- Hai hôm nay, tường Facebook cá nhân tràn ngập các chia sẻ về chuyện một cô hiệu trưởng tiểu học trong gameshow truyền hình “Ai là triệu phú” không trả lời được những câu hỏi mà khán giả cho là “thường thức”. Những gì cô hiệu trưởng và khán giả thể hiện gợi cho tôi rất nhiều liên tưởng.

Tại sao, khán giả lại “bức xúc” với cô hiệu trưởng?

Có rất nhiều lý do, nhưng có thể tạm suy luận một vài lý do chủ yếu.

Thứ nhất, khán giả bị “hẫng” vì kết quả những gì cô giáo đã thể hiện trong chương trình trái ngược với phần giới thiệu “hoàng tráng” ban đầu. Truyền hình, đặc biệt là gameshow, là không gian công cộng có tính “mở” mạnh.

Khi ngồi trước máy quay có nghĩa là cá nhân tham gia chơi có “nguy cơ” ngồi trước cả hàng chục triệu thậm chí cả trăm triệu con mắt nhìn vào. Nói khác đi, cho dù một cá nhân bình thường nhất một khi đã ngồi trước máy quay của truyền hình đặc biệt là Gameshow, họ đã trở thành “người của công chúng”. Nhất cử nhất động của họ sẽ bị công chúng nhìn nhận với một…tiêu chuẩn khác với thông thường.

{keywords}
Cô hiệu trưởng thi "Ai là triệu phú" đang gây tranh cãi 

Trong phần giới thiệu, nhân vật chính giới thiệu mình “thích được đi thi”, “rất có duyên với thi cử”, “từ trước đến nay đi thi đa số là nhất còn vài lần nhì…” và liệt kê ra một loạt thành tích như: “thi học sinh giỏi, ĐH, CĐ”, “thi chuyên môn giáo viên giỏi” thậm chí là cả “quản lý giỏi”, “đỗ thủ khoa”, “thường dẫn chương trình”.

Tâm lý nói chung của người Việt là thích sự “khiêm tốn” của người đối diện cho dù đó là sự khiêm tốn thật sự hay khiêm tốn kiểu xã giao. Sự “tự tin” trong giới thiệu bản thân với hàng loạt các “thành tích” như trên đã trở thành “động lực” thúc đẩy sự chỉ trích nặng nề của nhiều khán giả nhằm vào người chơi. Trong sự chỉ trích nặng nề đó rất có thể sẽ ẩn chứa, bao hàm cả những bức xúc và ẩn ức của công chúng thường ngày trước những hiện tình ngổn ngang của giáo dục và đất nước.

Chức danh “hiệu trưởng” và sự tham gia của hai cô giáo đi cùng với vai trò “trợ giúp sếp” ở đây một phần nào đó cũng đã làm gia tăng “độ nóng” trong chỉ trích của công chúng.

Ở Việt Nam việc được lên truyền hình cho dù chỉ là Gameshow vẫn là một cái gì đó có màu sắc sang trọng và “ghê gớm” vì thế, trong giây phút, trong mắt khán giả truyền hình và người dùng internet cô hiệu trưởng đã trở thoắt cái trở thành “người của công chúng” trong khi bản thân cô chưa kịp hóa thân để có hành vi, thái độ phù hợp.

Thứ hai, là hệ lụy của “chủ nghĩa tuyệt đối”. Khán giả trong vô thức đã tuyệt đối hóa nghề giáo viên, tuyệt đối hóa tiêu chuẩn của tri thức và và tuyệt đối hóa luôn cả vai trò của Gameshow.

Điều gì sẽ xảy ra nếu người chơi ở đây không phải là “giáo viên” mà chỉ là một người làm nghề khác như kĩ sư, bác sĩ, công nhân cơ khí? Khi đọc các nghiên cứu của người Nhật về giáo dục Việt Nam, tôi ngạc nhiên khi thấy các học giả này nhận xét rằng ở Việt Nam trong thực tế và trong cả tâm thức của người Việt, giáo viên là một “thực thể tồn tại tuyệt đối” khi họ nắm cả trong tay “quyền lực” và “quyền uy”. Trong trường học, lớp học đối với học sinh và phần nào đối với cả phụ huynh, họ có “quyền lực” và “quyền uy lớn”.

