- Kiểm định chất lượng là công cụ duy nhất hiện nay để đánh giá chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên, cho tới nay, hoạt động kiểm định chất lượng của ngành giáo dục mới chỉ mang tính chất thử nghiệm. Cho tới tháng 11/2010, chỉ có 100/180 trường ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá chất lượng. Hội đồng Quốc gia Kiểm định chất lượng giáo dục mới tiến hành thẩm định được 20 trường ĐH và kết quả này cho đến nay vẫn chưa được công bố.

  
Cô bạn này khá chăm chú với việc ghi chép. Đây là lớp học tại chức của các sinh viên mới ra trường thi vào.(Ảnh chụp tại các lớp học tại chức Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, tối ngày 13/12/2010). Văn Chung

Bộ GD-ĐT không nắm rõ số lượng SV tại chức

Theo báo cáo về sự phát triển của hệ thống giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT năm 2009, cả nước có hơn 1,7 triệu sinh viên ĐH, CĐ, trong đó có tới 900.000 SV thuộc hệ đào tạo không chính quy (trong đó đào tạo từ xa khoảng 220.000 sinh viên), chiếm khoảng 50% tổng quy mô đào tạo của các trường ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, không có một báo cáo nào của Bộ GD-ĐT nêu rõ số lượng SV đang học hệ vừa học vừa làm (trước đây gọi là hệ tại chức). Khi phóng viên VietNamNet gọi điện tới Vụ Kế hoạch- Tài chính của Bộ GD-ĐT, nơi tập hợp số liệu về hệ đào tạo tại chức thì được biết: cho đến thời điểm này, vẫn còn khoảng 50 trường ĐH chưa gửi báo cáo về số lượng SV hệ tại chức về cho Bộ để tổng hợp, do vậy, con số chính thức về số lượng SV đang học hệ này Bộ không nắm được.

Một chuyên gia về kiểm định cho biết: "Số lượng SV hệ tại chức Bộ nắm hết, nhưng không muốn đưa ra. Có vấn đề là hiện nay rất ít đầu mối được nắm thông tin về tại chức, điều đó dễ dẫn tới tiêu cực. Theo tôi, con số đó phải được công khai. Đơn giản nhất là số liệu về số lượng mà trong tay Bộ GD-ĐT cũng không có thì những vấn đề phức tạp hơn của các trường ĐH không hiểu sẽ quản lý theo hình thức nào?"

Chuyên gia này cho biết, nếu có số liệu chính xác về từng trường đang đào tạo bao nhiêu sinh viên tại chức thì có thể biết được trường ĐH nào đang được đào tạo vượt quá khả năng dựa trên số SV/số lượng giảng viên, hay phải đi thuê giảng viên các trường khác để đào tạo.

Chưa kiểm định hết các trường ĐH

Ông Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết "chúng tôi không kiểm định về con người mà chỉ kiểm định trường ĐH. Vừa qua, có 169/412 trường (gồm 92 trường ĐH, 77 trường CĐ) gửi báo cáo tự đánh giá, tuy nhiên Hội đồng Quốc gia Kiểm định chất lượng GD mới tiến hành thẩm định được 20 trường đại học".

TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhận xét: Nếu xét riêng về hệ đào tạo tại chức thì hệ này đang bị thả nổi về kiểm định chất lượng. Ngay cả với hệ chính quy, Bộ còn đang làm rất chậm và gặp nhiều khó khăn, huống chi là hệ tại chức.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT,  từ năm 2004, Bộ GD-ĐT mới thành lập Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng và ban hành một số văn bản quy định vấn đề này. Từ năm 2006, Bộ khởi động công tác kiểm định chất lượng các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc.

TS Vũ Thị Phương Anh chi biết: "Hiện nay có thể nói việc kiểm định đã trở nên quá tải cho Bộ GD-ĐT, cần phải xã hội hóa công việc này. Trước đây có ít trường ĐH, ít người đi học thì Bộ còn quản lý được. Còn bây giờ số lượng các trường ĐH, CĐ tăng gấp nhiều lần, rất khó cho Bộ có thể quản lý".

Tính đến tháng 9/2009, cả nước có 440 cơ sở GDĐH, trong đó có 180 trường đại học (ĐH), 232 trường cao đẳng (CĐ) và 28 cơ sở đào tạo thuộc khối quốc phòng - an ninh. Tổng số SV của ĐH, CĐ năm học 2008 - 2009 là 1.719.499 SV, tăng 13 lần so với năm 1987.

Theo TS Vũ Thị Phươgn Anh: Hiện nay, chất lượng SV tại chức như thế nào tùy thuộc vào các trường. Nếu trường nào dễ dãi thì sẵn sàng lờ đi mọi chuyện để cấp bằng. Cho nên cần phải có chế tài để kiểm soát.

Cách nào kiểm định chất lượng hệ tại chức?

