- Phạm Hy Hiếu, Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH QGTPHCM) từng được chấp nhận vào học ĐH hàng đầu Singapore nhưng lại quyết định một năm ngồi nhà để săn học bổng sang Mỹ du học.

TIN LIÊN QUAN:

Phạm Hy Hiếu

Hiếu tâm sự, một năm ngồi nhà "săn" học bổng các trường quả là "đen tối", đầy áp lực. Trước đó, thực ra Hiếu đã được tuyển thẳng vào ĐH Quốc gia Singapore nhờ thành tích học tập đáng nể: giải ba Toán quốc gia, huy chương bạc Toán quốc tế, Olympic Toán học Singapore...nhưng gia đình động viên Hiếu sang Mỹ du học, vì đó là nơi tốt nhất để theo đuổi ngành Khoa học máy tính, ngành học Hiếu mơ ước.

Sau khi rải hồ sơ xin học tới 12 trường ĐH, Hiếu đã thành công khi được 5 trường (Stanford, Duke, Dartmouth, Boston, California- Los Angeles) chấp nhận, cuối cùng em đã chọn Standford (bang California) vì sau này hy vọng sẽ làm việc tại thung lũng Silicon, mảnh đất vàng cho những người say mê khoa học máy tính.

Cho đến đầu năm học lớp 12, Hiếu vẫn chưa biết sang Mỹ du học cần phải thi SAT, gần hết hạn nộp hồ sơ xin học Hiếu mới tá hỏa khi biết tin cần phải thi tiếng Anh TOEFL. Chỉ trong một thời gian ngắn ôn luyện để thi SAT, Hiếu đã đạt mức điểm 2090/2400.

Kỷ lục kinh ngạc nhất của Hiếu là ôn thi tiếng Anh trong hai tuần và đạt điểm TOEFL 102/120. Hiếu cho biết: Thực ra trong hai tuần ấy, em chỉ luyện nói chứ không nhìn ngó gì đến ngữ pháp, bởi vì học SAT đã bao gồm từ vựng và ngữ pháp hết rồi, "SAT khó gấp nhiều lần TOEFL", Hiếu nói.

Một trong những phần gây ấn tượng với các trường ĐH mà Hiếu xin học bổng là khả năng viết bài luận dí dỏm, hồn nhiên mà cũng rất sâu sắc của chàng trai sinh năm 1992 này.

Nghe Phạm Hy Hiếu chia sẻ cách viết luận và bí quyết "săn" học bổng của ĐH Mỹ tại đây

Hiếu chia sẻ với các bạn đang muốn đi du học tại hội thảo của Vietabroader diễn ra ngày 15/7 ở TP.HCM: Sau khi đọc những bài luận (essay) được điểm cao nhất, em nhận ra được một quy luật, đó là bài luận phải có khoảng ba ví dụ điển hình liên quan đến mình để dùng phân tích một vấn đề.

Tuy nhiên, khi áp dụng cho mình, Hiếu chỉ dùng một ví dụ duy nhất, nhưng cách nhìn nhận vấn đề của em đã khiến cho ví dụ ấy được hiểu một cách sâu sắc nhất, cộng với phương pháp viết như kể chuyện, em đã đạt điểm tuyệt đối cho bài luận của mình (12 điểm).

Hiếu nói: Một bài luận của em có đề bài là: Có phải là mọi việc mà chúng ta nhìn thấy trong cuộc sống đều có bản chất giống như như những cái chúng ta quan sát được hay không?

Hiếu đã kể một câu chuyện như sau: Có lần em đi ăn phở, em thấy có một người hát rong bước vào quán. Em nghe thấy tiếng nói của người này khàn khàn, em cho rằng chắc là hát không hay, nhưng sau đó, người đàn ông cất tiếng hát và hát rất hay. Người đàn ông đeo kính đen, chắc là bị mù, nhưng em thấy ông ấy có thể gảy đàn, hay hơn một người sáng mắt là em. Rồi các thực khách trong quán đều dừng ăn để nghe người đàn ông mù này hát, em nghĩ, chắc là cuối buổi sẽ có nhiều người cho tiền lắm đây. Tuy nhiên, cuối cùng, người đàn ông này bước ra khỏi quán cũng chỉ với vài ngàn đồng xin được.

 Cũng như nhiều bạn thành công trên con đường xin học ở các trường ĐH nổi tiếng thế giới, Phạm Hy Hiếu đã chứng tỏ không chỉ học lực của mình, mà còn thể hiện được cách nhìn nhận cuộc sống, biết tham gia các hoạt động cộng đồng để phụng sự người khác, chứ không phải là những mọt sách như nhiều người lầm tưởng.

Hương Giang