- Hai thủ khoa cùng học một lớp đối với Trường THPT Minh Khai (Đức Thọ, Hà Tĩnh), với làng khoa bảng Tùng Ảnh đây không phải là chuyện lạ. Nhưng đi đâu, gặp ai, hai học sinh thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội Thái Quỳnh Trang với Trần Đình Anh cũng được tự hào. Câu chuyện từ những "du kích" trường làng này đã gợi ý suy ngẫm về cách dạy, cách học thế nào thiết thực và hiệu quả.

Cặp bài trùng


Hai HS thủ khoa chụp ảnh với BGH và thầy chủ nhiệm dưới tượng Nguyễn Thị Minh Khai (tại trường. Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh đã tặng mỗi thủ khoa 5 triệu đồng.
Thái Quỳnh Trang và Trần Đình Anh làm “một cặp bài trùng”. Cùng năm sinh (1993), cùng quê, cùng lớp, cùng trường (lớp 12A1).
Trong kỳ thi ĐH năm học 2010-2011, cả hai đều đăng ký dự thi hai trường: ĐH Ngoại thương (khối A),  ĐH Y khoa Hà Nội (khối B) và đều có kết quả thi khối A đạt 28 điểm; khối B đều đạt 29,5; đồng thủ khoa ĐH Y Hà Nội.

Đối với Trường THPT Minh Khai, HS đậu thủ khoa không phải là lần đầu. Năm học 2009-2010, Trần Trọng Biên từng đứng ngôi đầu Trường ĐH Dược Hà Nội với số điểm 29,5.

Trong thời gian học phổ thông, cả hai phải đối mặt với những thách thức về hoàn cảnh khó khăn của gia đình.

Mẹ Trang mất khi em đang học lớp 9. Thế là 4 năm nay, bố con Trang vừa chăm bà nội đã già yếu, vừa tự chăm nhau.

Những việc  chợ búa, cơm nước, áo quần nội trợ, khi mẹ còn sống mẹ đỡ đần, thì bây giờ bố con Trang tự lo từ nắm chè, bó rau, cân gạo, mớ thịt, củi lửa, áo quần cho đến trăm thứ việc không tên khác.

Bà nội và bố thương Trang mồ côi mẹ nên dành tình thương săn sóc, tạo điều kiện cho Trang học.

“Nhưng em không thể để bố phải lủi thủi vào bếp, đi chợ suốt như vậy. Bố dạy ở trường rồi còn lo bồi dưỡng ôn thi cho các bạn nữa, nên mệt lắm. Ở trường, bố là thầy giáo chủ nhiệm. Nên với em, bố vừa là bố vừa là thầy. Nhiều lúc, em thấy tủi thân và thương bố. Cho nên, tranh thủ em ra chợ, khi thì nấu bát canh rau vặt, khi thì luộc mớ rau, kho con tôm, con cá, khi thì giặt quần áo, phơi phong và xếp vào tủ cho bố. Đã 4 năm từ khi mẹ mất, quần áo em tự mua. Mua quần áo cho bố thì bố không cho. Bố chẳng mua cho mình bộ quần áo nào. Muốn uống nước chè xanh, bố tự hãm. Nhiều đêm, thấy bố ngồi uống nước trầm ngâm một mình, rồi thắp hương cho mẹ, em cứ nước mắt chảy xuống sách. Nhưng rồi, em cắn răng. Vì mẹ mong em học giỏi, thi đậu để mẹ mừng. Mỗi khi mệt mỏi là mẹ hiện về an ủi, động viên. Sau khi biết kết quả em thắp hương báo cho mẹ biết. Chắc mẹ em rất vui” - Sụt sùi, Trang kể.
 
Còn Đình Anh sinh ra trong một gia đình lao động, bố làm nghề chữa xe đạp. Mẹ bán hàng tạp hóa. Chữa xe đạp và bán hàng ở một góc làng quê lời lãi chẳng bao nhiêu, chủ yếu lấy công làm lời để nuôi ba con ăn học.

“Thường thì buổi chiều từ 16h30, em bán hàng thay mẹ để mẹ lo cơm nước cho cả nhà. Lúc khách đến thì em bán hàng, lúc không có khách thì em lấy sách ra học. Có khi chăm chú vào giải bài quên khách hỏi mua hàng. Nhưng khi hiểu ra, người ta cũng thông cảm” - Anh vô tư kể.