Nhiều khán giả cũng tuyệt đối hóa tiêu chuẩn “biết” thành tiêu chuẩn của tri thức và văn hóa. Trong mắt của nhiều người “biết” nghĩa là “giỏi”. Những ai “biết nhiều” sẽ là những người giỏi giang. Quan niệm này có mối liên hệ khá mật thiết với lối học khoa cử, tầm chương trích cú và nền giáo dục lấy việc truyền đạt các tri thức giáo khoa làm trung tâm.

Trong nền giáo dục lấy việc truyền đạt các tri thức giáo khoa làm trung tâm, việc kiểm tra xem học sinh nhớ được, hiểu được bao nhiêu lượng kiến thức mà giáo viên đã truyền đạt sẽ có vai trò rất lớn, bao trùm tất cả các hoạt động giáo dục khác, thậm chí bao trùm lên cả mục tiêu giáo dục cho dù về lý thuyết mục tiêu đó nhắm tới sự hình thành con người.

Theo lô-gic đó, người giáo viên sẽ trở thành biểu tượng của người “biết nhiều, hiểu rộng”. Nếu không “hiểu nhiều, biết rộng” tại sao lại xứng đáng làm giáo viên để “truyền đạt” tri thức cho học sinh? Những giáo viên “giỏi” phải là những giáo viên “làu thông kinh sử” khi giảng có thể “thoát ly giáo án” (không cần cầm giáo án hay nhìn vào giáo án) mà vẫn nói trôi chảy, hùng hồn, không sai một từ, một chữ so với...sách giáo khoa hay chương trình. Bởi thế khi cô giáo trong Gameshow nói trên không “biết” như khán giả nghĩ, đương nhiên cô sẽ bị chỉ trích nặng nề theo một lô-gic rất dễ hiểu.

Gameshow truyền hình trên thế giới rất phổ biến vì tính tương tác, giải trí và đại chúng của nó. Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo quan sát của tôi, công chúng có xu hướng “tuyệt đối hóa vai trò của Gameshow”. Nhiều người quan niệm những thông tin trên các Gameshow là tri thức tuyệt đối đúng đắn và Gameshow là nơi thể hiện đẳng cấp của tri thức. Vì thế có cái gì đó thật hài hước khi khán giả dùng con mắt rất “nghiêm túc” để thưởng thức gameshow-một trò chơi theo đúng nghĩa của từ này.

Dưới tư duy này, các câu hỏi đưa ra trong gameshow sẽ mang đậm sắc màu “thi cử” và đầy tính…tri thức. Trong mạch lô-gic đó khi cô giáo trả lời sai, đương nhiên sẽ bị đánh giá là người có “tri thức tồi”.

Cô hiệu trưởng có “xứng đáng” bị “ăn gạch”?

Sự cảm nhận về những gì cô giáo hiệu trưởng nói trên thể hiện trong gameshow “Ai là triệu phú” có lẽ sẽ tùy thuộc vào từng cá nhân.

Nói một cách thành thật thì sự thể hiện của cô giáo trong chương trình không để lại cho tôi nhiều ấn tượng và thiện cảm. Tôi không tìm thấy ở đó sự tương tác giữa “người của công chúng” và “công chúng”.

Không gian của Gameshow ở đây dường như đã bị thu hẹp lại xung quanh hai người MC và người chơi. Thành thật mà nói thì cô giáo không có “duyên” với không gian tương tác cao nhưng lại nặng tính “gián tiếp” như truyền hình. Nơi khán giả chỉ có cơ hội “suy đoán” về nhân vật thông qua các tín hiệu như cử chỉ, gương mặt, giọng điệu, ánh mắt, thông tin lời nói. Trên thực tế có nhiều nhân vật trong không gian tương tác trực tiếp và có sự hỗ trợ của các thông tin “bên lề” thông qua tương tác, tiếp xúc đời thường có sức hấp dẫn lớn nhưng khi lên truyền hình họ lại tạo ra ấn tượng xấu và ngược lại.

Tuy nhiên, đấy chỉ là cảm xúc. Trong tư cách là người xem chương trình, tôi tách biệt nó với sự chỉ trích nhằm vào người chơi. Trong mắt tôi, cô hiệu trưởng đơn giản chỉ là một người chơi tồi trong gameshow truyền hình có nhiều khán giả.

Với tôi, những gì đã xảy ra không có gì là ghê gớm. Gameshow đơn giản chỉ là gameshow. Nó là một sân chơi.

Đã là “chơi” thì nó phải vui vẻ và thoải mái. Trong không khí của trường quay, dưới áp lực vô hình và hữu hình có thể trong giây phút bộ não của cả những người “biết rộng hiểu nhiều” cũng sẽ bị …tê liệt.

