- Với vị trí là một trong những cường quốc điện hạt nhân hàng đầu trên thế giới, nước Pháp dù chưa tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, nhưng sự hợp tác với quốc gia này trong lĩnh vực đào tạo chuyên gia là bổ ích và cần thiết.

Quốc gia điện hạt nhân hàng đầu

Trên thế giới, trong lĩnh vực điện hạt nhân, có thể xếp nước Pháp vào hàng đầu về nhiều phương diện.

Nước Pháp hiện nay đang vận hành 58 lò phản ứng hạt nhân phân bổ khắp nước (xem bản đồ ở dưới đây). Như vậy, Pháp được xếp vào các quốc gia có nhiều nhà máy điện hạt nhân nhất.

{keywords}

Bản đồ phân bố các nhà máy điện hạt nhân ở nước Pháp. Ảnh từ WWN

Từ nhiều năm qua, ở nước Pháp điện hạt nhân vẫn là nguồn điện hàng đầu và đóng góp khoảng 74 - 75% vào tổng điện năng quốc gia. Chẳng hạn, trong năm 2013 sự đóng góp điện lượng của các nguồn điện năng chủ yếu phân bố như sau: 424 tỷ kWh (hay TWh) từ nhiên liệu hạt nhân, 76 tỷ kWh từ thủy điện, 24,7 tỷ kWh từ than đá, 17,7 tỷ kWh từ khí tự nhiên, 20,6 tỷ kWh từ năng lượng mặt trời và gió, 8,0 tỷ kWh từ nhiên liệu sinh học và chất thải, với tổng cọng là 575 TWh.

Với nền công nghiệp điện hạt nhân hùng mạnh như vậy, nước Pháp cũng là quốc gia xuất khẩu điện với chủ yếu từ điện hạt nhân vào hàng số 1 trên thế giới. Trong đó, các nước nhập khẩu điện năng chủ yếu từ Pháp là các quốc gia ở gần như Ý, Anh, Thụy Sĩ, Bỉ và Tây Ban Nha.

Lượng điện xuất khẩu, phần lớn trực tiếp từ các nhà máy điện hạt nhân, trong các năm qua tăng từ năm này qua năm khác. Chẳng hạn, năm 2012 xuất khẩu 37.6 tỷ kWh, năm 2013 - 48,5 tỷ kWh, và năm 2014 đến 65,1 TWh… Và Tập đoàn Điện lực Pháp EDF dự tính tiếp tục xuất khẩu trong những năm tới với khoảng 55-70 tỷ kWh/năm.

Cũng cần giới thiệu thêm rằng, nước Pháp có rất ít dự trữ nhiên liệu hay tiềm năng cho các ngành năng lượng cổ điển như nhiệt điện, điện dầu khí đốt, điện sinh học v.v…, trong lúc công nghệ điện hạt nhân sử dụng rất ít nhiên liệu. Vì vậy, với tiềm năng lớn về điện hạt nhân, nước này đã giảm thiểu việc nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu và đạt được sự độc lập hay sự an toàn cao cho nền điện năng quốc gia, đồng thời cũng giảm chi phí sản xuất cho ngành điện xuống thấp nhất châu Âu.

Một ưu điểm rất lớn khác của nền điện năng nước Pháp là với vai trò chủ yếu của điện hạt nhân, nước này đã đạt được mức độ rất thấp lượng khí thải độc hại CO2 tính theo bình quân đầu người. Điều này đáp ứng tích cực Nghị quyết của Hội nghị quốc tế Biến đổi khí hậu toàn cầu COP 21 diễn ra tại Paris tháng 12 năm 2015.

