Sáng ngày 23/3, Trường ĐH Giao thông Vận tải được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐHQG Hà Nội chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD). Đây là trường thứ hai trong cả nước được chứng nhận KĐCLGD bởi một đơn vị kiểm định độc lập trong nước.

Ông Nguyễn Quý Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - cho biết tốc độ kiểm định hiện phải phụ thuộc tốc độ đăng ký của các trường. “Hiện chúng tôi mới nhận được đăng ký của hơn 30 trường. Nếu tốc độ gia tăng thì tăng số kiểm định viên lên để kịp đáp ứng được”.

{keywords}

Việc kiểm định chất lượng sẽ giúp cho thí sinh có thêm thông tin để chọn trường, chọn ngành

“Văn hóa kiểm định”

KĐCLGD từ lâu đã được đặt ra như là một trong những biện pháp quan trọng để cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục trong cả nước.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga thì cần phải công khai, minh bạch cho xã hội biết chất lượng của mỗi cơ sở giáo dục để người học có sự lựa chọn, các cơ sở giáo dục có sự cạnh tranh và từ đó đi đến phát triển, hoàn thiện.

Ngay từ 1995, khi ĐHQG Hà Nội mới thành lập, Giám đốc đầu tiên của ĐHQG Hà Nội, cố GS Nguyễn Văn Đạo, đã ra quyết định thành lập Trung tâm Đảm bảo Chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục (nay là Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục thuộc ĐHQG Hà Nội) - đây là đơn vị chuyên trách đầu tiên về công tác ĐBCLGD trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Nhưng cũng phải gần 20 năm sau, Trung tâm KĐCLGD – ĐHQG Nà Nội mứoi được Bộ GD-ĐT thành lập ngày 5/9/2013 và được cấp phép hoạt động vào tháng 11/2014. Đây là trung tâm KĐCLGD độc lập đầu tiên, và là đơn vị KĐCLGD thứ hai trong cả nước được thành lập (sau Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT).

Sau khi đi vào hoạt động, để đảm bảo tính khách quan và độc lập, mặc dù được ĐHQG Hà Nội hỗ trợ mọi mặt nhưng Trung tâm KĐCLGD chỉ thực hiện hoạt động KĐCLGD đối với các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo ngoài ĐHQG Hà Nội. Bên cạnh đó, ĐHQG Hà Nội cũng không can thiệp vào các hoạt động chuyên môn của Trung tâm.

Đã có nhiều kỳ vọng được đặt ra với các trung tâm KĐCLGD, trong đó mục tiêu lớn của những người làm công tác kiểm định cũng như của lãnh đạo Bộ GD-ĐT là đưa “Kiểm định chất lượng phải trở thành nếp văn hóa trong các trường đại học”.

Tuy nhiên, một điểm khiến việc KĐCL các cơ sở giáo dục đại học hiện nay chưa thực sự phát huy được hiệu quả như mong muốn của những người thực hiện. Điều này được ông Thanh chỉ rõ trong buổi hội thảo nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập mới diễn ra. Theo ông Thanh, khi làm việc với cơ quan kiểm định Úc, họ nói “Cơ quan kiểm định Việt Nam như những con hổ không răng”. Bởi vì, như họ lý giải, cơ quan kiểm định Việt Nam được quyền đánh giá, ra phán quyết nhưng không được quyền đóng cửa trường đó nếu không đảm bảo. Các trường vì vậy không bị sức ép.

Hồi đáp lại những băn khoăn của ông Thanh, thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết sẽ có chế tài đối với các trường không đạt tiêu chí KĐCLGD như bị giới hạn về quyền tuyển sinh, giấy phép hoạt động.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng Bộ GD-ĐT phải có chế tài xử lý nghiêm khắc về mở ngành, tuyển sinh đối với những trường không tham gia kiểm định thì các trung tâm kiểm định mới có “lực” để làm việc.

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng

“Đuổi” theo quốc tế như thế nào?

Dĩ nhiên KĐCL không thể là “việc riêng” của các trường Việt Nam. Các đơn vị kiểm định trong nước đặt ra các tiêu chí kiểm định như thế nào, có tiệm cận với tiêu chí của các tổ chức kiểm định uy tín của khu vực và thế giới không?

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Quý Thanh cho biết ĐHQG Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện KĐCL theo bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN). Đến nay, ĐHQG HN có 15 chương trình được cấp chứng chỉ theo bộ tiêu chuẩn của AUN.

ĐHQG Hà Nội cũng là đơn vị đầu tiên và đăng ký với AUN sẽ kiểm định cấp đơn vị đối với Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Đây cũng là trường ĐH đầu tiên trong khối ASEAN sẽ kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của AUN ở cấp chương trình đào tạo (CTĐT).

ĐHQG Hà Nội đã có báo cáo tổng kết kinh nghiệm cũng như thành công, gợi ý để áp dụng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá của AUN đối với các CTĐT của toàn bộ Việt Nam.

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã hoàn thiện thông tư về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng CTĐT và đang chuẩn bị ban hành là hoàn toàn dựa trên bộ tiêu chí của AUN cũng như quy trình đánh giá, phương pháp đánh giá, cách thức đánh giá của AUN.

Vì vậy, như ông Thanh đánh giá, tính hội nhập của các tiêu chuẩn, tiêu chí của mạng lưới AUN đã được lan tỏa cho hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam một cách mạnh mẽ.

Ngoài ra, theo ông Thanh, ĐHQG Hà Nội cũng nghiên cứu và áp dụng các tiêu chí đánh giá đối với trường ĐH theo tiêu chuẩn AUN, đồng thời, ĐHQG Hà Nội cũng nghiên cứu các tiêu chí đánh giá chất lượng CTĐT theo chuẩn của Hoa Kỳ.

Viện ĐBCLGD đã nghiên cứu tích hợp các tiêu chí kiểm định chất lượng của Hoa Kỳ với tiêu chí kiểm định chất lượng của Việt Nam. Như vậy, các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội không những phải đáp ứng 61 tiêu chí chất lượng của Việt Nam mà phải đáp ứng 26 tiêu chí của AUN hoặc hướng đến chuẩn cao hơn là 66 tiêu chí của Hoa Kỳ.

Ngân Anh