- Ngoài kênh gọi điện thoại, trên website của Trường ĐH Điện lực còn có mục hỏi đáp để thí sinh và gia đình tiện trao đổi. Mỗi ngày,  đến khoảng 22h, trực tiếp Trưởng phòng Đào tạo Bùi Đức Hiền sẽ vào để trả lời các thắc mắc của thí sinh.


Không chỉ có các cán bộ tiếp nhận hồ sơ tư vấn thông tin, ĐH Điện lực còn thường xuyên trao đổi với thí sinh và người nhà thông qua mục hỏi đáp trên website của trường. Trong ảnh TS Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng đào tạo của trường kiểm tra, trả lời câu hỏi của thí sinh. Ảnh: Văn Chung

Phòng ‘cực nóng’


Công việc của năm học cũ chưa hết, năm học mới đang bắt đầu, công tác tuyển sinh vẫn đang tiếp tục hoàn thiện khiến phòng đào tạo nhiều trường đại học thời điểm này luôn là địa chỉ “nóng” của phụ huynh, học sinh, sinh viên và cán bộ trong trường.


Năm 2011, ĐH Điện lực dành 250 suất lấy thí sinh ở hệ ĐH, còn tới 700 dành cho hệ cao đẳng (trường này vừa nâng cấp lên ĐH vài năm).


700 suất tuyển sinh CĐ trường xét từ nguyện vọng 2 (là các thí sinh đã trượt ĐH đợt 1).


Hôm 25/8 là ngày đầu tiên trường, cùng với hơn 100 trường ĐH, CĐ khác trong cả nước nhận hồ sơ của thí sinh.


Khác với 8 năm tuyển sinh theo hình thức “ba chung” trước đây, mỗi lần xét nguyện vọng 2, thi sinh chỉ có một cơ hội nộp hồ sơ. Năm nay, các sĩ tử được phép rút và nộp nhiều lần, ở nhiều trường, trong 20 ngày.


Theo sự linh động của thí sinh, các trường buộc phải công bố thông tin hàng ngày trên mạng.


Ông Bùi Đức Hiền cho biết, năm nào trường cũng phải lấy thêm 10-15% so với “quota” của Bộ.


 “Sở dĩ phải làm như vậy vì nhiều thí sinh đã đỗ NV2 nhưng có thể không thích, nộp NV3 vào trường khác hoặc sang năm các em thi vào hệ ĐH”.


Trong xét tuyển NV2, một điểm đáng chú ý là ĐH Điện lực sẽ xét ưu tiên cho thí sinh thi NV1 vào trường trong trường hợp cần phải lấy 1 em trong số 2 em có cùng mức điểm nhưng thí sinh còn lại thi ở trường khác, nộp hồ sơ vào trường.


Ghi nhận của VietNamNet, sáng 25/8 tại phòng tiếp nhận hồ sơ xét NV2 của trường, đã có khá đông thí sinh và người nhà tới nộp hồ sơ. Với 2 cán bộ nhận, phân loại hồ sơ, 4 cán bộ quản trị mạng, trường sẽ không có nhiều khó khăn trong việc công khai thông tin của thí sinh trên mạng.


Việc thống kê, công bố thông tin của thí sinh trên website của ĐH Điện lực sẽ được chia theo điểm. Ví dụ, ở mức điểm 19 đã có bao nhiêu hồ sơ, số em đạt 19,5 là bao nhiêu,…cứ như thế đến hết.


Trường ĐH Đại Nam cũng kết hợp cả bố trí cán bộ tư vấn trực tiếp tại trường và hộp thư tư vấn trên trang web.


Thông qua các kênh này, thí sinh có thể đặt các câu hỏi về NV2 và sẽ được cán bộ của trường trả lời trực tiếp. Từ những ngày trước, bộ phận tiếp nhận hồ sơ NV2 của trường đã làm việc phục vụ những thí sinh đến nộp sớm. Nhân sự phòng đào tạo sẽ phối hợp với bộ phận Công nghệ thông tin để cập nhật hồ sơ lên mạng.


