- Triết lý giáo dục Việt Nam là vấn đề được thảo luận sôi nổi tại cuộc hội thảo do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức tại ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 19/8. Trong khuôn khổ một buổi sáng, hội thảo mới chạm tới phần khái niệm vốn bị coi là quá rộng lớn và có thể gây tranh luận trái chiều. 13 ý kiến phát biểu tại hội thảo đã được ban tổ chức ghi âm lại để nghiên cứu.

Triết lý giáo dục là vấn đề đã được đề cập tới từ hơn chục năm nay qua nhiều hội thảo, tuy nhiên, dưới con mắt của nhiều nhà giáo dục, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết một cách tận cùng, dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề mà nền giáo dục đang phải gánh chịu.


Toàn cảnh hội thảo triết lý giáo dục VN. (Ảnh: Thanh Tuyết)
Cải cách giáo dục càng đuối vì thiếu triết lý

Ông Nguyễn Chương Nhiếp đến từ Trường ĐHSP TP.HCM đặt vấn đề: Gần 40 năm cải cách giáo dục, không phải chúng ta không nỗ lực, không đầu tư đúng mức, nhưng càng cải cách, giáo dục càng đuối, càng lạc hậu so với nhu cầu thực tiễn.

"Chúng ta đã viết lại sách giáo khoa không biết bao nhiêu lần, cử các đoàn cán bộ quản lý đi học tập nước ngoài, mang tiền đi mua cả những bộ chương trình tiên tiến...Chúng ta nỗ lực đổi mới rất nhiều, tiền bạc không thiếu, quyết tâm có thừa, song hình như kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của Việt Nam hiện nay".

 Theo quan sát của ông Nhiếp, có vẻ như các nhà giáo dục đang lúng túng, chưa biết làm cách nào thoát ra khỏi tình trạng hiện nay.

Ông dẫn dụ: "Đúng là chúng ta đã và đang có triết lý giáo dục rồi, triết lý đó đã được cha ông ta xây dựng từ hàng ngàn năm nay và đã phát huy tác dụng của nó trong lịch sử. Tuy nhiên, triết lý đang có không còn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn xã hội của thế kỷ 21, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Triết lý ấy cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi Nho giáo và ý thức hệ phong kiến".

TS Nguyễn Thị Ngọc, Viện Nghiên cứu giáo dục thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đồng tình: Hiện nay, chỉ thấy các em học hành miệt mài còn các môn năng khiếu và thể thao thì cả phụ huynh và nhà trường không thấy tầm quan trọng của nó. Tôi rất khâm phục Singapore khi họ đưa môn giáo dục thể chất quan trọng như các môn thi quốc gia khác, điều đó cho thấy họ có một triết lý giáo dục rất cụ thể.

Hiện nay các biện pháp về giáo dục đều chắp vá, chẳng hạn đi kiểm tra thấy nhà vệ sinh trường học bẩn thì lập tức xây hàng loạt các nhà vệ sinh, cân cặp của học sinh thấy nặng thì giảm tải chương trình. Điều đó chứng tỏ ta thiếu một triết lý giáo dục.

Thế nào là triết lý giáo dục?


GS Thái Duy Tuyên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu: Ta có triết lý, nhưng mà giờ chỉ cần tổng kết lại. Dân tộc ta đã sản sinh ra nhiều thầy giáo giỏi như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm...nhưng những tác phẩm về triết học giáo dục có hệ thống chưa xuất hiện. Ông cha ta đã vận dụng triết học để giải quyết thành công các vấn đề thực tiễn nhưng chưa biên soạn được những tác phẩm lý luận lớn và có hệ thống. Vì thế, đó là việc mà giờ đây chúng ta phải làm.
Năm 2007, sau một hội thảo về triết lý giáo dục, nhà văn Nguyên Ngọc bình luận, nghe các đại biểu ngày đó nói, ông càng thấy rối. Ông viết trên Tuổi Trẻ: "Ít ra trong diễn đàn giáo dục do giáo sư Hoàng Tụy khởi xướng cách đây năm năm, vấn đề này đã được nói đến rất nghiêm túc, khá sâu sắc, và được coi là nguồn gốc của mọi sai lầm đang diễn ra trong nền giáo dục mà chúng ta đang bức xúc bàn thảo hiện nay."
Theo ông Nguyễn Chương Nhiếp, ĐHSP TP.HCM: Triết lý giáo dục là hệ thống những quan điểm chung nhất về bản chất và quy luật của giáo dục. Nó phải trả lời được các câu hỏi: bản chất của GD là gì, GD có đặc điểm cơ bản nào, mục đích, sứ mệnh của GD là gì, nhằm đào tạo ra con người như thế nào, động lực của GD là gì, GD chịu sự chi phối của các yếu tố nào, GD chịu được tác động của những quy luật nào.

