- GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc từng là một người lính tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, là giảng viên đại học nhưng sẵn sàng lên đường khi có lệnh Tổng động viên ngày 5/3/1979. GS Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ về chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.
Ông nhớ lại những ngày tháng đầu năm 1979.
- Khi đó, trên báo Nhân Dân có bài xã luận với tiêu đề: “Nước có giặc, toàn dân là lính!”, đã tạo nên xúc động hết sức mạnh mẽ trong toàn thế hệ thanh niên sinh viên chúng tôi.
Khoa Lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khi đó có nhiều anh em bạn bè từng là lính về học.
Tôi nhớ có anh Nguyễn Chiều, khi đó là sinh viên năm thứ 3. Gia đình anh Chiều đã có mấy người là liệt sĩ, bản thân anh cũng từng là lính chiến trường. Khi có lệnh tổng động viên, anh lấy giấy khổ lớn viết chữ in to như khẩu hiệu: “Cho tôi được trở lại quân đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nguyễn Chiều, Sử 3D”.
Đến bây giờ tôi vẫn còn hình dung lại được khẩu hiệu bằng máu đó. Tôi còn biết nhiều anh em, bạn bè cũng gửi đơn viết bằng máu xin ra ngay chiến trường. Không khí của cả khoa, cả trường, cả nước đều sôi sục.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc |
Thế hệ chúng tôi khi đó là lớp thanh niên vốn đã đi đánh Mỹ, đã nếm đủ những khó khăn gian khổ ở chiến trường. Nhưng khi đất nước nguy nan, tất cả lại ào ào xung trận, ai cũng muốn được trở lại chiến trường đánh giặc.
Cả một thế hệ thấy trách nhiệm của mình, không còn con đường nào khác là phải chiến đấu chống cuộc chiến tranh xâm lược đại quy mô và vô cùng tàn khốc.
Nếu quân Trung Quốc tiếp tục tiến sâu vào nội địa nước ta thì chắc chắn sẽ có cả một thế hệ thanh niên sẵn sang chiến đấu hy sinh vì sự toàn vẹn của quốc gia lãnh thổ. Vẫn biết là hy sinh, tổn thất sẽ rất nhiều, rất lớn, nhưng chắc chắn cuối cùng chúng ta sẽ giành được chiến thắng.
Rất mừng là sau khi Đảng và Nhà nước thể hiện một quyết tâm chiến đấu, hy sinh đến cùng để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, phía Trung Quốc cảm thấy đang đứng trước một bức tường thành không thể công phá. Đó là chiến lũy của ý chí, của nghị lực, của niềm tin ở “đại nghĩa thắng hung tàn”, ở “chí nhân thay cường bạo” nên họ không còn con đường nào khác là phải chủ động lui quân.
Như thế, rõ ràng mục tiêu cao cả của chúng ta đã đạt được. Chúng ta vừa xuất quân mà đã giành được chiến thắng. Đó cũng là câu chuyện đặc biệt của lịch sử.
Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố "hoàn thành mục tiêu chiến tranh" và rút quân. Các nhà quan sát lúc đó cho rằng rút lui là hành động rất khó, có thể gây cho Trung Quốc nhiều tổn thất nếu bị quân tinh nhuệ Việt Nam phản công.
Trong lịch sử Việt Nam đã có nhiều trường hợp như sau chiến thắng lần thứ ba trước quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo mở đường cho Thoát Hoan quay về. Sau chiến thắng Đống Đa, Quang Trung mở đường cho quân Thanh rút về nước.…
Ông đánh giá như thế nào về tinh thần khoan dung của những người cầm quân trong lịch sử đất nước?
- Đó là nguyên tắc bất di bất dịch của chúng ta.
Việt Nam là một nước chịu quá nhiều đau khổ vì bị chiến tranh tàn phá. Chúng ta phải tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước như vậy mà không nơi nào như ở đất nước chúng ta - khát vọng hòa bình lại cháy bỏng như thế.
Chúng ta phải tiến hành chiến tranh là để tìm ra đường đi đến hòa bình, hòa bình lâu dài, hòa bình thật sự…
Đối với những người có trách nhiệm với đất nước, nhân dân thì việc đánh tới khi kẻ thù rút lui là đã thực hiện ước vọng gìn giữ hòa bình, tránh chiến tranh tiếp tục. Khi quân giặc rút lui coi như đã là hành động đầu hàng, không cần phải tiếp tục truy diệt.
