- "Giảm tải, quá tải, cần lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH"..,những vấn đề không mới lại xuất hiện nhiều trên báo chí  gần đây, cho dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT  khẳng định phải có lộ trình, không thể nóng vội.


Ảnh Lê Anh Dũng

Đổi mới thi bằng "2 trong 1"

Muốn tìm được một giải pháp đổi mới căn cơ thì phải giải quyết một số vấn đề quan trọng về lý thuyết và thực tiễn - TS Lê Vinh Quốc đề xuất.

Ông lý giải, muốn thay thế thi tuyển sinh ĐH “bốn khối - ba chung” bằng một giải pháp khác thì phải vạch rõ kỳ thi này bất hợp lý và bất cập ở chỗ nào để tìm đúng giải pháp thay thế. Thi ĐH với bốn khối kiến thức A-B-C-D chỉ là một giải pháp tình thế thay cho việc phân ban ở trường phổ thông nhưng là một sự phân ban không hợp lý.

Cần đổi mới tư duy về quản lý để xem xét vấn đề tuyển sinh và đào tạo ĐH theo cơ chế thị trường. Việc tổ chức kỳ thi ĐH “bốn khối - ba chung” chính là hệ quả của lối tư duy theo cơ chế quan liêu bao cấp, với quan điểm cho rằng tất cả các trường ĐH trong nước đều phải có một trình độ đầu vào thí sinh ngang nhau, để đào tạo giống nhau và cấp bằng tốt nghiệp có giá trị như nhau ở đầu ra giữa các trường.

Việc đổi mới tuyển sinh ĐH cần đi theo một lộ trình hợp lý như sau: xây dựng lại chương trình giáo dục phổ thông phân ban theo định hướng nghề nghiệp, đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình này (thi tất cả các môn nhưng phân biệt các ban bằng hệ số điểm và thời lượng môn thi, đồng thời áp dụng những biện pháp hữu hiệu để đảm bảo kết quả thực chất).

Tiếp đó dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT làm tiêu chuẩn tuyển sinh ĐH; bãi bỏ kỳ thi quốc gia tuyển sinh ĐH, trao quyền tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ hay trung cấp tự quyết định (dùng ngay bằng tốt nghiệp THPT và bảng điểm để tuyển, hay cho kiểm tra lại kiến thức phổ thông, trắc nghiệm thêm về khả năng học ĐH hoặc cho thi thêm một số môn năng khiếu...). Để việc đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới tuyển sinh ĐH nói riêng có kết quả và hiệu lực bền vững, mỗi bước đi trên lộ trình này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học và áp dụng một cách thận trọng.

Nhiều ý kiến khác cho rằng nên trả quyền “tự chủ tuyển sinh” về cho các trường ĐH, CĐ vì mỗi trường, tùy theo ngành nghề đào tạo có những yêu cầu tuyển sinh khác nhau. Tuy nhiên, dù học sinh có thi vào trường ĐH hay CĐ đào tạo nghề chuyên sâu theo hướng nào đi chăng nữa thì nền tảng kiến thức để các trường ra đề thi vẫn là chương trình học phổ thông.

Nếu để các trường ĐH, CĐ tự tổ chức thi tuyển, tự ra đề thi thì sẽ quay trở lại tình trạng trường nào cũng có lớp, có trung tâm luyện thi, giáo viên vừa ra đề vừa luyện thi. Như vậy có đảm bảo sự công bằng cho các em học sinh không có điều kiện tham gia các lớp học luyện thi?

Lại có ý kiến cho rằng nên thực hiện một kỳ thi sơ tuyển rồi sau đó để cho các trường tự tổ chức thi tuyển. Như vậy không những không giảm nhẹ việc thi cử cho học sinh mà còn tăng áp lực lên gấp đôi, vì học sinh phải chuẩn bị không chỉ một mà tới hai kỳ thi đại học.

Trong hoàn cảnh và điều kiện giáo dục ở nước ta hiện nay, tôi hoàn toàn ủng hộ phương án thi "3 chung" và "1 riêng" - TS Dương Đức Hưng (Học viện Chính trị - hành chính quốc gia HCM) nói trên báo Tuổi trẻ.

Với kỳ thi kết hợp “2 trong 1” bằng hình thức thi trắc nghiệm gọn nhẹ và việc tuyển sinh “mở” này, chúng ta sẽ khắc phục được nhiều vấn đề bất cập trong giáo dục thời gian qua: việc học tủ, học lệch của học sinh trong thi tốt nghiệp, việc chấm thi không chính xác, công bằng ở các hội đồng thi khác nhau, việc tuyển chọn học sinh theo các khối A, B, C, D… cứng nhắc, không phù hợp với yêu cầu đào tạo của các trường, tổ chức hai kỳ thi cồng kềnh tốn kém…

Giải bài toán thiếu thầy?

Hôm nay (15/8), học sinh trên cả nước bắt đầu tựu trường. Thế nhưng, dù ngành đã có chủ trương tuyển mới giáo viên để bổ khuyết cho nhưng môn học, trường/ lớp còn thiếu giáo viên.

