- Thông tư quy định chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ GD-ĐT vừa ban hành thu hút được sự quan tâm của đông đảo giáo viên.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã có trao đổi với VietNamNet về những điểm gây tranh cãi.

{keywords}
Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Dịch vọng A Hà Nội (Ảnh Lê Anh Dũng)

- Thông tư này ra đời căn cứ Luật Công đoàn Khoản 2 Điều 24 ngày 20/6/2012 quy định rõ: “Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong một tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tuỳ theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thoả thuận về thời gian tăng thêm”.

Và căn cứ vào Luật Công đoàn thì trách nhiệm của các bộ ngành là phải cụ thể hóa nội dung mà luật đã quy định.

Thông tư này nằm trong yêu cầu đó, để đảm bảo quyền lợi cho những người làm công tác công đoàn không chuyên trách.

Chúng tôi đã tổ chức hai hội thảo để lấy ý kiến trực tiếp của các trường đại học, các sở GD-ĐT. Trong quá trình thực hiện có lấy ý kiến rộng rãi của các bộ ngành, các đơn vị liên quan. Văn bản dự thảo được đưa trên mạng để lấy đóng góp. Thông tư để chuẩn hóa nhưng đảm bảo đúng quy trình và chặt chẽ.

Luật Công đoàn đã có hiệu lực được 4 năm, đến bây giờ Bộ GD-ĐT mới có thông tư quy định giảm định mức giờ dạy. Ông có cho rằng tốc độ như thế là chậm không?

- Trước đây chưa có Luật Công đoàn thì việc giảm trừ định mức cho giáo viên kiêm nhiệm đã làm rồi. Đây là bước chuẩn hóa theo luật, có thể có thay đổi một chút.

Cụ thể, Thông tư này thay thế các các quy định về giảm định mức giờ dạy đối với giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân tại các văn bản của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành là:

Điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011 của Bộ GD-ĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non.

Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ GD-ĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông.

Khoản 1 Điều 10 Quyết định số 18/2007/QĐ-BGDĐT ngày 24/5/2007 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định chế độ công tác giáo viên giảng dạy trung cấp chuyên nghiệp.

Và Điều 6 Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014 của Bộ GD-ĐT quy định chế độ làm việc đối với giảng viên.

Mức giảm trừ theo Thông tư mới so với các mức giảm trừ đang thực hiện là như thế nào, thưa ông?

- Là tương đương, không có sự thay đổi.

Định mức giảng viên có thay đổi

Thông tư này ảnh hưởng tới bao nhiêu giáo viên, giảng viên, thưa ông?

- Hệ thống mầm non, phổ thông là hơn 30 nghìn trường, hệ thống ĐH, CĐ là hơn 600 trường. Mỗi cơ sở giáo dục có ít nhất một giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm công tác công đoàn.

Việc giảm trừ giờ giáo viên làm công tác công doàn không chuyên trách cho khối mầm non, tiểu học, THCS, THPT đã và đang thực hiện rồi. Thông tư này ra đời chỉ là bước chuẩn hóa lại chứ không hề thay đổi gì. Thực ra định mức ở khối phổ thông là giữ nguyên.

Chỉ có ở khối ĐH, CĐ có thể giao động một chút về số giờ giảng so với những quy định cũ, nhưng đều trên tính toán rất khoa học và theo Luật. Đây cũng là chuyện bình thường theo quy định, yêu cầu mới. 

{keywords}
Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Thạch Bằng, Thạch Hà, Hà Tĩnh (Ảnh Hạ Anh)

Trong các phản hồi gửi về Vietnamnet, có giáo viên thắc mắc rằng những giáo viên "thường dân" phải gánh những tiết giảm trừ của những giáo viên kiêm nhiệm công tác công đoàn. Ông có thể cho biết việc giảm định mức giờ dạy của giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm công tác công đoàn có làm cho những giáo viên, giảng viên khác phải gánh thêm giờ giảng không?

- Không nên nói giáo viên “thường dân” hay giáo viên “cán bộ”. Trong các cơ sở giáo dục, số giáo viên kiêm nhiệm nhiều. Làm chủ nhiệm cũng là kiêm nhiệm, giáo viên tổng phụ trách đội, tổ trưởng chuyên môn cũng là kiêm nhiệm, làm công tác công đoàn cũng là kiêm nhiệm.

Việc giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách do thủ trưởng đơn vị căn cứ vào các quy định về định mức biên chế, chế độ lao động và các chế độ giảm định mức giờ dạy của cả các chức vụ kiêm nhiệm khác nữa để bố trí, sắp xếp đảm bảo làm sao để tất cả các giáo viên đều thực hiện đúng các chế độ lao động theo quy định.

Tức là việc giáo viên lo ngại là họ sẽ phải nhận thêm việc của người khác là không có cơ sở?

- Giáo viên không phải lo điều này. Chắc chắn không có chuyện đó.

Làm đến đâu có phụ cấp đến đó

Nếu người làm công tác kiêm nhiệm giảng dạy môn có ít tiết học, nếu giảm trừ có ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính của họ không?

- Thông tư quy định rõ: Đối với các cơ sở giáo dục đại học, hàng năm, Hiệu trưởng (Giám đốc) cùng với Ban chấp hành công đoàn thống nhất phương án quy định thời gian được sử dụng làm công tác công đoàn cho giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ của giảng viên (giảng dạy, nghiên cứu khoa học và làm các công việc khác) và quy định về tự chủ của đơn vị. Nếu chọn phương án giảm giờ nghiên cứu khoa học hoặc làm các công việc khác thì theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Công đoàn (24 giờ/ tháng).

Như vậy là thông tư rất mở. Khối giảng viên được linh hoạt. Chính vì vậy hiệu trưởng biết là phải lựa chọn phương án nào để đảm bảo đủ, đúng chế độ cho giảng viên, để không bị ảnh hưởng gì.

Giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm đã được giảm giờ dạy thì còn được nhận phụ cấp nữa không, thưa ông?

- Phụ cấp là một việc khác, còn Thông tư này chỉ đề cập tới giờ làm việc.

Tính chất công việc kiêm nhiệm khác với giảng dạy nên có thể được phụ cấp. Đương nhiên làm việc gì đến đâu thì sẽ có phụ cấp đến đấy.

- Xin cảm ơn ông!

Ngân Anh (thực hiện)