Câu chuyện “Hội thề Đông Quan” là một minh chứng khác cho nguyên tắc này của chúng ta. Dù có cơ hội tiêu diệt hoàn toàn quân Minh trong thành Đông Quan, nhưng Lê Lợi và Nguyễn Trãi không làm như vậy, mà mở hội thề Đông Quan nổi tiếng, để quân Minh rút lui trong danh dự.
Đó là con đường khôn ngoan vì đất nước, vì hòa bình muôn đời. Cuộc chiến năm 1979 có cũng là trường hợp tương tự.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài nhưng chưa lần nào phải tổng động viên. Nhưng cuộc chiến năm 1979 dù ngắn ngủi Đảng và Nhà nước đã đã phải ra lệnh này. Ông có thể phân tích nguyên nhân?
- Trong kháng chiến chống Mỹ có những lúc chúng ta bị đẩy vào tình trạng vô cùng nguy khốn…Dù tình thế như vậy, nhưng quân giặc vẫn ở trên trời, chúng ta vẫn có lực lượng trên mặt đất, trên bầu trời, trong lòng dân. Khi vẫn còn dân, vẫn còn đất, còn trời, chúng ta vẫn có những điểm tựa hết sức căn bản để tổ chức cuộc chiến….
Còn cuộc chiến năm 1979, khi phía Trung Quốc thi hành chiến dịch biển người, tấn công chúng ta trên toàn tuyến biên giới, nếu chúng tiến sâu xuống nữa sẽ có điều kiện để thực hiện được mưu đồ như trước đây quân Minh đã từng làm “Tát cạn nước Đông Hải không đủ rửa sạch tanh nhơ/ Chặt hết trúc Nam Sơn không đủ ghi tội ác”. Tính chất của sự nguy cấp còn cao hơn rất nhiều so với những thời điểm ác liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ. Nên Đảng và Nhà nước đã phải ra lệnh tổng động viên.
Cuộc chiến năm 1979 thực tế không dừng ở thời điểm Trung Quốc tuyên bố rút quân, mà nó còn kéo dài tới nhiều năm sau. Và phải hơn 13 năm kể từ cuộc chiến hai nước mới bình thường hóa quan hệ trở lại. Theo ông, sau cuộc chiến, mất mát lớn nhất của Việt Nam là gì?
- Khi đó, hai nước ở cùng một phe xã hội chủ nghĩa, núi liền núi, sông liền sông… Xét về nguyên tắc không có lý do gì để Trung Quốc có thể có một hành động như vậy.
Thế nhưng trong thực tế thì người ta lợi dụng lúc chúng ta vừa bước ra khỏi kháng chiến chống Mỹ, đang gặp muôn vàn gian khó, đang bị bao vây cấm vận… rõ ràng là tìm mọi cách để tiêu diệt chúng ta.
Lúc đó chúng tôi là sinh viên mới tốt nghiệp hay còn đang học đại học, đã nghĩ mãi không ra tại sao lại như thế.
Cũng vì đã quá lâu, trong một thời gian khá dài chúng ta đã tin tưởng một cách ngây thơ. Khi còn bé đi học, chúng tôi vẫn hát “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông…”, “Đông Phương hồng mặt trời lên…” nên không ai hình dung được tại sao lại xảy ra chuyện đó. Và có lẽ đây là cú sốc rất lớn đối với thế hệ chúng tôi.
Và dù chiến tranh đã kết thúc, Trung Quốc đã rút lui, nhưng hậu quả vẫn còn cho đến bây giờ và còn lâu nữa mới có thể khắc phục được.
Tại sao cho đến ngày nay mặc dù nói về tình hữu nghị nhưng họ vẫn xuyên tạc về tính chất của cuộc chiến?
Đó là điều thiếu nghiêm chỉnh, không sòng phẳng. Như thế thì làm sao có thể tin được. Mất lòng tin lâu dài cũng là một mất mát lớn cho cả hai đất nước.
Vậy thì, chúng ta cần phải dạy cho giới trẻ về cuộc chiến 1979 nói riêng và những cuộc chiến khác nói chung đã diễn ra trong lịch sử dân tộc, để các em sẽ không còn có sự căm ghét chung chung như một bộ phận không nhỏ đang thể hiện?