{keywords}

Nhà máy điện hạt nhân Flamanville, nơi đang xây lò phản ứng EPR thế hệ mới nhất của Pháp và châu Âu. (Ảnh tư liệu)

Ngoài ra, với sự phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghệ điện hạt nhân, trong nhiều năm qua nước Pháp cũng ở hàng đầu trong số các cường quốc hạt nhân về xuất khẩu lò phản ứng, nhiên liệu chạy lò và công nghệ hạt nhân. Ngoài các lò phản ứng điện hạt nhân của Tập đoàn Điện lực Pháp EDF sử dụng ở trong nước và có mặt ở các nước trong nhiều năm qua như Anh, Đức …, lò phản ứng loại mới nhất EPR với công suất lớn khoảng 1650 MW đã xuất hiện ở Flamanville (Pháp), Phần Lan, Trung Quốc và dự định sẽ xây dựng ở Anh Quốc …

Như vậy, về nhiều phương diện, từ tỷ trọng công suất lớn nhất đóng góp vào nền điện năng quốc gia đến sự giảm phát thải đáng kể lượng khí nhà kính độc hại CO2, từ khả năng xuất khẩu lò phản ứng, nhiên liệu chạy lò đến công nghệ hạt nhân, rõ ràng ngành điện hạt nhân nước Pháp có vị trí nổi bật thuộc hàng đầu trong các cường quốc hạt nhân trên thế giới.

Hợp tác Việt - Pháp đào tạo nhân lực điện hạt nhân

Ngay từ 10 năm trước, năm 2005, khi Việt Nam bắt đầu ra đời dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, một cuộc hội thảo mang tên “Hội thảo công nghệ Việt-Pháp: Các lò phản ứng hạt nhân và việc lựa chọn địa điểm” đã được tổ chức ở Hà Nội.

{keywords}

Một phiên tọa đàm ở “Hội nghị quốc tế về Tiếp cận Năng lượng hạt nhân dân sự” do Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy triệu tập ở Paris ngày 8 - 9/3/2010 với Việt Nam là khách mời. Ảnh: Trần Thanh Minh.

Cuộc hội thảo này không chỉ tăng cường mối quan hệ hợp tác sẵn có giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp mà còn là dịp để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và trao đổi với các đồng nghiệp Pháp về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện Dự án nhà máy điện hạt nhân một cách hiệu quả và an toàn nhất. Một số hoạt động thực hiện sự hỗ trợ đã diễn ra.

Vào tháng 7/2007 Đại sứ quán Pháp tại Việt nam đã trao tặng Bộ khoa học và Công nghệ một phiên bản phần mềm CATHARE có chức năng mô phỏng sự cố xảy ra trong lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, từ 10-12/7/2907 ba sự kiện khác đã diễn ra gồm: Hội thảo về kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam; Hội thảo liên quan đến dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử ở Việt Nam và Gia hạn thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Năng lượng hạt nhân Pháp (CEA) và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VAEC). Tất cả 4 sự kiện trên đây nằm trong mối quan hệ hợp tác Việt-Pháp về hạt nhân dân dụng, quy tụ những chuyên gia của Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Nhưng sự hợp tác giữa hai nước Việt – Pháp thích hợp trong giai đoạn này nhất là Pháp sẽ giúp Việt Nam đào tạo nhân lực điện hạt nhân.

Để đẩy mạnh sự hợp tác trong công tác đạo tạo này; trong đó có hợp tác với nước Pháp, hệ thống các cơ sở đào tạo liên quan công nghệ nhà máy điện hạt nhân ở Việt nam cũng đã được củng cố và mở rộng.

Với vai trò của một cơ quan nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đầu ngành hạt nhân của quốc gia, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã và đang vươn lên đóng vai trò quan trọng và đầu mối trong sự nghiệp đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho phát triển năng lượng nguyên tử cũng như điện hạt nhân của cả nước.

Đồng thời, Ban chỉ đạo quốc gia về “đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” cũng đã giao 3 trường đại học tập trung đào tạo chuyên sâu lĩnh vực năng lượng nguyên tử là: Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Đà Lạt.

