"Em cũng nhất trí là trong việc dạy dỗ một đứa trẻ thì mọi thành viên trong gia đình phải nhất quán. Tuy nhiên, đứa trẻ là sản phẩm chung nên không thể nào chỉ một mình mẹ nó áp đặt lối giáo dục lên con mà được" - Câu chuyện dâu Tây  dạy con đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các bà mẹ Việt Nam.

 

Dâu Tây dạy con, mẹ chồng đại khai nhãn giới

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Ảnh: Lê Anh Dũng

Khắc nghiệt quá!

 

 

 

 

 

 

 

 Phụ huynh có nickname (tên hiệu) Ngang phân tích: "Nhiều lúc, sự hờn dỗi không ăn của con lại có thể ẩn chứa một vấn đề khác, nếu người mẹ phạt không cho con ăn bữa đó, sau đó tìm hiểu và giúp con bày tỏ được vì sao thì sẽ có thể giúp được con nhiều hơn.

Lấy bạo lực trả lại bạo lực là cái cách nhiều lúc đẩy con người đến kiểu ăn miếng trả miếng, nếu là mình, mình sẽ dành thời gian cho mấy đứa trẻ bày tỏ cảm xúc của chúng, xin lỗi nhau và giải thích cho chúng hiểu tại sao không nên đánh nhau".


Đặc biệt, phụ huynh Ngang đặt ra một câu hỏi không dễ trả lời: "Chuyện bà nội thằng bé nhìn thấy bé yêu thương mẹ và quý trọng mẹ cũng cần đặt câu hỏi: liệu tình yêu đó có thật không? Và liệu nó sẽ tồn tại được bao lâu?".

Mẹ Ngang cho rằng, nhiều khi, đứa trẻ biết mình phụ thuộc vào mẹ rất nhiều. Nhiều trẻ rất ghét, rất tức cách ứng xử của cha mẹ nhưng không bao giờ dám nói ra hoặc đợi đến lúc lớn mới phản ứng.


Tuy nhiên, một phụ huynh khác lại lập luận: "Phải giúp con hiểu được gốc rễ của điều nó đã làm, cho nó hiểu rằng, bản thân mình sẽ cảm thấy thế nào nếu bị đối xử như thế (ăn miếng trả miếng), và học chịu trách nhiệm trước những việc mình gây ra (lau sàn và giặt đồ). Có thể rất nghiêm khắc nhưng Susan dạy con với tấm lòng nhân ái chứ không hùng hổ áp đặt. Vì vậy, bé yêu kính mẹ bởi nó cảm nhận được điều đó".


Một bà mẹ nghi ngờ hiệu quả của những việc làm mà cô dây Tây Susan dạy con trai: " Dạy trẻ con khó nhất là dạy tấm lòng nhân, cư xử hài hoà, nhân bản với chính nó và những người xung quanh. Sự khắc nghiệt có thể rèn luyện một đứa trẻ tính độc lập nhưng liệu có phải ta chỉ cần dạy trẻ con tính độc lập?".

Thậm chí có ý kiến của  phụ huynh có nickname Tienty lo ngại: "Phương pháp này hay nhưng cũng đồng thời khiến đứa trẻ rất sòng phẳng ngay cả với bố mẹ, người thân."


Nhưng bà mẹ có nickname Yeucunlam tranh luận lại: "Cái từ mà bạn dùng là "sòng phẳng" mình nghĩ nên đổi lại là "tự lập" thì đúng hơn. Các ông bố bà mẹ đều cho rằng con cái là của mình và đối xử như một dạng sở hữu hơn là tôn trọng như một con người có cảm xúc. Đứa trẻ được trải nghiệm từ nhỏ, mọi vui buồn, cô đơn, sung sướng đều được trải qua.


Một thành viên khác chia sẻ từ câu chuyện bạn trai người Canada được mẹ dạy bơi từ lúc 2 tuổi: mang đến bể bơi và đẩy xuống nước. Thằng cu bất ngờ và sợ hãi, khua khoắng tay chân ầm ĩ trong bể bơi, lóp ngóp, uống vài ngụm nước xong được mẹ vớt lên. Lên bờ, chưa kịp hoàn hồn thì được mẹ ném xuống nước lần nữa. Lớn lên, cậu rất thích bơi và bơi giỏi.