“Thì thủ khoa tại đất học Hà Tĩnh năm học này con em nhà nghèo, dân lao động  cả. Em Đậu Thị Thu ở xã Đức Thịnh, học sinh Trường THPT Hồng Linh, thủ khoa ĐH Y khoa Hà Nội, á khoa ĐH Dược Hà Nội; con ông Đậu Xuân Hiền và bà Bùi Thị Thược chủ lò kẹo cu đơ Nguyệt Thu. Em Trần Đình Anh con nhà chữa xe đạp v.v… Trong lúc Trường năng khiếu  là một dạng Quốc Tử Giám của tỉnh được đầu tư, còn trường làng các “du kích” lại lập công. Thế mới là điều đáng suy ngẫm” - Thầy Trần Đình Trợ, Trường THPT Hương Sơn nhấn mạnh.

“Núi cao bởi có đất bồi”

Theo thầy Thái Công Anh (giáo viên dạy Toán kiêm Chủ nhiệm lớp 12A1) thì lớp 12A1 có 2 em đậu thủ khoa ĐH là kết quả hoàn toàn xứng đáng.

Lớp 12A1 có 48 HS, đến thời điểm hiện nay, 100% HS đậu ĐH; trong đó, có 7 lượt em đạt 27 điểm trở lên, 25 điểm trở lên có 15 lượt em và 24 điểm có 24 lượt em.

“Sở dĩ, đạt được kết quả như vậy có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, thầy giáo quan trọng không chỉ ở dạy mà quan trọng nhất là thổi vào các em khát khao chiếm lĩnh tri thức. Mặt khác, thay vì nhồi nhét kiến thức, thầy giáo phải dạy tinh giản, dễ hiểu, truyền cho các em được phương pháp. Thứ 2, học sinh không chỉ chăm chắm học như mọt sách mà có giờ học, giờ chơi, giờ lao động giúp đỡ gia đình và rèn luyện sức khỏe. Thú 3 là giáo viên chủ nhiệm biết tổ chức lớp thành một tập thể thi đua, khát vọng vươn lên chiếm đỉnh cao trí thức. Tập thể đó thương yêu, trân trọng và tôn vinh những giá trị của trí tuệ”. Thầy Thái Công Anh- Chủ nhiệm lớp 12A1 nói.

Được biết, lớp 12A1 của Trường THPT Minh Khai là lớp tập trung HS có nguyện vọng ôn thi khối A, B. Nhưng HS lớp 12A1 được giáo dục toàn diện.
 Nhiều HS của lớp thi đậu ĐH khối A, B, nhưng lại đạt học sinh giỏi tỉnh các môn không thi ĐH.

Đó là trường hợp Lê Thị Hoài Thương (Bí thư chi đoàn), đậu Học viện Tài chính 23 điểm và còn đoạt giải học sinh giỏi môn Ngữ văn trong kỳ thi HSG tỉnh năm học 2010-2011.

Em Trần Tiến Chung đậu ĐH Thủy lợi giật giải nhì thi bóng bàn toàn tỉnh.

Em Nguyễn Trường Chinh đậu Trường ĐH Kinh tế quốc dân với 23 điểm,  giải ba cờ vua tỉnh Hà Tĩnh tổ chức năm 2011.

Em Trần Minh Đức, giải cầu lông, đậu ĐH CĐ với số điểm 19.

Lớp 12A1 là tập thể có phông trào văn nghệ, thể dục, thể thao sôi nổi. Các em HS không học lệch, học tủ, mà học các môn, quan tâm đến những vấn đề xã hội, đặc biệt là nhà trường chú ý  rèn luyện kỹ năng sống.

Thầy Nguyễn Ngọc Hoan, Hiệu trưởng nhà trường lý giải: “Vấn đề trọng tâm là ông thầy. Chúng tôi đã làm tốt việc chuyển giao thế hệ. Khi những giáo viên giỏi hoặc chuyển công tác, hoặc về hưu như thầy Nguyễn Trí Hiệp (Toán), thầy Đàn (Sinh vật), cô Bát (Hóa), thầy Quy (Lịch sử), nhà trường đã kịp thời bồi dưỡng một đội ngũ kế cận để thay thế. Trong bồi dưỡng thì tự bồi dưỡng là quan trọng nhất. Sức mạnh của trường chúng tôi là sức mạnh tập thể. Trong kết quả đạt được có công của tất cả mọi thành viên từ bác đánh trống, bảo vệ, cô văn thư, thiết bị, cho đến thầy cô giáo giảng dạy”.

Từ trong phong trào chung của trường, từ đất học Tùng Ảnh, những ngọn núi nổi lên trên “mặt đất ấy” là điều dễ hiểu.

  • Lê Văn Vỵ