Thế nhưng, mới đây nhiều quận, huyện khu vực TP.HCM công khai thông tin " đến đầu tháng 8/2011, mới chỉ tuyển được khoảng 50% số lượng giáo viên (GV) theo yêu cầu. Cụ thể, số liệu của Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cho hay, trong năm học 2011-2012, quận xin bổ sung 42 GV mầm non thì chỉ mới nhận được có 27 người; tiểu học thiếu 150 GV thì chỉ mới bổ sung 67 người.

Thiếu trầm trọng nguồn GV là thực trạng chung của nhiều quận ngoại thành và những quận nội thành nghèo. Báo Thanh niên dẫn lời cô Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5, lo lắng: “Mặc dù là quận nội thành nhưng Q.5 cũng không tránh khỏi việc thiếu hụt GV. Chuẩn bị cho năm học mới, quận thiếu đến 12 GV mầm non. Ở cấp tiểu học thì thiếu trầm trọng GV giảng dạy các bộ môn năng khiếu”.

Tương tự, trong năm học 2011-2012, các trường Q.4 cần tuyển đến 104 GV nhưng hiện giờ, số lượng GV quận tuyển được mới chỉ có 54 người. Trong đó, số lượng GV mầm non chỉ mới đạt một nửa so với yêu cầu. Cả Q.4 chỉ có hai trường tiểu học có GV thể dục. Khối THCS thì chỉ tuyển được ½ số GV Toán cần bổ sung.

Tuyển được GV đã khó, nhưng cô Cao Thị Tuyết Mai, Phó phòng GD-ĐT Q.4, cho biết: “Không dám chắc số GV mới tuyển có gắn bó lâu dài với trường trong quận không nên khả năng sẽ còn thiếu GV nữa”.

Nói về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: năm nào số lượng hồ sơ nộp dự tuyển GV cũng nhiều hơn số chỉ tiêu. Nhưng GV của các trường luôn thiếu. Đây chỉ là thiếu cục bộ, rơi vào thiếu GV mầm non và ở các quận ngoại thành, quận nghèo của TP.

“GV mầm non tập trung ở nội thành, khi được phân công ra ngoại thành thì sẵn sàng bỏ quyết định, "chạy" ra làm ở các trường dân lập, tư thục”, Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh nhìn nhận.

"Đời sống của GV còn chưa ổn định, còn chênh lệnh thu nhập giữa các nơi thì GV còn phân vân lựa chọn địa bàn để làm việc. Vì vậy, với các quận khó khăn thì tuyển GV rất khó", cô Cao Thị Tuyết Mai, Phó phòng GD-ĐT Q.4 nói.

Năm học 2011-2012, toàn TP.HCM cần bổ sung 4.905 GV cho tất cả các cấp học. Sở GD-ĐT TP.HCM đã hoàn thành đợt 1 tuyển GV nhưng các trường thì vẫn thiếu người mặc dù ngày nhập học đã cận kề.

Giảm tải?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: "Giảm tải trong năm học này...." Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: "Giải quyết quá tải mầm non cần góp sức..."


Thứ trướng Nguyễn Vinh Hiển
Năm học này sẽ là năm học đầu tiên ngành GD-ĐT tập trung đề xuất chủ trương, kế hoạch và giải pháp để xây dựng chương trình hành động hướng tới việc đổi mới căn bản, toàn diện theo nhu cầu phát triển của xã hội.

Ở bậc mầm non sẽ tiếp tục triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đồng thời duy trì và phát triển giáo dục mầm non ở các độ tuổi thấp hơn theo nhu cầu và điều kiện của các địa phương.

Để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trong năm học mới, Bộ vẫn xác định nhiệm vụ quan trọng là đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, rèn luyện năng lực tự học của học sinh dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng; điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải, tăng cường giáo dục kỹ năng sống phù hợp mục tiêu giáo dục; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.

Trong năm học tới, Bộ chỉ đạo các nhóm (bao gồm tác giả chương trình, tác giả SGK, giáo viên cốt cán, chuyên viên chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục rà soát nội dung dạy học ở các trường phổ thông, tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng từ các nguồn thông tin, biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải phù hợp với mục tiêu dạy học, triển khai thực hiện từ năm học 2011-2012.

Việc điều chỉnh như vậy nhằm làm cho nội dung dạy học phù hợp hơn, sửa chữa những sai sót nhưng vẫn đảm bảo tính hệ thống của chương trình giáo dục phổ thông, chứ không phải cắt bỏ nội dung dạy học một cách cơ học. Trên thực tế, học sinh bị quá tải là do rất nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ do kiến thức trong SGK nặng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nội dung như trên cũng có thể xem là một giải pháp nhằm giảm tải cho học sinh và giáo viên.

Năm học này Bộ chỉ đạo các địa phương và các cơ sở giáo dục, tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình: đưa ra các câu hỏi, bài tập hợp lý, phù hợp với từng đối tượng, tập trung vào trọng tâm, tránh nặng nề quá tải; bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, tránh ghi nhớ máy móc không nắm vững bản chất.

