|
Hai học sinh lớp 2 mang balo phía trước mô tả một phụ nữ có thai trong
tiết học giáo dục giới tính ở một trường tiểu học tại quận Đông Thành,
Bắc Kinh, Trung Quốc (CFP Photo) |
"Qúa nhiều đối với các em, nó không hề lành mạnh và dường như chỉ là những hình ảnh khiêu dâm", một người mẹ họ Lưu bày tỏ lo lắng rằng, nội dung cuốn sách sẽ ảnh hưởng xấu tới đứa con tám tuổi của bà.
Lo lắng của Lưu rất giống với nhiều bậc phụ huynh khác ở một đất nước trước đây chưa từng đưa chương trình giáo dục giới tính vào bậc tiểu học. Ngô Oa, một người mẹ 33 tuổi, phó tổng biên tập mạng khoa học Guokr.com khá phổ biến ở Trung Quốc nhận xét: "Không sai khi mô tả quan hệ tình dục một cách trực diện, nhưng các câu sử dụng trong sách quá thô lỗ, thậm chí trang web của chúng tôi cũng cấm lưu hành". Bà cho rằng, ngôn từ nên được diễn tả một cách mềm mại, uyển chuyển và đẹp đẽ hơn trong những cuốn sách dành cho trẻ em.
Theo quan điểm của bà Ngô, giáo dục giới tính từ sớm là một lĩnh vực đòi hỏi đầu tư thiết kế và nhiều ý tưởng hơn, cần sống động trong chi tiết với ngôn ngữ sống động và hình ảnh rõ ràng.
Sách giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học do các chuyên gia thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Giáo dục Sức khoẻ giới tính Bắc Kinh viết, chia làm ba phần dành cho học sinh từ 6-12 tuổi. Chương một gồm "Cơ thể tôi", "Tôi từ đâu tới" và "Bạn có thể tự bảo vệ mình?".
Chương hai gồm "Những thay đổi cơ thể trong quá trình trưởng thành" và "Kỹ thuật giao tiếp với cha mẹ". Phần ba gồm các chương "Hài lòng với mình", "Ngăn chặn AIDS" VÀ "Trở thành công dân mạng lành mạnh".
Việc thử nghiệm sử dụng cuốn sách này bắt đầu ở 18 trường trong học kỳ tới. Các sách tương tự viết cho cấp trung học cơ sở đang được thực hiện và sẽ thử nghiệm tại 30 trường.
Mặc dù một số phụ huynh lo lắng nội dung cuốn sách quá trực diện, hoặc quá độ tuổi với con cái họ, nhưng cũng có số khác thể hiện sự ủng hộ. Phùng Chí Hoa, phó biên tập một trong những trang web sinh học và y tế phổ biến nhất Trung Quốc cho rằng, nội dung cuốn sách là phù hợp và cần được phổ biến. "Người lớn thấy những thứ dơ bẩn trong sách trong khi các em lại có thể không. Các em sẽ nhìn nhận theo cách khác biệt và chúng ta không nên phán xét từ quan điểm của mình. Các từ nhạy cảm sớm muộn sẽ đến với các em và không cần né tránh trong việc giáo dục các em nhận biết".
Lục Vĩ Hồng, một trong số tác giả cuốn sách thì nhấn mạnh: "Thế giới trẻ em rất thuần khiết và không thể bị đánh giá bằng đôi mắt người lớn". Lục cho rằng, ở Trung Quốc, giáo dục giới tính thường bị phản ứng, đặc biệt từ thế hệ phụ huynh thời cũ, luôn nói với con trẻ rằng, trẻ em được nhặt trên phố hoặc nhảy ra từ khe đá. Giáo dục giới tính thường là vấn đề bị né tránh, và nhường lại quyền giảng dạy cho cha mẹ hay xã hội.
Trước khi cuốn sách mới được giới thiệu, những giảng giải về giới tính chỉ xuất hiện trong sách dành cho học sinh lớn hơn và một số giáo viên thậm chí cố gắng bỏ qua nội dung.
Trong năm 2002, một chương trình giáo dục giới tính thử nghiệm do Hiệp hội Nghiên cứu Giáo dục Sức khoẻ giới tính Bắc Kinh giới thiệu cho học sinh trung học cơ sở đã bị huỷ bỏ sau khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các bậc phụ huynh.
Những cuốn sách được thực hiện trên cở sở thăm dò 453 học sinh lớp bốn và năm ở 14 trường tại Bắc Kinh. Kết quả là chưa đầy 20% các em có kiến thức về giới tính. Chỉ có 5% học sinh có thể nhận biết bộ phận sinh dục một cách phù hợp, 16% không biết. Hơn 14% các em nói rằng không biết cách xử lý những xâm hại tình dục.
"Thống kê cho thấy sự yếu kém trong giáo dục giới tính ở các trường học Trung Quốc", Trương Mỹ Mỹ, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Giới tính tại Đị học Thường thức ở Bắc Kinh nói. Giáo dục giới tính không xuất hiện ở các trường tiểu học và trung học cơ sở, trẻ em biết rất ít về cơ thể, nên gây ra nhiều vấn đề tâm lý trong suốt thời kỳ trưởng thành. "Một số em gái nghĩ bộ ngực phát triển là bị ung thư vú", Trương nói.
Theo bà Trương, rất nhiều quốc gia đã có kinh nghiệm dày dặn trong giáo dục giới tính. Trương nói, bà lo về giáo viên hơn là học sinh. Bà hy vọng giáo viên không cảm thấy lúng túng khi tiếp cận vấn đề, và có thể làm lãng phí tài liệu giảng dạy.
- Huy Tuấn (Theo Ibnlive, THX)