- Sử học quan trọng nhất là khách quan, trung thực. Cần phải mô tả và nhận xét sự vật, hiện tượng như nó đã từng diễn ra trong lịch sử vậy. Không khách quan, không trung thực thì không phải là sử học chân chính.
Cần cố gắng đưa đến cho giới trẻ sự thực lịch sử khách quan, giải thích rõ nguồn cội của cuộc chiến, diễn biến chính của chiến trận và cuối cùng nhận xét, đánh giá nó một cách thẳng thắn trung thực đúng như nó đã diễn ra trong lịch sử. Nếu tùy tiện cắt xén, thêm bớt theo định kiến chủ quan, thậm chí xuyên tạc, bóp méo sự thật thì mặc nhiên đó không còn là sử nữa.
Bài học đúng về quá khứ là cơ sở cho hành động đúng trong hiện tại và tương lai. Để hai nước thực sự hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển bền vững lâu dài, chúng ta không thể không tôn trọng nhau, tôn trọng sự thực lịch sử khách quan và cùng nhau dạy cho học sinh những bài học lịch sử chân chính và đích thực. Đấy là mục tiêu chung, lợi ích chung, hết sức căn bản và không của riêng ai.
Cố Tổng bí thư Lê Duẩn từng nói: "Tôi sẽ tiếp tục lặp lại điều này: Tuy họ cư xử tồi tệ, chúng ta biết rằng người của họ là bạn của chúng ta. Về phía chúng ta, chúng ta không cảm thấy xấu hổ với Trung Quốc. Tuy nhiên, âm mưu của một số lãnh đạo (Trung Quốc) là một vấn đề khác. Chúng ta coi họ chỉ là một bè lũ. Chúng ta không nói tới đất nước họ. Chúng ta không nói người dân Trung Quốc xấu với chúng ta. Chúng ta nói bè lũ phản động Bắc Kinh. Tôi nói lại điều này một lần nữa một cách nghiêm túc như thế". "Chúng ta không muốn hận thù dân tộc. Tôi lặp lại: tôi nói điều này bởi vì tôi chưa bao giờ cảm thấy căm thù Trung Quốc. Tôi không cảm thấy như thế. Đó là họ đánh chúng ta". Xin ông chia sẻ về quan điểm này. GS Nguyễn Quang Ngọc: Đây là quan điểm đúng đắn. Việc gây ra cuộc chiến chỉ ở trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc, mà ngay trong hàng ngũ đó không phải ai cũng có tư tưởng như vậy, mà chỉ là sự thắng thế của nhóm hiếu chiến thôi. Trước sau tôi vẫn thấy nền văn minh Trung Hoa là vĩ đại, chúng ta đã học và cần phải học nhiều ở họ. Chúng ta xây dựng đất nước, xây dựng nền văn hóa này cũng học được ở Trung Quốc rất nhiều. Cần phải phân biệt rõ nhân dân Trung Quốc với những kẻ gây chiến lúc đó. Trong biển người năm đó không phải tất cả đều là kẻ thù, nhiều khi cũng bị đẩy ra chiến trường vì mục đích của người cầm đầu hiếu chiến. Nếu như có cách nào để nói cho họ rõ, họ sẽ không hành động như thế. Tội là của những kẻ gây ra cuộc chiến, nằm ở các thế lực phi nghĩa. Nguyễn Trãi đã từng nói “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Chúng ta cần hiểu tinh thần ấy để không thù oán nhân dân Trung Quốc. Tôi khâm phục các thế hệ cha ông, từ xưa tới nay khi trên chiến trường chiến đấu đến cùng, khi thắng giặc rồi lại mở đường hiếu sinh. Thời kỳ nào cũng thế, cuộc chiến tranh nào cũng thế, để thực hiện mục tiêu cao nhất của chúng ta là hòa hiếu, hòa bình. Những người yêu nước càng phải tỉnh táo, để không bị dẫn dắt bởi tư tưởng hẹp hòi thiển cận. |
Xin cảm ơn ông.
- Ngân Anh thực hiện
XEM THÊM:
>> Cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 cần được trình bày trong SGK mới
>> Cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979: Đã đủ độ chín để viết rõ trong SGK
>> Tướng Lê Mã Lương kể chuyện cuộc chiến 1979 với thanh niên
>> Vì sao Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam 1979?