- Lý giải việc nhiều trường tốp đầu phải xét tuyển bổ sung, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, ở những trường có tính cạnh tranh cao không phải tất cả các ngành đều có sức hút thí sinh. Bên cạnh đó, thực tế tuyển sinh năm nay cũng là dịp để các trường nhìn nhận lại mình.

Trong đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016,có một hiện tượng “lạ” là nhiều trường thuộc tốp đầu đều tuyển thiếu và phải xét tuyển bổ sung. Thứ trưởng nhìn nhận và lý giải như thế nào về hiện tượng này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Qui chế tuyển sinh năm nay đã trao cho thí sinh quyền được chọn lựa ngành/trường theo học phù hợp với nguyện vọng và kết quả thi của mình. Ở những trường có tính cạnh tranh cao không phải tất cả các ngành đều có sức hút thí sinh mạnh. Vì thế việc các trường không tuyển đủ chỉ tiêu tổng thể ngay từ đợt đầu tiên cũng dễ hiểu.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằngviệc nhiều trường tuyển không đủ thí sinh trong đợt đầu là điều dễ hiểu. Ảnh: Lê Văn.

Những thí sinh điểm cao trúng tuyển mà không đến làm thủ tục nhập học tại trường là vì các em có sự lựa chọn khác phù hợp hơn. Những thí sinh có điểm thấp trúng tuyển không nhập học vì ngành/trường trúng tuyển không phải là nguyện vọng mà các em yêu thích nhất. Nhiều thí sinh chờ xét tuyển bổ sung hoặc tiếp tục ôn tập để sang năm thi lại với quyết tâm đậu vào trường/ngành mà mình mong muốn.

Qui chế năm nay ưu tiên cho thí sinh chọn ngành mà các em yêu thích, không khuyến khích các em “cố” đỗ vào đại học bất cứ ngành nào.

Thực tế tuyển sinh năm nay cũng là dịp để các trường nhìn nhận lại mình.

Uy tín vốn có của nhà trường không phải là vĩnh viễn mà phải liên tục chăm lo, vun đắp. Chất lượng đào tạo phải được cải thiện liên tục thì mới thu hút được người học.

Sự đánh giá, lựa chọn của thí sinh cũng là một trong những thông số thể hiện uy tín của nhà trường.

Lượng thí sinh ảo năm nay sẽ lớn là điều đã được dự báo từ trước. Bộ cũng đưa ra nhiều quy chế để tạo điều kiện cho các trường lọc ảo. Song nhiều trường vẫn tuyển thiếu rất nhiều và phải xét tuyển bổ sung. Có phải là các trường ĐH đều không lường hết được tỉ lệ ảo năm nay,thưa ông?

- Phương thức tuyển sinh năm nay có tỉ lệ thí sinh ảo nhất định là điều mà tất cả các trường đều biết rất rõ qua rất nhiều lần thảo luận xây dựng quy chế. 

Với cơ sở dữ liệu được tổ chức như hiện nay, việc tổ chức xét tuyển chung trong cả nước hoàn toàn không có khó khăn gì. Nhưng các trường không đồng thuận vì đều muốn tự xử lý vấn đề tuyển sinh của riêng mình.

Tôn trọng sự lựa chọn của các trường, Bộ đã hỗ trợ bằng việc cung cấp danh sách tất cả các nguyện vọng mà thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường cùng đợt.

Với cơ sở dữ liệu này hội đồng tuyển sinh của trường có thể phân tích phán đoán được những thí sinh trúng tuyển có khả năng vào học trường mình và những thí sinh nào trúng tuyển mà có khả năng cao không nhập học. Trên cơ sở đó xác định tỉ lệ dôi dư hợp lý.

Tất nhiên tỉ lệ này rất khác nhau giữa các trường. Vấn đề khó là các trường phải xác định được tương quan giữa trường mình và các trường khác trong hệ thống. Riêng các trường ở khu vực Hà Nội cần xác định thêm mối tương quan giữa trường mình và những trường cùng nhóm ngành trong nhóm GX.

Nhiều trường kêu ca rằng việc lọc ảo năm nay quá khó vì Bộ vừa không cho phép các trường công khai diễn biến xét tuyển lại vừa siết quy định không cho tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký. Đây là nguyên nhân hầu hết các trường phải xét tuyển bổ sung, kể cả những trường tốp trên?

- Không hẳn như vậy. Năm ngoái khi thí sinh chỉ được phép đăng ký vào một trường duy nhất nên diễn biến đăng ký xét tuyển ở các trường là thông tin rất quan trọng để thí sinh tham khảo quyết định việc rút/ nộp hồ sơ. Cũng chính nhờ việc chỉ cho thí sinh đăng ký vào một trường nên các trường không có ảo.