"Không có triết lý GD chung cho mọi thời đại, mọi quốc gia. Theo tôi, triết lý GD VN hiện nay là: mục đích cải tạo con người VN khoẻ về thể chất, sáng về trí tuệ, độc lập về tư duy, giàu lòng nhân ái, đẹp về ước mơ, mạnh về ý chí, nghị lực, năng động, sáng tạo.

Ông Hồ Văn Liên, giảng viên môn lịch sử giáo dục VN và thế giới, ĐHSP TP.HCM cho biết:

Trước hết, phải xác định được con người hiện đại là như thế nào, thậm chí dự đoán được con người trong tương lai sẽ như thế nào. Con người có ba phần cần phải quan tâm: thể chất, tâm lý, xã hội. Giáo dục nhân cách phải quan tâm đến cả ba mặt này. Khi soi sáng vấn đề đó vào giáo dục, chúng ta thấy GD là sự hướng tới để chuẩn bị cho trẻ em thành con người như thế nào để đưa đất nước vào thời kỳ hiện đại hội nhập.

"Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT rút ngắn lại chương trình học văn hoá để phát triển toàn diện. Chương trình chỉ nên dạy 5 môn: Toán, Văn, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Ngoại ngữ. Còn lại, để cho các trường chủ động để phát triển năng khiếu, phát triển hứng thú và nhân cách cho học trò", ông Liên nói.

GĐ ĐHQG TP.HCM Phan Thanh Bình
Ông Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TP.HCM đề cập về triết lý giáo dục dưới con mắt của một người làm thực tiễn:

Tôi cho rằng trước tiên phải có hệ thống lý luận và triết lý cho hệ thống quản lý, và thứ hai là điều kiện (cơ chế) xã hội đối với giáo dục như thế nào, đánh giá của xã hội đối với giáo dục và trường học.

"Có ba loại nền giáo dục: Một là đi trước và định hướng phát triển cho xã hội, hai là phục vụ cho phát triển xã hội, ba là nền giáo dục làm rối ren cho phát triển xã hội. Chúng ta đang vươn tới cái thứ nhất và thứ hai thì bị cái thứ ba kéo chúng ta lại. Nền giáo dục đó do doanh nghiệp, do những người cần bằng cấp đào tạo bằng cấp A, B, C, D gì đó. Chúng ta đang chạy theo điều đó- cũng là một triết lý.

Một mối lo ngại rất lớn là chúng ta đang phải cạnh tranh với nước ngoài ngay trên chính mảnh đất của chúng ta. Chúng ta với một đồng lương thấp và một giá trị cao và một bên là mức lương ngàn đô thì không thể cạnh tranh nổi. Triết lý giáo dục phải đặt ra hết sức quyết liệt ở chỗ này."

Mặc dù hội thảo về triết lý giáo dục chỉ diễn ra trong một buổi sáng, với 13 ý kiến phát biểu trực tiếp và 20 tham luận được in thành kỷ yếu nhưng chủ đề hội thảo vẫn là mối quan tâm rất lớn, thể hiện qua phần tranh luận hăng hái. Hiện khái niệm thế nào là triết lý giáo dục vẫn chưa được làm rõ, và vì thế, đây là vấn đề vẫn được các nhà nghiên cứu và giáo dục thảo luận.

VietNamNet sẽ lần lượt giới thiệu ý kiến của các nhà giáo dục về triết lý giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh các nhà cải cách đã từng thuyết phục dư luận về chương trình, sách giáo khoa cần phải bắt nhịp thế giới, nhưng trong quá trình thử nghiệm, đã phải giảm tải trong năm học này vì xã hội kêu ca. Mời bạn đọc tham gia diễn đàn này cùng với các nhà khoa học để tìm ra được triết lý giáo dục đúng đắn nhất mà VN cần trong giai đoạn hiện nay. Những ý kiến trao đổi xin gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn.

