- Kết quả xếp hạng chỉ để tham khảo với ý nghĩa hoàn toàn tương đối. Thử nghĩ xem, xếp hạng có ích gì nếu người ta chỉ tin những kết quả không gây tranh cãi, chẳng hạn như Harvard là trường đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới. Những kết quả gây ngạc nhiên như vị trí của ĐHQG TP.HCM cao hơn ĐH Stanford trên bảng xếp hạng 4icu năm 2009 thì liệu sẽ có mấy người tin?
TS Vũ Thị Phương Anh phân tích câu chuyện "xếp hạng đại học và mối quan hệ với chất lượng". Dưới đây, VietNamNet giới thiệu bài viết này.
Thư viện Tạ Quang Bửu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Đâu là sự thật, và tại sao có sự mâu thuẫn nói trên? Theo tác giả, điều này là do tâm lý “mê cuồng” của người Thái đối với các bảng xếp hạng quốc tế.
Các tiêu chí xếp hạng thường được chọn lựa vì sự thuận tiện trong việc thu thập và xử lý thông tin. Chúng không đo được những giá trị và đóng góp đích thực của các trường đại học Thái đối với xã hội Thái.
Việc mải mê chạy theo các thứ hạng cao không những đã không làm tăng mà còn làm giảm chất lượng giáo dục đại học của nước này. Nó thúc đẩy các trường chạy theo những yêu cầu bên ngoài nhằm tăng hạng và bỏ qua nhiệm vụ cung cấp những chương trình giáo dục phù hợp với người Thái để đáp ứng sự phát triển của xã hội Thái.
Lời khẳng định nêu trên hoàn toàn không phải là ý kiến chủ quan, vô căn cứ của một người có ác cảm với xếp hạng. Mặt trái của việc xếp hạng đại học đã được giới nghiên cứu cảnh báo từ nhiều năm nay.
Không phải tình cờ mà tờ báo mạng University World News (UWN) số ra ngày Chủ nhật 31/7/2011 đã cho đăng một loạt bài viết về xếp hạng quốc tế để chỉ ra những ngộ nhận phổ biến về xếp hạng và những tác hại do tâm lý mê cuồng với xếp hạng gây ra.
Philip Altbach trong bài viết có tựa đề “Đừng quá nhấn mạnh việc xếp hạng quốc tế” trong số báo nói trên đã khẳng định rõ quan điểm của mình đối với xếp hạng.
Theo tác giả, các bảng xếp hạng hiện nay chỉ phù hợp với các trường đại học nghiên cứu thuộc hàng tinh hoa nhất. Vì vậy, quá quan tâm đến thứ hạng chắc sẽ làm cho các trường bỏ quên những đặc điểm riêng biệt của mình để chạy theo những tiêu chí trong các bảng xếp hạng. Trong khi đó, sự đa dạng về sứ mạng là tối cần thiết để làm nên sức mạnh của một hệ thống giáo dục đại học. Quan điểm này hoàn toàn đồng nhất với quan điểm đã nêu trên tờ Bangkok Post ngày 29/7/2011 nói trên.
Nhưng bài viết của Altbach chỉ mới đề cập đến những bảng xếp hạng có uy tín, như bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải chẳng hạn. Số lượng các bảng xếp hạng quốc tế hiện nay đã lên đến hàng chục, và không phải hệ thống xếp hạng nào cũng đáng tin cậy. Một số bảng xếp hạng đã từng đưa ra những kết quả rất vô trách nhiệm, và thỉnh thoảng ta lại thấy những thay đổi vị trí rất đột ngột của các trường mà chẳng có một lời giải thích.
Có thể đưa ra một ví dụ từ bảng xếp hạng 4icu[2]. Đây là tên viết tắt của For International Colleges and Universities, một tổ chức xếp hạng với phương pháp tương tự như Webometrics, dựa trên số lượng truy cập vào trang web của các trường đại học.
Năm 2009, 4icu.org đưa ra danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới, theo đó Đại học Quốc gia TP HCM được xếp ở vị trí thứ 57, cao hơn cả ĐH Stanford, một đại học hàng đầu của Mỹ! Nhưng chỉ một năm sau, danh sách 200 trường hàng đầu cũng do 4icu đưa ra lại là một danh sách hoàn toàn khác, trong đó tên của ĐHQG-HCM hoàn toàn biến mất không còn dấu vết!
Ví dụ nêu trên có vẻ rất cực đoan và không tiêu biểu, chỉ có thể xảy ra với một bảng xếp hạng không tên tuổi. Nhưng những sai sót tương tự cũng đã xảy ra với những bảng xếp hạng có tên tuổi khác.
