- Trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội, sáng nay 29/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận  cho  rằng: không nên có cái nhìn một chiều về việc điểm thi môn Sử thấp và kết quả của Toán học Việt Nam tại Olimpic Toán học quốc tế 2011.
TIN LIÊN QUAN:

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Việt Nam năm nay có kết quả thấp nhất trong lịch sử 35 năm dự kỳ thi này. Nhiều người thậm chí coi đó là cú “ngã ngựa” của toán học Việt Nam. Điều này càng trở thành mối quan tâm lớn hơn của dư luận khi nhiều năm gần đây, học sinh giỏi đua nhau thi vào các ngành kinh tế thưa Bộ trưởng?

*Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đừng phê phán một chiều. Trước đây chúng ta hay quan niệm thương nhân là lừa đảo, mua rẻ bán đắt, bóc lột. Nhưng bây giờ thì chúng ta đã có quan niệm khác, coi đó là một lực lượng rất quan trọng. Đó là xu thế chung, và cũng là một khuyến khích của chúng ta, vì điều kiện hiện nay rất cần những thương gia giỏi, những nhà quản trị giỏi. Do nhu cầu riêng thì người ta cần làm giàu nên chọn ngành nghề theo ý đồ của họ. Làm toán học thì không phải ai cũng giỏi như Ngô Bảo Châu được. Đi dạy học, dạy toán thì cuộc sống cũng khó khăn lắm, có người này người kia, đó là thực tiễn, đừng phê phán một chiều. Mấy năm nay, năm nào Thủ  tướng cũng dành thời gian để gặp gỡ doanh nhân, đó cũng vì xuất phát từ thực tiễn đất nước rất cần những nhà doanh nhân giỏi, nhà quản trị giỏi.

* Nhưng đúng là xã hội đang rất lo ngại về đầu tư cho khoa học cơ bản hiện nay? Điểm thi ĐH vào khoa toán ở các trường tốt nhất cũng rất thấp, chứng tỏ rất ít học sinh theo ngành toán nói riêng và khoa học cơ bản nói chung?

*Khoa học cơ bản thì chúng ta vẫn phải quan tâm nhiều chứ. Chính phủ vừa thành lập Viện toán cao cấp. Tất cả những chuyện khoa học cơ bản đó không phải là hôm nay làm ngày mai có thành quả.  Để có khoa học cơ bản là từ nền móng, gốc gác, căn bản thì phải đầu tư từ hàng chục năm. Bây giờ chúng ta đầu tư thì cả chục thế hệ sau sẽ thừa hưởng. Chúng ta cần phải bình tĩnh, nhìn nhận mọi chuyện toàn diện. Chúng ta hô hào học sinh phải học ngoại ngữ, tin học, nên nếu những môn như lịch sử, ngữ văn nếu kết quả thấp một chút thì cũng đừng coi là thảm họa, quy đó là cái tội. Chúng ta không nên phê phán một chiều.

*Kết quả thi sử vừa rồi quá thấp chẳng hạn, xã hội sẽ phải đặt câu hỏi chứ không phải là vấn đề phê phán một chiều?

*Lịch sử có điểm thấp là vấn đề của thời đại. Kể cả nước Mỹ và nhiều nước khác đều có tình trạng này. Khi mà khoa học lịch sử có tiếng nói ít đi trong cuộc sống hiện đại hôm nay, khi mà cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử ít đi thì môn Sử sẽ không hấp dẫn học sinh như các môn khác. Trở lại vấn đề điểm sử thấp, môn sử kém hấp dẫn không phải là chuyện chỉ riêng ở Việt Nam, của châu Á, đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này dưới tác động của cách mạng khoa học công nghệ, sự đòi hỏi của thị trường lao động.

*Điểm sử thấp, theo các nhà giáo dục, là do cách dạy và học sử của chúng ta hiện nay?

*Đó là một ý kiến có khía cạnh đúng. Nhưng nếu đổ tất cả cho nguyên nhân đó thì lại không đúng. Đúng là cách dạy sử hiện nay với việc dạy học sinh trận này trận kia dẹp bao nhiêu giặc, thu bao nhiêu vũ khí thì không nên, phải thay đổi. Bản thân tôi cho rằng dạy sử là để học sinh hiểu biết truyền thống, tăng cường lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có ý thức trách nhiệm với đất nước. Chứ dạy sử để bắt các em nhớ số liệu thì phải thay đổi. Phản ứng của xã hội trong chuyện này là đúng. Tôi cũng đã từng nói với nhà sử học Dương Trung Quốc là phải có sự phối hợp để thay đổi cách dạy sử hiện nay. Nhưng thay đổi cũng đã là chuyện không đơn giản. Nhưng  tôi vẫn cho rằng không nên cực đoạn khi đổ hết lỗi cho việc dạy sử.

* Vậy tới đây sẽ thay đổi cách dạy và học sử như thế nào?

* Vấn đề này vẫn còn phải bàn. Mục tiêu của chúng ta là thay đổi giáo dục căn bản và toàn diện, trong đó có việc thay đổi mục tiêu, chương trình, nội dung phương pháp dạy và học. Về môn sử, chúng tôi đã trao đổi với Hội Lịch sử Việt Nam để phối hợp thay đổi. Môn Địa, Văn đều phải xem xét thay đổi. Thay đổi SGK thì không phải thay đổi ngay được đâu, phải có quy trình của nó. Nếu thay đổi một cách sạch trơn, liên tục thì sẽ thành tùy tiện.

*Nhiều ý kiến cho rằng, cách dạy sử hiện nay bắt học sinh nhớ quá nhiều sự kiện, ngày tháng là nguyên nhân chính khiến kết quả học sử không cao?

*Nhớ ngày tháng cũng cần chứ. Chẳng hạn ngày thành lập Đảng, ngày sinh của Bác Hồ.. làm sao không thể không nhớ được. Có những thứ máy móc thì cần phải bỏ, nhưng có những thứ máu thịt thì chúng ta phải nhớ. Tôi chỉ lấy ví dụ thôi, chúng ta phải nhớ ngày giỗ ông bà cha mẹ, dù có thể nhớ máy móc. Hoặc ngày tết cổ truyền dân tộc chẳng hạn, nếu không nhớ thì làm sao có thể có lòng yêu nước. Có những thứ dứt khoát phải nhớ, dù máy móc.

*Bộ trưởng nghĩ gì về việc rất nhiều người dân Việt Nam từ trẻ đến  già rất biết và thích lịch sử Trung Quốc, trong khi lịch sử Việt Nam lại được nhớ đến không nhiều?

*Đúng là như vậy, nhưng đó không phải là chuyện của giáo dục. Đó là vấn đề của xã hội.  Người ta biết về lịch sử Trung Quốc không phải là do được học về lịch sử nước này, mà thông qua xem phim, đọc truyện. Không phải là học sinh Việt Nam học lịch sử Trung Quốc và thích sử của họ. Vì vậy, chắc chắn sẽ phải có thay đổi về học sử, nhưng thay đổi thế nào một mình tôi không dám quyết. Điều này sẽ phải được bàn rộng rãi trong giới sử, các nhà giáo, chuyên gia lịch sử. Chúng tôi sẽ xem xét để sớm thay đổi cách dạy các môn xã hội, trong đó có sử.

Xin cảm ơn ông!

  • Ngọc Lê (ghi)