Trước mắt, để nâng cao chất lượng của hệ tại chức, theo GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, chuyên gia về giáo dục ĐH, cần phải quản lý chất lượng đầu ra của hệ tại chức. Phải có hình thức kiểm tra, đánh giá một cách khách quan, nghĩa là không phải thầy dạy rồi tự ra đề kiểm tra mà phải có một hệ thống khác kiểm tra. Bên cạnh đó, phải có tài liệu viết cho người học có thể tự học được, dễ hiểu vì phần lớn người học hệ tại chức là những người đi làm, nếu học giống như một SV chính quy có nhiều thời gian thì không thể kham nổi. Việc viết những tài liệu như vậy Nhà nước phải có biện pháp hỗ trợ các trường.

Một chuyên gia về kiểm định cho biết, phải hình thành được văn hóa chất lượng trong trường ĐH. Hiện nay, các trường ĐH không thực sự quan tâm đến chất lượng và biến sự quan tâm ấy thành hành động. Nếu muốn có một cơ chế kiểm tra đánh giá khách quan thì hoàn toàn có thể làm được. Các khoa ra đề rồi tập hợp về Trung tâm khảo thí của trường. Đến kỳ thi, chỉ việc bắt thăm đề thi cho các môn học, như vậy, sẽ không có chuyện thầy trò "tư thông" với nhau về đề thi, khiến cho thầy phải dạy "thật", trò phải học "thật".

TS Phương Anh cho biết: Ở các nước khác, bao giờ cũng có 3 bên tham gia kiểm định. Thứ nhất là Nhà nước quản lý bằng cách đặt ra luật lệ rồi đứng lui ra một chỗ xem xét, ai làm sai thì mới "thổi còi"

"Làm thế nào để biết trường nào làm sai, vì Nhà nước đâu có mặt ở khắp nơi, cũng không thể làm được chuyện đó? Tạm gọi nhà trường là người bán và sinh viên là người mua, hai bên lẳng lặng với nhau, cùng làm dối trá, như hiện nay, nếu không ai tố ai thì Nhà nước đâu có biết. Vậy thì phải có trọng tài. Chính vì thế, các nước như Mỹ và một số nước khác có hệ thống kiểm định tư nhân. Nếu tư nhân kiểm định sai so với yêu cầu đặt ra, Nhà nước phát hiện ra sẽ tước giấy phép. Đồng thời Nhà nước cũng đặt ra yêu cầu, các trường muốn hoạt động thì phải được kiểm định".

"Các cơ quan kiểm định, đánh giá xong sẽ công bố thông tin kiểm định cho toàn xã hội biết. Như vậy, một trường có kết quả kém thì cả xã hội biết và sẽ ít người đăng ký học. Phải có một hệ thống chuyên đi làm cái nghề kiểm soát. Thực ra các trường và cơ quan kiểm định kiểm soát lẫn nhau, cơ quan kiểm định đánh giá sai hay trường ĐH không đạt kết quả sau khi kiểm định đều bị Nhà nước "thổi còi", TS Phương Anh cho biết.

"Hiện nay, thông tin kiểm định của nước ta vẫn bị coi là "nhạy cảm", không thông báo ra. Lý do cũng có phần đúng vì chúng ta chưa kiểm định được tất cả các trường. Nếu những trường bị kiểm định đầu bị dở ít nhưng vẫn bị đưa ra trước thì thiệt thòi cho họ. Trong khi đó, những trường chất lượng kém hơn chưa được kiểm định mà công bố sau thì mất công bằng".

Giải pháp có nhiều và không khó để thực hiện. Tuy nhiên, một chuyên gia giáo dục ĐH (giấu tên) nhận xét: "Tại chức là "niêu cơm" của cả người học và người đào tạo. Một bộ phận quan chức muốn có sân chơi ấy để tiến thân bằng bằng cấp, các trường lợi dụng điều đó để kiếm tiền. Vì thế, sự cảnh báo về chất lượng hệ tại chức đã được đưa ra từ hơn 10 năm nay nhưng nó đã không được lắng nghe và giải quyết triệt để".


  • Tú Uyên

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, từ năm 1987 đến năm 2009, số SV cả nước tăng 13 lần, nhưng số GV chỉ tăng 3 lần, do đó tỉ lệ SV/GV quá cao so với quy định (trong năm học 2008 - 2009 là 28 SV/GV). Trong khi đó, năm học 2008-2009, tỉ lệ GV có trình độ tiến sĩ của cả nước mới chỉ đạt 10,16%, GV có trình độ ThS chỉ đạt 37,31%, trình độ  GS, PGS đạt 3,74%.

Theo báo cáo giám sát của Quốc hội: Hệ thống kiểm định chất lượng GDĐH hình thành chậm, hoạt động kiểm định chất lượng mới chỉ mang tính chất thử nghiệm. Cho đến nay, chất lượng GDĐH mới chỉ được đánh giá thông qua điểm số của SV trong các kỳ thi.