Để khắc phục các hạn chế, thiếu sót của kỳ thi năm học vừa qua, năm tới sẽ tăng cường trách nhiệm của lực lượng coi thi, chấm thi; giao quyền chủ động nhiều hơn cho các sở GD-ĐT trong việc lựa chọn các phương án tổ chức thi phù hợp với yêu cầu nghiêm túc và điều kiện của địa phương, đồng thời với tăng cường hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra; đảm bảo kịp thời và thông suốt các thông tin và giải pháp trong suốt quá trình thi...


Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay toàn quốc có 12.976 trường mầm non (MN), trong đó có 9.742 trường MN công lập, chiếm tỷ lệ hơn 75%, số lượng trẻ đến trường ngày càng tăng theo các năm. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo đi học đạt 82,5%, trong đó mẫu giáo 5 tuổi là 98,6% . Tuy nhiên, ở một vài thành phố lớn và đặc biệt là thủ đô Hà Nội tình trạng quá tải ở các trường MN công lập vẫn còn tồn tại, nếu chỉ riêng ngành giáo dục và đào tạo thì không thể nào khắc phục nổi.

Nguyên nhân của tình trạng trên là dân số cơ học tăng nhanh ở các thành phố lớn do số dân nhâp cư ngày càng đông nhưng công tác dự báo về dân số trẻ em phục vụ cho việc mở rộng và phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp còn hạn chế. Nhiều dự án khu đô thị, nhà cao tầng được cấp đất xây dựng, đã và đang đưa vào sử dụng nhưng chưa dành quỹ đất để xây dựng trường, lớp MN.

Chẳng hạn, ở Hà Nội hiện có tới 25 khu đô thị và phường thành lập mới nhưng chỉ có 13 khu xây trường MN (trong đó có 4 trường công lập, 9 trường ngoài công lập), như vậy còn 12 khu đô thị chưa có trường MN và 21 khu đô thị chưa có trường MN công lập (theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội). Mặt khác, sự chênh lệch quá lớn về học phí, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất giữa trường MN công và tư cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải cho các trường công lập.

Để giải quyết tình trạng quá tải ở các trường MN công lập đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự chung tay góp sức của các tổ chức, ban ngành, đoàn thể ở địa phương, có cơ chế chính sách phát triển giáo dục MN một cách hợp lí, trước hết là phát triển mạng lưới quy mô trường, lớp mầm non phải gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng mới các trường MN công lập ở các khu dân cư mới...

Hiện nay, nhiều tỉnh và thành phố đã tổ chức hội thảo về mô hình trường mầm non chất lượng cao, trên cơ sở đó tìm ra hướng phát triển phù hợp với nhu cầu của xã hội và quy định của pháp luật. Đây là mô hình tốt nhằm đáp ứng nhu cầu chất lượng chăm sóc, gáo dục trẻ ngày càng cao của phụ huynh. Mức học phí sẽ tương xứng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chất lượng dịch vụ chăm sóc, giáo dục trẻ.

Bộ đã chỉ đạo việc triển khai Đề án Phổ cập GDMN 5 tuổi không được nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, không vì phổ cập mà thiếu quan tâm tới trẻ dưới 5 tuổi. Nội dung Đề án đã nêu rất rõ: “Hàng năm, huy động hầu hết trẻ em năm tuổi đến lớp mầm non để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, duy trì và giữ vững số trẻ em dưới năm tuổi đến các cơ sở giáo dục mầm non dưới nhiều hình thức”. Các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế địa phương xác định lộ trình phổ cập phù hợp nhằm duy trì sự ổn định và phát triển giáo dục mầm non một cách vững chắc.



Bỏ thi cụm, chấm chéo?

Báo Sài gòn Giải phóng dẫn lời Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, bắt đầu từ năm học 2011 - 2012 tới, Bộ GD-ĐT quyết định sẽ thay đổi cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, từ năm tới sẽ không tiếp tục áp dụng hình thức thi theo cụm, chấm đổi chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục là một kỳ thi quốc gia ít nhất là đến năm 2015. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các địa phương. Mục đích là kỳ thi vẫn đảm bảo tính khách quan, kết quả trung thực.

Theo bộ trưởng, sau khi cuộc vận động “Hai không” đã có hiệu quả, chủ trương của bộ là sẽ không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng nặng nề, căng thẳng, tốn kém mà dần tiến tới coi kỳ thi như một cuộc kiểm tra cuối cấp bình thường.

Sau mấy năm tổ chức thi tốt nghiệp theo hình thức thi cụm, chấm chéo, dư luận đã rất bức xúc cho rằng thi như vậy là tốn kém, lãng phí không cần thiết.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị bộ nên bỏ kỳ thi này vì tỷ lệ đậu tốt nghiệp hàng năm đều trên 90%.

  • Nguyễn Hiền (tổng hợp)