Hình thức đào tạo tín chỉ với các thang điểm đánh giá kết quả học tập (hệ 4, hệ 10 và hệ chữ) được nhiều trường ĐH áp dụng. Đây là hệ thống thang điểm khoa học và được đánh giá là rất có lợi cho sinh viên nhưng cũng gây cho họ không ít phiền toái khi “gõ cửa” các nhà tuyển dụng.

Lợi thì có lợi…
Những năm gần đây, nhiều trường ĐH trong cả nước đang áp dụng hình thức đào tạo theo "tín chỉ", thay dần cho đào tạo theo "niên chế".

Thang điểm hệ 4
với những nguyên tắc quy đổi từ hệ 10 mang lại nhiều thuận lợi cho sinh viên trong quá trình học tập.

Sinh viên chỉ cần đạt điểm học phần 8,5 (thang điểm 10) khi quy đổi sang thang điểm 4 sẽ là điểm A = 4 (điểm cao nhất của thang điểm 4).

Sinh viên đạt điểm học phần từ 4,0-4,9 (thang điểm 10) là điểm không đạt đối với học chế niên chế. Nhưng trong học chế tín chỉ, khi quy đổi sang thang điểm 4 là điểm D=1 lại là điểm đạt. SV có thể không cần học lại học phần này hoặc học lại để cải thiện điểm đều được.

Trong đào tạo theo niên chế - học phần, sinh viên muốn có kết quả học tập xếp loại Khá thì phải đạt điểm trung bình chung của tất cả các học phần tối thiểu là 7,0, trong khi đào tạo theo hệ thống tín chỉ, chỉ cần một nửa số tín chỉ tích lũy có điểm học phần 7,0 và nửa số còn lại có điểm học phần 5,5 là được.

Hà Giang, sinh viên khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho biết: “ Vì thang điểm nhiều mức nên đôi khi mình được lợi nhiều hơn. Điểm tổng kết cuối kì của một số bạn lớp mình được 8,4/10 còn mình được 7,0. Tuy chênh nhau những 1,4 điểm, nhưng cả hai đều cùng xếp hạng B dù sức học của mình kém hơn một chút".

Thêm vào đó, đánh giá học phần trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ là đánh giá quá trình với điểm thi học phần, có thể chỉ chiếm tỷ trọng 50% tỷ trọng điểm học phần. Điều này khiến sinh viên phải học tập, kiểm tra, thực hành, thí nghiệm trong suốt học kỳ chứ không phải trông chờ vào kết quả của một kỳ thi đầy may rủi, nhưng có nhiều cơ hội không học mà có thể đạt.

Vì thế, điểm học phần không đạt phải học lại để đánh giá tất cả điểm bộ phận và thi lại, chứ không thể đơn thuần tổ chức thi kết thúc học phần thêm lần hai. Và việc đào tạo này nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên có cơ hội học cải thiện điểm và học lại những học phần chưa đạt.

Quốc Hưng (sinh viên ĐH Kiến trúc, Hà Nội) chia sẻ: “Mình thi đầu vào khối A, lại học kỹ thuật nên rất kém các môn đại cương liên quan đến lý luận. Kết quả thi các môn như : Triết học, Chủ nghĩa xã hội… đều thấp lè tè, nhưng may theo chương trình đào tạo tín chỉ được học cải thiện điểm nên điểm tổng kết cuối kì của mình không bị kéo xuống”.

Với thang điểm chữ nhiều mức, sinh viên được hưởng lợi nhiều hơn. Bên cạnh việc phân loại khách quan lực học của sinh viên, thang điểm này còn “cứu” được nhiều sinh viên khỏi nguy cơ bị buộc thôi học hoặc không được công nhận tốt nghiệp.

…Nhưng không có nghề

Bên cạnh  những lợi ích mang lại thì chuyện bảng điểm, thang điểm hệ 4 khiến không ít sinh viên khi ra trường khi thi tuyển công chức phải khốn đốn.

Trong khi sinh viên tốt nghiệp tại các trường ĐH có hình thức đào tạo tín chỉ đều được cấp bằng với bảng điểm chữ (A, B, C, D, E, F) thì các cơ quan, công ty tuyển dụng lại yêu cầu phải có bảng điểm số (thang điểm 10) thì mới được xét duyệt hồ sơ thi tuyển.

Cầm bảng điểm chữ trong tay đi xin việc, nhiều sinh viên rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” và loay hoay không biết nên kêu ai. Khi tới trường, trường không giải quyết, trình bày với nhà tuyển dụng thì chẳng ai hay.

Chị Phương Huyền (Cẩm Phả, Quảng Ninh) vừa tốt nghiệp một trường ĐH năm ngoái, khi nộp hồ sơ xin việc ở ba công ty đều bị loại đầu tiên với lí do: “Chúng tôi không chấp nhận bảng điểm chữ…!”.

Chị đã “chạy đôn chạy đáo” tới các phòng, ban của trường để xin chuyển sang bảng điểm số nhưng đều nhận được câu trả lời đã làm đúng theo quy định.

Chị Huyền bức xúc: “Quá thất vọng, tôi không còn muốn làm bất cứ điều gì nữa, bởi đã thử hết cách và đi xin xỏ khắp nơi rồi, kết quả chỉ nhận được những cái lắc đầu lạnh lùng, chẳng lẽ  nhận tấm bằng ĐH về để chịu cảnh thất nghiệp với lí do hết sức vô lý” (?).

Anh Nguyễn Duy Tân ( Phủ Lý, Hà Nam) cũng cùng cảnh ngộ khốn đốn đó, khi nộp hồ sơ tuyển công chức thì bị trả lại một cách thẳng thừng chỉ vì bảng điểm chữ. Theo anh Tân, hầu hết các Sở Nội vụ các tỉnh đều theo quy định không nhận bảng điểm chữ. Còn các trường ĐH cũng khăng khăng không giải quyết việc chuyển điểm (từ bảng chữ : A, B, C, D, E, F sang bảng điểm số) vì họ cũng làm đúng “luật” theo chương trình đào tạo tín chỉ.

“Tôi đã phải chầu trực bao nhiêu lần ở trường ĐH để xin giải quyết nhưng tất cả đều vô ích. Chẳng lẽ, học hết 5 năm đại học để rồi mang bằng tốt nghiệp về cất ở tủ? Vì chẳng có cách nào với vấn đề nan giải này.”- Anh Tân ngao ngán.

Đây không phải chuyện của riêng chị Phương Huyền hay anh Tân mà rất nhiều người đang chịu cảnh thất nghiệp vì “bất lực” với bảng điểm A, B, C, D.

Chia sẻ trên các diễn đàn, hay trang mạng xã hội, nhiều người bày tỏ: "Có trường vẫn theo niên chế như trường luật hay nhân văn thì có hai bảng điểm đi kèm. Có đứa thì đi xin không biết có được không? Nói chung là chán lắm!".

Trước “nỗi đau không của riêng ai” này, nhiều trường ĐH đã “cơi nới” để “cứu” sinh viên bằng cách cấp hai bảng điểm song song (cả bảng điểm chữ và bảng điểm số) như một số trường thuộc ĐHQG Hà Nội. Tuy nhiên, đa phần các trường vẫn “nói không” với việc giải quyết chuyển điểm, bởi không muốn tạo tiền lệ. Điều đáng nói ở đây là sự tiếp nhận ở các cơ quan tuyển dụng khi chưa theo kịp những thay đổi ở giảng đường.

  • Thu Thảo