Qua nhiều ý kiến, những việc làm của người con dâu Tây như ăn miếng trả miếng, nhốt con vào phòng trữ đồ, con không ăn thì cho con nhịn... làm cho bố mẹ Việt tranh luận nhiều nhất. Nhưng hầu hết, cách dạy con thông qua những việc làm này của người mẹ Tây khiến phụ huynh phản đối nhiều hơn đồng tình.


Không đủ dũng cảm để dạy con


Thành viên có nickname Kawaimk chia sẻ: "Đọc bài này mới thấy là chính mình làm con mình hư". Nhưng chị nói mình không đủ can đảm bỏ đói con hay ngồi ăn ngon lành trong khi con đói meo và muốn ăn. Có lần, chị cũng trả miếng, bị con cắn, cắn lại cho con biết nhưng không đủ can đảm cắn thật đau nên con vẫn lì.

Thành viên Meincon cùng chung tâm sự:  "Mình cũng muốn cho thằng nhóc nhịn ăn thử, nhưng chắc không đủ dũng khí, bởi con vốn còi, cứ giờ ăn là nịnh đủ đường để nó ăn. Nhiều lúc, nghĩ mình sai nhưng lại không dám sửa, mà lại cũng sợ bị ông bà kêu".

Tâm lý xót con là rào cản rất lớn nên nhiều bố mẹ đành "quy hàng" khi đối diện với những khó khăn khi dạy con về những kỹ năng đơn giản và nhất là rèn luyện cho con sự tự lập.


Nhưng có những ông bố, bà mẹ đã dạy con như cô dâu Tây Susan và kết quả khá mĩ mãn, mặc dù đứa trẻ không được khoẻ mạnh bình thường.

Như lời bà mẹ có nickname Utongtre tâm sự: "Con mình sinh ra khi mới được 28 tuần, nặng 1,2 kg, chăm cực lắm. Bé lại bị bong võng mạc do sinh non, gần như bị mù  nhưng mình vẫn áp dụng cách dạy con như thế. Bé vận động yếu nhưng khả năng tự phục vụ thì tốt. Nay được gần một tuổi, đã biết ra hiệu khi muốn đi "hái hoa", tự cầm muỗng uống nước được, tự ăn bánh, uống thuốc rất dễ, thuốc đắng gì cũng không nhăn mặt, bị phạt đòn nên giờ chỉ cần vỗ nhẹ vào mông là con bé biết mình sai, sửa ngay".


Một bà mẹ khác cũng đã "mầm mống" dạy con như thế và bây giờ chị đang khá hài lòng vì các con đã biết tự lập được chút ít. Chị vẫn còn phải làm nhiều nên đang cố gắng dạy con tự lập hơn nữa để mẹ nhàn hơn!


Tây hay ta cũng cần phải lựa chọn

Một thành viên cho biết, không phải người phương Tây nào cũng nuôi dạy con như người con dâu Susan. Chị kể: "Chồng mình là Tây,  ngày xưa được bố mẹ để cho tự do nhiều quá nhưng anh ấy cho là như thế không tốt lắm. Thế nên bây giờ anh ấy nói phải kèm cặp thằng con đến nơi đến chốn".


Mẹ Ngang, người có ý kiến được khá nhiều bà mẹ trên diễn đàn webtretho đồng tình, viết: "Chuyện phân chia giáo dục tây ta mình thấy cũng cần tương đối hóa đi, chẳng có gì là hay tuyệt đối, cũng không có gì là dở tuyệt đối. Mà người ở Tây cũng có người nọ người kia, người theo trường phái khắc nghiệt, cứng rắn, người theo trường phái mềm mại, cái đích cần đến là gì thì cha mẹ nên xác định cho rõ và thêm nữa, cũng còn phụ thuộc rất nhiều vào cá tính của từng đứa trẻ nữa".

Nguyễn Hường (tổng hợp)