Một ví dụ kinh điển là sự rớt hạng gần cả trăm vị trí sau chỉ một năm của University Malaysia, trường đại học hàng đầu của Malaysia (UM), trong bảng xếp hạng của QS năm 2005[3]. Nguyên nhân của sự thay đổi này sau đó được giải thích là do QS đã hiểu sai số liệu của UM năm 2004, nhưng sự tụt hạng này đã kịp làm vị hiệu trưởng đương nhiệm lúc ấy của UM bị cách chức vào năm 2005, để lại áp lực tâm lý nặng nề lên những người kế nhiệm.
Bảng xếp hạng của The Higher Education |
Tại Việt Nam, kết quả xếp hạng của Webometrics cũng đã từng làm dấy lên nhiều luồng dư luận khác nhau, từ thất vọng, phẫn nộ đến phấn khởi và thậm chí đắc thắng. Đã có nhiều bài viết về giá trị hạn chế của bảng xếp hạng Webometrics ở Việt Nam, nhưng kết quả hàng năm của bảng xếp hạng này vẫn có thể xem là một đề tài “thời sự”, như mẩu tin trên báo Thanh Niên ngày 1/8/2011 đã chứng minh.
Trong bài viết “Xếp hạng các bảng xếp hạng”[4], tác giả Ard Jongsma đã chỉ ra nhược điểm căn bản của xếp hạng. Để có thể xác định vị trí cao thấp thì các trường đại học được so sánh cần phải giống nhau, và sự so sánh phải dựa trên những yếu tố có thể đo lường được.
Nhưng rất nhiều đặc điểm quan trọng của các trường đại học không đo lường, và cũng rất khó để so sánh các trường đại học có sứ mạng khác nhau. Đa số kết quả xếp hạng vì vậy chỉ dựa trên các tiêu chí dễ đo lường (dù chưa hẳn đã có thể so sánh giữa các trường) như tỷ số giảng viên trên sinh viên, kinh phí đầu tư tính trên đầu sinh viên, tỷ số công bố khoa học trên giảng viên vv, mà hậu quả là quá trình thu hẹp sứ mạng và đồng hóa các trường đại học như Altbach đã nêu ở trên.
Một nhược điểm quan trọng khác cũng đã từng được giới nghiên cứu nêu ra, đó là ngay cả khi kết quả xếp hạng thực sự đáng tin cậy và có giá trị, chúng vẫn không chỉ ra được tại sao một trường đại học đã đạt được vị trí nào đó. Xếp hạng cho ta biết đích đến, nhưng không vẽ ra con đường đến đích. Và có lẽ cũng không nên đòi hỏi điều này từ các bảng xếp hạng. Để đến đích, có rất nhiều con đường, tùy thuộc vào vị trí hiện tại, năng lực, điều kiện và hoàn cảnh của từng trường đại học và từng quốc gia. Con đường này phải được xác định bởi chính các nhà lãnh đạo của các trường trong định hướng phát triển chung của đất nước.
Cuối cùng, sau tất cả những tranh luận về xếp hạng thì còn đọng lại một câu hỏi: Nên có thái độ như thế nào đối với xếp hạng? Câu trả lời đã được các nhà nghiên cứu trên thế giới đưa ra tại Hội nghị quốc tế về xếp hạng đại học do UNESCO, OECD và World Bank đồng tổ chức vào tháng 5/2011 vừa qua.
Xếp hạng đại học sẽ vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, nhưng xu hướng sẽ là ngày càng xuất hiện nhiều các hệ thống xếp hạng đa dạng hơn với những tiêu chí phù hợp hơn với đặc thù của từng trường.
Một xu hướng khác là việc chuyển từ xếp hạng (ranking) sang đối sánh (benchmarking). Thay vì quan tâm đến các thứ hạng do người khác áp đặt, các trường sẽ sử dụng thông tin từ việc xếp hạng để tự xác định vị trí so với những trường do chính mình lựa chọn, đồng thời tự thực hiện việc nghiên cứu những trường hợp thành công (success case) để học hỏi và cải thiện chính mình. Điều này đòi hỏi nhiều thời gian và một độ tự chủ nhất định từ các trường đại học, nhưng không phải là không thể làm được.
Chỉ đến lúc đó thì ta mới mong có một mối liên hệ trực tiếp nào đó giữa kết quả xếp hạng với chất lượng của các trường đại học. Còn trong thời gian này, kết quả xếp hạng chỉ để tham khảo với ý nghĩa hoàn toàn tương đối. Thử nghĩ xem, xếp hạng có ích gì nếu người ta chỉ tin những kết quả không gây tranh cãi, chẳng hạn như Harvard là trường đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới. Những kết quả gây ngạc nhiên như vị trí của ĐHQG-HCM cao hơn ĐH Stanford trên bảng xếp hạng 4icu năm 2009 thì liệu sẽ có mấy người tin?
-
Vũ Thị Phương Anh (ĐHQG TP.HCM)
**********************
Các chú thích trong bài: