- Những thông tin giáo dục nào đáng chú ý được các báo đề cập trong ngày hôm nay, 14/7?


Ngô Thanh Hiên. Ảnh: Nguyễn Hà

Con gái nhà Toán học mê khoa học xã hội

Bài báo tràn trang đăng tải trên trang 7 báo Tiền Phong số ra hôm nay đề cập tới một nhân vật nữ khá đặc biệt trong gia đình nhà toán học nổi tiếng, con gái đầu lòng xinh xắn của GS Ngô Bảo Châu, năm nay 16 tuổi.

Tháng 7 này, Ngô Thanh Hiên đi xuyên Việt với các bạn trong chương trình trại hè Việt Nam của thanh niên Việt kiều, trong khi cha cô, GS Ngô Bảo Châu cũng có 3 tháng làm việc tại Viện Nghiên cứu Toán cao cấp, nơi ông vừa đảm nhận vai trò Giám đốc.

Khi hỏi bố Châu được nhiều bạn trẻ Việt Nam hâm mộ, với em bố có là thần tượng, Hiên trầm ngâm một lúc rồi lắc đầu: Chưa hẳn vì em còn một số thần tượng khác. Trong mắt Hiên, bố Châu gần gũi, không nóng tính. Chỉ khi Hiên để phòng bừa bộn, bố mới nhắc Hiên dọn dẹp. (Theo Tiền Phong)
Thanh Hiên hiện đang học tại Trường Laboratory School của ĐH Chicago, ham các môn khoa học xã hội, đặc biệt là Địa lý. Sang Mỹ cách đây 4 năm khi phải xa bạn bè ở Pháp là điều không dễ dàng với cô bé.

Sống ở Chicago, mỗi tuần, Hiên dành khoảng 2 -3 giờ tham gia hoạt động từ thiên, thăm nom và giúp đỡ người cơ nhỡ.

Dù mới học lớp 10, nhưng Thanh Hiên dự định sẽ trở về nước sống và làm việc.

Cô được bà nội dạy nhiều món ăn Việt Nam như nấu phở, kho thịt, nấu canh chua...


Ngô Thanh Hiên tại Đại hội Toán học thế giới tháng 8/2010 ở Ấn Độ, nơi bố em, GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields. Hiên kể, hồi nhỏ tuổi, em thực sự chưa biết bố làm gì, chỉ biết bố luôn miệt mài làm việc. Chỉ trước hôm đi nhận giải, Hiên mới biết bố đạt giải thưởng danh giá về Toán học

Tại sao Hà Nội có chuyện phản giáo dục?

Tại hội nghị "tập huấn, quán triệt Nghị quyết Trung ương Đáng 11" do Đảng bộ Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức qua 3 đầu cầu truyền hình Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM sáng nay, diễn giả  Hoàng Chí Bảo,  đến từ hội đồng lý luận trung ương nêu các câu chuyện nữ sinh đánh nhau, cha mẹ ông bà xếp hàng trắng đêm chầu trực trước cổng trường học để ví dụ cho vấn đề các hiện tượng phản giáo dục, phản phát triển đang nhức nhối hiện nay, khiến những giá trị lành mạnh của xã hội bị đảo lộn.

Sau thực phẩm, thì giáo dục là món ăn tinh thần đầu tiên mà người dân có nhu cầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững, thế nhưng hiện nay những giá trị về lối sống đang bị mất gốc sẽ tạo ra nguy cơ lớn- GS.TS Hoàng Chí Bảo - VietNamNet

Dù diễn ra vào những ngày đầu tháng 7, câu chuyện trắng đêm chầu trực xin học mầm non vẫn tiếp tục là chủ đề nóng trong hàng trăm ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của HĐND Hà Nội khóa XIV (từ ngày 13-15/7).

Không ít cử tri bức xúc về hệ thống trường mầm non đang quá tải dẫn đến tình trạng này.