  • Hương Giang

CÁC TRAO ĐỔI
GS Phạm Minh Hạc (chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về "triết lý giáo dục"):

Ở các nước, triết lý giáo dục không chỉ ở tầm quốc tế, quốc gia mà còn ở trong từng trường. Trong khoảng tháng 10 sẽ xuất bản hai cuốn sách về triết lý giáo dục được biên soạn bởi các nhà nghiên cứu và giáo dục để giúp cho các nhà quản lý, giáo viên có thể áp dụng vào thực tiễn, hoặc có thể tranh luận, phản bác.



Ông Hồ Thiệu Hùng
Ông Hồ Thiệu Hùng
, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM:

Giáo dục không nên tự đặt cho mình một mục tiêu đầy tham vọng đối với từng con người mà phải làm những nhiệm vụ sau:


Cung cấp cho người học những hiểu biết cơ bản với nhu cầu của thời đại, khơi dậy lòng ham học hướng dẫn cách học và tự học, giúp người học biết tư duy độc lập, không lãng phí các tiềm năng bẩm sinh của con người, giúp con người có tư duy độc lập.

Chính từ "rập khuôn" là thủ phạm đã khiến cho cơ chế của nề giáo dục việt nam thiếu dưỡng khí, phát triển èo uột so với nền khoa học các nước, ít khi đạt đến tầm vóc là phát hiện ra được cái mới.

Tình trạng này phải được thay đổi. Thế hệ trẻ VN dứt khoát phải trở thành thế hệ con hơn cha. Vậy nên, muốn đổi mới căn bản toàn diện GD đào tạo trước hết phải yêu cầu nhà trường giúp cho người học biết tư duy độc lập, khuyến khích dám tư duy độc lập, không sợ sai, không sợ trái bài văn mẫu.

Khuyến khích tư duy độc lập là một khâu đột phá trong đổi mới giáo dục Việt Nam trong nhiều thập kỉ tới.

Thứ hai, không lãng phí các tiềm năng bẩm sinh của con người. Khoa học đã chứng minh được rằng công suất của bộ não mới chỉ phát huy được 1%. Chỉ cần phát huy từ 3 đến 5% công suất của bộ não là đã có thể trở thành thiên tài.

Và đây chính là vấn đề giáo dục cần phải thay đổi, liên quan đến vấn đề khai thác tiềm năng sẵn có của trẻ em và con người về trí thông minh.

Lâu nay chúng ta vẫn quan niệm rằng những HS giỏi toán là học sinh thông minh, kém toán là kém thông minh, HS giỏi toán và giỏi cả văn là HS giỏi toàn diện vì thường giỏi luôn các môn còn lại. Học sinh kém cả toán lẫn văn là HS dở toàn diện.

Tai hại hơn khi giáo viên nghĩ rằng chính những em học giỏi mới thành đạt và ngược lại. Điều ấy khiến các em tự ti trong học tập và như vậy nhà giáo dục thay vì khai sáng đã làm u tối tâm hồn của trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoạt: Nhận thức sự am hiểu về triết lý giáo dục dạy làm người đang còn nhiều giới hạn trong hệ thống quản lý của ngành. Khoa học GD chậm phát triển, không đủ sức chuyển tải triết lý cao cả của GD vào cuộc sống.

Chế độ chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý là những vấn đề mà chính sách GD cần phải quan tâm. Trong thực tế chúng ta chưa thật sự quan tâm đến nơi đến chốn, dẫn đến những hệ lụy khác theo sau kéo dài. Nếu am hiểu triết lý giáo dục thì phải nâng niu người thầy giáo để họ sống tốt, trở thành những tấm gương cho thế hệ trẻ.

Triết lý GD VN được thể hiện khá sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh và các văn kiện đại hội Đảng. Muốn có triết lý giáo dục VN vững bền thì phải có bộ máy TW điều hành.
  • Diệu Thanh- Ánh Tuyết (Ghi)