng cảm, thường xuyên trau dồi kỹ thuật lái, chiến thuật tác chiến trên không để chắc tay súng, vững tay lái bay lên làm chủ bầu trời, giữ gìn sự bình yên cho bầu trời Tổ quốc”.

“Tôi chưa từng hối hận và sẽ không bao giờ hối hận về sự lựa chọn này” – Trần Thanh Luân khẳng định.

"Tôi thấy hiện tại trên thế giới có rất nhiều nước áp dụng Luật Nghĩa vụ quân sự đối với tất cả nam thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự. Và sau khi kết thúc quá trình huấn luyện trong quân đội, bản thân họ đã trưởng thành hơn, sống có ích hơn cho xã hội. Họ ý thức được lòng yêu nước, sự tự hào để có thể đóng góp công sức của mình xây dựng đất nước.

Các bạn trẻ Việt Nam có thể làm việc ở bất cứ ngành nghề nào, nhưng cần có mục tiêu và lý tưởng cụ thể, sống phải có hoài bão và ước mơ, dám biến ước mơ đó thành hiện thực bằng những hành động và việc làm cụ thể".

Ban Giáo dục