Theo phản ánh của báo Dân Trí, cử tri quận Hoàng Mai nói nhiều dự án trên địa bàn quận chủ đầu tư chỉ hoàn thành phần nhà ở để bán, các hạng mục còn lại như nhà trẻ, trường học, bệnh viện chưa được thực hiện. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạ tầng xã hội ở địa phương như trường học, bệnh viện bị quá tải. Cử tri đề nghị thành phố có biện pháp đối với các chủ đầu tư xây dựng các trường học, bệnh viện, nhà trẻ và các hạng mục khác.


Phụ huynh chầu trực trước cổng trường Tiểu học Thành Công A cả đêm 30/6 để đăng ký học cho con vào buổi sáng hôm sau. Ảnh: Văn Chung

Đóng cửa trường học vì bệnh "tay chân miệng"

Cũng là câu chuyện ở trường học mầm non, các báo Tuổi Trẻ và Pháp luật TP.HCM dành phần lớn trang 7 và trang 9 cho câu chuyện đóng cửa trường vì bệnh tay chân miệng lan rộng.

Trong số 120 trẻ học hè ở trường Trường mầm non Vàng Anh, Q.8,có một em bị bệnh phải nghỉ ở nhà một tuần, nhưng gia đình không biết trẻ bị bệnh; sau khi trẻ đến lớp và bị hôn mê thì mới phát hiện. Cơ quan y tế đã kiểm tra tình trạng sức khỏe của học sinh còn trường quyết định xin tạm ngưng dạy hè cho đến khi vào năm học mới.

Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở TP.HCM đã có chiều hướng giảm, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Hiện mỗi tuần TP có 400-450 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tuần cao điểm nhất trong mùa dịch này lên đến hơn 500 trẻ - Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM (Theo Tuổi Trẻ)
Đây cũng là tình trạng tương tự ở một số trường mầm non công lập quận này. Có trường mầm non tư thục vẫn nhận trẻ đến lớp nhưng dán thông báo ở cổng là không nhận bé khi có các dấu hiệu sốt, nổi mẩn đỏ ở tay, chân, miệng, mông, đầu gối.

Việc không tiếp tục nhận giữ học sinh trong hè đã gây khó khăn cho một bộ phận phụ huynh không có người ở nhà giữ trẻ.


Lãnh đạo phòng giáo dục cho hay, trong thời gian nghỉ hè, việc giữ trẻ hay không là thoả thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Còn Bộ GD-ĐT có công văn hướng dẫn các Sở cho trường nghỉ học 10 ngày nếu có từ 2 trẻ trong 1 lớp mắc bệnh.


Ngoài việc thông tin tình trạng bệnh tay chân miệng từ các bệnh viện ở TP.HCM, các báo cũng có hướng dẫn chi tiết với phụ huynh cách ngăn ngừa căn bệnh này. Đồng thời, căn bệnh đã lan tới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Pháp luật TP.HCM cho hay.


Phụ huynh đội nắng chờ con thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội. Ảnh: Văn Chung

Đội mưa đăng ký thi cao đẳng

Hai thông tin về thi cử được phụ huynh và thí sinh quan tâm ngày hôm nay: Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 và làm thủ tục thi cao đẳng.

Mức điểm trúng tuyển vào các trường THPT tiếp tục chênh lệch khá rõ: Điếm trúng tuyển cao nhất  là 56 (Trường THPT Chu Văn An), còn thấp nhất chỉ là 22 (Trường THPT Đại Cường). Hiện tượng này xuất hiện từ 3 năm gần đây, khi Hà Tây sát nhập vào Hà Nội.

Căng thẳng không kém gì thi đại học là tâm thế của nhiều sĩ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi cao đẳng diễn ra từ ngày 15/7. Đợt thi này có khoảng 500.000 lượt thí sinh đăng ký.

Cơn mưa sáng nay ở Hà Nội không biết có làm dịu đi sự căng thẳng của sĩ tử trong số đó, không ít người đã "chinh chiến" qua hai đợt thi vào đầu tháng 7 vừa rồi?

  • Vân Phong (tổng hợp)