Năm nay qui chế cho phép thí sinh được đăng ký 2 trường trong đợt 1 và 3 trường trong mỗi đợt xét tuyển bổ sung thì thông tin diễn biến xét tuyển ở từng trường không có giá trị tham khảo, vì các trường không biết thí sinh đăng ký thêm trường nào khác ngoài đăng ký vào trường mình.

Vì vậy việc công bố thông tin diễn biến xét tuyển ở các trường không những không giúp ích gì cho thí sinh mà còn gây tâm lý hoang mang, lo lắng.

Việc các trường thận trọng trong quyết định điểm chuẩn phù hợp để số lượng thí sinh nhập học không vượt chỉ tiêu là rất đáng hoan nghênh. Để giúp các trường hạn chế tác động của thí sinh ảo, Bộ đã đưa vào qui chế một số giải pháp hỗ trợ và cung cấp sơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký các nguyện vọng khác nhau để trường phân tích lựa chọn tỉ lệ dôi dư phù hợp.

Như vừa nói ở trên, tỉ lệ này cao thấp phụ thuộc các trường. Có trường gọi dư 100% chỉ tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ, có trường chỉ gọi dư khoảng 10% đã tuyển đủ rồi. Thực tế có nhiều trường đã phân tích dữ liệu rất tốt và đã đưa ra được quyết định hợp lý trong đợt 1 vừa qua.

- Trong đợt xét tuyển bổ sung sắp tới,thí sinh sẽ được đăng ký 3 trường. Do đó, lượng ảo sẽ còn tăng nhiều hơn và các trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc lọc ảo để tuyển đủ chỉ tiêu? Theo ông, các trường nên khắc phục hiện tượng thí sinh ảo như thế nào?

- Sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, Bộ đã gửi công văn lưu ý các trường cập nhật thông tin thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống để xác định danh sách thí sinh tham gia xét tuyển các đợt bổ sung.

Đồng thời Bộ cũng lưu ý các trường côngbố rộng rãi trên trang thông tin điện tử của trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng các thông tin liên quan đến xét tuyển bổ sung để thí sinh theo dõi và đăng ký.

Đến tối ngày 31/8, sau khi kết thúc nhận đăng ký xét tuyển, Bộ sẽ cung cấp cho trường danh sách thí sinh đã đăng ký vào trường kèm theo thông tin các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký ở các trường khác như đã làm ở đợt 1.

Theo số liệu thống kê đến thời điểm hiện nay có khoảng 200.000 thí sinh đã nộp Giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định nhập học tại các trường. Vậy còn khoảng 100.000 thí sinh sẽ tiếp tục đăng ký xét tuyển ở những đợt bổ sung.

Với số chỉ tiêu xét tuyển bổ sung vào mỗi trường không còn nhiều, trên cơ sở kinh nghiệm xét tuyển đợt 1, Hội đồng tuyển sinh của các trường có thể phân tích cơ sở dữ liệu nhận được từ hệ thống tuyển sinh của Bộ để xác định phương án trúng tuyển hợp lý cho các đợt bổ sung.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT: 

Hiện nay, Bộ đã lấy ý kiến của các trường ĐH, các sở GDĐT về phương án tuyển sinh sắp tới và đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, tham mưu trong việc xây dựng phương án tuyển sinh tối ưu nhất, công bố vào đầu năm học tới.

Bên cạnh việc chỉ đạo về công tác tuyển sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và các cơ sở đào tạo tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình hành động… để có công cụ quản lý các điều kiện đảm bảo chất lượng trong quá trình đào tạo theo hướng kiến tạo, hỗ trợ và giám sát, đặc biệt là tăng cường quản lý chất lượng đầu ra để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Đối với lĩnh vực GDĐH, Bộ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ chủ yếu trong những năm sắp tới đó là qui hoạch mạng lưới, tự chủ đại học và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Trong thời gian tới, công tác kiểm định chất lượng sẽ được tăng cường trong toàn hệ thống. Các thông tin này sẽ được công khai để cơ quan quản lý trực tiếp các trường công lập điều chỉnh chính sách, chỉ đầu tư cho các trường sử dụng hiệu quả nguồn lực, sắp xếp lại các trường hoạt động kém hiệu quả…

Và đặc biệt, việc công khai các thông tin về chất lượng đào tạo là để xã hội và người học biết và lựa chọn cơ sở đào tạo đảm bảo chất lượng.

Lê Văn (thực hiện)