Một số trường đại học khác cũng sẽ tổ chức tuyển sinh, đào tạo theo các chuyên ngành đã được phân công theo quy hoạch Đề án 1558 về “đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam cũng được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai các chương trình đào tạo nhân lực để phục vụ các dự án điện hạt nhân của Việt Nam.

Tuy nhiên, do tiềm lực và kinh nghiệm trong phát triển điện hạt nhân của Việt Nam còn hạn chế. Cho nên cùng với việc tăng cường đầu tư của Nhà nước thì hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng, đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Trong đó, hợp tác với nước Pháp được xem là quan trọng vì quốc gia này có kinh nghiệm trong việc đào tạo nhân lực lĩnh vực năng lượng nguyên tử, có trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác đào tạo cũng như xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Đầu năm 2016, vào ngày 27/1/2016 đã diễn ra một cuộc viếng thăm và làm việc của đoàn các đại biểu của Viện Quốc tế về Năng lượng Hạt nhân (I2EN) và Cơ quan Hạt nhân Pháp quốc tế (AFNI) tại Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử (ICONE) thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong dịp gặp gỡ này ở ICONE, đoàn đã tìm hiểu công tác đào tạo nhân lực điện hạt nhân của Việt Nam, đặc biệt là đào tạo nhân lực điện hạt nhân tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Và hai bên đã thảo luận về việc hợp tác để đào tạo giáo viên chuyên ngành điện hạt nhân cho các trường đại học, các trung tâm đào tạo chuyên ngành năng lượng hạt nhân của Việt Nam.

Một biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo nhân lực cho lĩnh vực điện hạt nhân giữa Việt Nam và Cộng hoà Pháp đã được hình thành. Và đến cuối tháng 2/2016, Bộ Giáo dục & Đào tạo VN đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về đào tạo nhân lực điện hạt nhân với Viện Quốc tế về Năng lượng Hạt nhân (I2EN). Đây là chương trình hợp tác có quy mô lớn bao gồm cả đào tạo, nghiên cứu, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân. Tham gia chương trình hợp tác này, ngoài 3 trường đại học tập trung đào tạo chuyên sâu lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói ở trên, còn có thêm Trường Đại học Điện lưc.

Tiếp theo, vào giữa tháng 4/2016, một đoàn đại biểu khác từ cơ quan hạt nhân Pháp quốc tế (AFNI) và Ủy ban hạt nhân Pháp (CEA) đã trở lại thăm và làm việc với Trung tâm ICON. Chuyến thăm lần này bàn bạc chi tiết cụ thể về sự hợp tác giữa 2 phía. Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng tiếp đoàn và trao đổi cụ thể về hợp tác song phương. Mối quan tâm chung lần này của đoàn, ngoài công tác đào tạo nhân lực điện hạt nhân là tìm kiếm sự hợp tác trong lĩnh vực thông tin truyền thông. Các bên đã trao đổi các thông tin hoạt động của các trung tâm thông tin của mình. Phía Pháp đã giới thiệu Trung tâm Truyền thông Hạt nhân tại Marsoule, phía nam nước Pháp. Đây là TT nghiên cứu về chu trình nhiên liệu hạt nhân nổi tiếng của Pháp và TT đã có nhiều hoạt động tuyên truyền rất hiệu quả.

Song song với công tác đào tạo nhân lực điện hạt nhân của Việt Nam, vấn đề thông tin tuyên truyền hạt nhân ngày càng chiếm vi trí quan trọng. Khâu quan trọng này đặt biệt cần tiến hành trước khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam ở Ninh Thuận.

Như vậy, dù nước Pháp chưa có mặt trong danh sách các cường quốc điện hạt nhân đầu tiên đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, nhưng với sự hùng mạnh của nền công nghệ điện hạt nhân của nước này, sự hợp tác với quốc gia này ngay từ bây giờ trong lĩnh vực đào tạo cũng như truyền thông là sự lựa chọn đúng đắn và rất đáng trân trọng.

  • Trần Minh