Chuyện nhầm lẫn hay không nhớ ra là chuyện bình thường. Có điều dường như chúng ta khi đã rơi vào chủ nghĩa tuyệt đối hóa sẽ rất khó có đủ dũng cảm để nói rõ ràng “tôi không biết” và cười thật thoải mái. Trong khi “tôi không biết” hay “tôi nhầm” là điều rất bình thường. Gameshow là sân chơi có tính chất “tạp học” nó bao trùm các hiểu biết về mọi lĩnh vực.

Có những lĩnh vực sẽ nằm ngoài “vùng quan tâm” hay “thường thức” của người chơi. Đương nhiên, để sống như một người bình thường, mỗi cá nhân sẽ cần đến nền tảng văn hóa cơ bản. Tuy nhiên, không thể dùng những gì cá nhân nào đó thể hiện trong Gameshow để chỉ trích nặng nề là “thiếu trình độ”, “không đủ tư cách”, “thiếu hụt kiến thức”, “không xứng đáng là hiệu trưởng”…

Ở Nhật các chương trình gameshow dạng này cũng rất phổ biến. Người chơi rất đa dạng đôi khi là các nghệ sĩ rất nổi tiếng trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Có điều, cả người chơi và khán giả truyền hình dường như chỉ coi đó là sân chơi vui vẻ.

Có vẻ như điều khán giả “bức xúc” nhất là chuyện cô hiệu trưởng không trả lời được nghĩa trang “Hàng Dương” nằm ở tỉnh nào. Nhiều bài báo cũng dùng chi tiết này để giật “tít” nhằm gây ấn tượng với bạn đọc. Có thể suy đoán rằng thông tin tàng ẩn phía sau là tư duy mặc định rằng thông tin “nghĩa trang Hàng Dương” nằm ở đâu là rất quan trọng mà những người là “hiệu trưởng”, “giáo viên” như nhân vật chính trong chương trình đương nhiên phải nhớ.

Thú thật, trong đầu tôi nếu đột nhiên có người hỏi “nghĩa trang Hàng Dương nằm ở tỉnh nào?”- có lẽ trong giây phút ấy tôi sẽ trả lời “Đợt lát. Hình như nó nằm ở Côn Đảo thuộc tỉnh…”.

Hiểu nhiều, biết rộng là một lợi thế trong cuộc sống nhưng “biết nhiều” không hẳn đồng nghĩa với “giỏi” hoặc nếu có “giỏi” thì cái “giỏi” đó cũng khác với chuẩn mực phổ quát trên thế giới hiện nay.

Tôi biết có rất nhiều người có hiểu biết đa dạng nhiều lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng vanh vách nhưng thực tế họ không làm được sản phẩm gì hay dùng các thông tin họ biết tạo ra điều gì đó tốt đẹp.

Trên thực tế họ chỉ có thể trở thành ngôi sao nơi bàn trà, quán nhậu. Đơn giản vì những gì họ biết chỉ là những thứ “phổ thông” và rời rạc. Ở họ không có sự liên kết giữa những gì đã biết và tình huống thực tế phải đối mặt để tìm ra phương cách giải quyết vấn đề hay tái cơ cấu chúng để tạo ra thông tin mới có ích cho cuộc sống của cá nhân và cộng đồng. Có thể thấy rõ điều này trong giáo dục lịch sử.

***

Trong bối cảnh thông tin hóa mạnh mẽ và xã hội đòi hỏi những người có tư duy độc lập và sáng tạo cao, việc nhớ nhiều, biết rộng các tri thức lịch sử sẽ không quan trọng bằng việc cá nhân đó biết nhìn vào thực tại để nhận ra các vấn đề lịch sử, tìm kiếm các thông tin lịch sử đó ở đâu, từ nguồn tư liệu nào, xử lý, nhận thức và tái cơ cấu các thông tin từ tư liệu đó ra sao để tạo ra thông tin mới có ích và hấp dẫn, giúp cho công chúng có thêm dữ liệu để tìm hiểu lịch sử và giải thích hiện thực trước mắt.

Suy cho cùng, trong xã hội thông tin hóa hiện nay, không nên tuyệt đối hóa vai trò của các tri thức được ghi nhớ nhất là các tri thức được đưa vào gameshow. Khi tuyệt đối hóa điều đó, các cá nhân sẽ hướng sự bất bình vào nơi không cần thiết và mất đi cơ hội để…thưởng thức gameshow.

Nguyễn Quốc Vương