- Thời điểm này, trong khi các
trường tốp trên bắt đầu nhập học cho thí sinh, không ít trường
"tốp dưới" vẫn đang ngóng thí sinh đến.
Thi tuyển sinh Đại học năm 2011. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Khoảng cách biệt về điểm chuẩn đầu vào giữa 2 tốp này khiến các chuyên gia giáo dục hoài nghi về chất lượng đào tạo trong hệ thống giáo dục ĐH hiện nay. Thậm chí, nhiều trường ngoài công lập chỉ ấn định điểm trúng tuyển bằng điểm sàn nhưng cũng không tuyển được thí sinh...
Kế hoạch không thành
Cách đây 10 năm, Bộ GD-ĐT quyết định chuyển hướng thi tuyển sinh từ việc các trường tự thi tuyển sang phương thức thi "3 chung" - chung đề, chung đợt và chung kết quả thi. Cách thức này được Bộ GD-ĐT và dư luận đánh giá giảm chi phí và đảm bảo được chất lượng tuyển chọn đầu vào.
Một thành viên Ban chỉ đạo thi
của Bộ GD-ĐT cho biết, để đảm bảo chất lượng đầu vào là phải quy định
ngưỡng (điểm sàn) - thí sinh dự thi ĐH theo đề thi chung của Bộ phải đạt một
ngưỡng nhất định mới có thể theo học các năm tiếp theo trên giảng đường.
Ông Văn Đình Ưng - nguyên phó
Chánh Văn phòng, thành viên Ban chỉ đạo thi - cho hay điểm sàn bắt đầu ra đời với mục tiêu đặt ra: ít nhất ngưỡng vào ĐH ít nhất thí sinh cũng phải đạt 5
điểm/ môn - điểm sàn các khối là 15.
Tuy nhiên, kế hoạch này không khả
thi - vì ngay từ năm đầu tiên điểm sàn các khối chỉ
loanh quanh trong khoảng 14-
15 điểm.
Khối/Năm | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 |
A | 15 | 13 | 15 | 13 | 13 | 13 | 13 |
B | 15 | 14 | 15 | 15 | 14 | 14 | 14 |
C | 14 | 14 | 14 | 14 | 14 | 14 | 14 |
D | 14 | 13 | 13 | 13 | 13 | 13 | 13 |
Ba năm gần đây
nhất, mặc dù điểm sàn các khối không thể đạt tới con số ban đầu
nhưng mức điểm này đã khiến hàng trăm trường lâm cảnh tuyển không được thí sinh.
Ông Ưng cho biết thêm, với mức điểm sàn năm 2010, chỉ khoảng 10/ 81 trường ĐH, CĐ ngoài công lập tuyển đủ chỉ tiêu. Ông cũng dự báo, năm nay tỷ lệ các trường ĐH, CĐ ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu cũng tương đương năm 2010.
Tuy nhiên, với các trường ngoài
công lập, những trường mới thành lập, việc tuyển không đủ chỉ tiêu là cả một vấn
đề sát sườn và cần có giải pháp cụ thể. Phải chăng, vì áp lực này mà số trường xé rào để tuyển sinh cũng gia
tăng?
Khi các chế tài bị xem nhẹ
Để khống chế các tiêu cực phát sinh trong mùa tuyển sinh, năm nào Bộ cũng đã lường đến những tình huống tuyển vượt, xé rào... để ban hành các chế tài xử phạt. Nhưng dường như, các "sáng kiến" đưa ra nhằm hút thí sinh càng lúc càng nhiều hơn.
Thi "3 chung", thí sinh đến dự thi và nhập học ảo tăng nên nhiều trường thủ thế bằng cách gọi vượt lên vài chục%, thậm chí cả 100%.
Trường dễ có tâm lý "chỉ cần tuyển vượt vài thí sinh bù vào là đủ...", vì nếu phạt thì trường chỉ phải trả vài chục triệu.
Về việc tuyển vượt, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ: "thực tế đã phải thông cảm cho nhiều trường, vì không thể gọi 100 thì thí sinh đến đúng 100...."
Thêm nữa, theo quy định của Quy
chế tuyển sinh hiện hành, các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, các trường
được giao nhiệm vụ đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo nhân lực cho địa phương
vùng cao, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân
tộc thiểu số và các trường tuyển sinh một số ngành đặc thù khó tuyển sinh, nhưng
có nhu cầu cao về nhân lực (Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản,...),... được vận
dụng Điều 33.
"Nếu sau khi tuyển sinh NV2 mà nguồn tuyển vẫn còn thì sẽ kiến nghị Bộ gia hạn thời gian tuyển sinh cho các trường thiếu chỉ tiêu" - Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập Trần Hồng Quân |
Thế nhưng thực trạng khan hiếm
thí sinh ở mùa tuyển sinh năm nay không chỉ đến với các trường ngoài công lập mà
nhiều trường công cũng "khan" thí sinh. Do đó, năm nay có trường mang
danh quốc tế tuyển sinh đào tạo chất lượng cao cũng "liệt mình"
vào vùng khó khăn để hút thí sinh.
Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập Trần Hồng Quân cho rằng, khi quyết định điểm sàn Bộ GD-ĐT đã không thấy hết những khó khăn của trường tốp dưới, trường ngoài công lập mà quá câu nệ vào ngưỡng chung thì Hiệp hội sẽ trình Bộ xem xét phương án cho các trường thực hiện quy định 33 về tuyển sinh vùng khó khăn và các trường đào tạo theo nhu cầu.
"Nếu sau khi tuyển sinh NV2 mà nguồn tuyển vẫn còn thì sẽ kiến nghị Bộ gia hạn thời gian tuyển sinh cho các trường thiếu chỉ tiêu" - ông Quân khẳng định.
Cần giải pháp
Năm 2010, bên cạnh hàng loạt trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu dù đã được kéo dài thêm 15 ngày xét tuyển, không ít ngành học đã phải dừng tuyển sinh. Trường ĐH Đông Đô đóng cửa 2 ngành là Điện tử Viễn thông và Thông tin học; Trường ĐH Lương Thế Vinh đóng cửa các ngành Thú y, Cơ khí, Nuôi trồng thủy sản, Bảo vệ thực vật, Văn hóa du lịch...
Trước thực tế trên, nhiều người
cho rằng hệ quả của việc đóng cửa ngành học hay không tuyển đủ chỉ tiêu là do
thiếu nguồn tuyển. Bởi, số lượng thí sinh dự thi ĐH hàng năm không
tăng nhưng nhu cầu tuyển của các trường lại nhiều.
Những khó khăn như vậy khiến các trường ngoài công lập tìm mọi cách tuyển cho được thí sinh. Thậm chí, có trường "thưởng 0,5 điểm cho thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển sớm..."
Tới lúc này, thi chung đề đã thể hiện rõ nét sự phân hóa trong chất lượng tuyển sinh đầu vào giữa các trường ĐH. Nhưng đã đến lúc cần có giải pháp rút ngắn khoảng cách quá lớn giữa các trường, nếu không việc tổ chức thi chung sẽ ít giá trị khi "trường tuyển vượt cứ vượt, còn thiếu thì....xin!?"
-
Kiều Oanh