Trường ĐH Lao động - Xã hội trong ngày đầu tiên đã đón khoảng gần 200 thí sinh đến nộp hồ sơ NV2.


Nhân lực phục vụ tiếp nhận hồ sơ, nhập điểm có khoảng 10 người. Cho đến cuối giờ chiều, hầu hết cán bộ tuyển sinh vẫn đang căng mình làm việc. Trên website của trường hiện tại vẫn chưa cập nhật được thông tin hồ sơ cho thí sinh. Ông Nguyễn Đồng Dũng, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, phần mềm cập nhật hồ sơ chạy tương đối chậm. Sớm nhất trong tối ngày 25/8, những hồ sơ đầu tiên mới có thể xuất hiện trên mạng.


ĐH Lao động- xã hội khá “bình thản” trước vấn đề tư vấn tuyển sinh. Hầu hết, trường nằm ngoài các chương trình tư vấn tuyển sinh từ khi nộp hồ sơ thi ĐH. Hiện nay, mùa cao điểm NV2 đang khởi động, trường cũng hoàn toàn không có hoạt động tư vấn tuyển sinh trực tiếp và qua hộp thư trên mạng. Công tác này được tiến hành qua điện thoại hoặc khi thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển.


Ông Nguyễn Đồng Dũng chia sẻ: Hiện tại, các cán bộ của trường đang căng mình làm việc cả giờ nghỉ, ngày nghỉ. Công việc của năm học cũ chưa hết, năm học mới đang bắt đầu, các công tác tuyển sinh NV1 vẫn đang tiếp tục hoàn thiện khiến phòng đào tạo luôn là địa chỉ “nóng” của phụ huynh, học sinh, sinh viên và cán bộ trong trường.


Đây cũng là khó khăn chung của cán bộ đào tạo các trường trong giai đoạn này. Nhiều trường cho biết, sẽ cố gắng để có thể cập nhật hồ sơ từng ngày. Tuy nhiên, trong những ngày đầu, thí sinh có tâm lý chờ đợi và công việc dồn dập nên việc này thể chậm trễ.


Thí sinh tới nộp hồ sơ xét tuyển NV2 tại ĐH Điện lực sáng 25/8. Ảnh: Văn Chung

Lo tiêu cực


Với 3 cán bộ trực tiếp xử lí hồ sơ sau đó gửi sang bộ phận phụ trách website của trường nên theo TS Đoàn Phúc Thanh, Trưởng phòng đào tạo, Học viện Báo chí-Tuyên truyền đến 17h30 mỗi ngày thí sinh có thể xem được thông tin cập nhật về tình hình tuyển sinh NV2.


Cũng theo ông Thanh: “Dù ít nhưng nếu quản lí không chặt rất dễ xảy ra tiêu cực trong chuyện rút, nộp xét tuyển hồ sơ. Nếu rút nộp đến lần thứ 2 thì chỉ cần có tờ đơn kèm theo phiếu điểm thi. Giả dụ anh A làm ở nơi này nơi kia có quen biết với các cán bộ trực tiếp tiếp nhận, xử lí hồ sơ nói “anh giúp cháu nó. Trường này, khoa này đông hồ sơ quá rồi” chẳng hạn. Mà tờ đơn thì không khó gì để làm cả”.


Về phần người quản lí, theo ông Thanh: “Trường cần quán triệt cho những cán bộ trực tiếp tiến hành công tác. Phòng đào tạo mỗi ngày có báo cáo với lãnh đạo về việc tiếp nhận hồ sơ và xem xét từng trường hợp cụ thể để phát hiện nếu có sai sót gì. Nói vậy song biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cán bộ vẫn là quan trọng hơn cả”.

Còn theo ông Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo của Trường ĐH Mỏ - Địa chất: “Khi đã công khai thông tin thì bản thân thí sinh có thể tự kiểm soát được nhau.


Sai sót dễ xảy ra nhất là nếu mình không làm chặt khâu rút, nộp hồ sơ, để người nhà, người quen chứ không phải chính thí sinh đến làm thủ tục. Điều này có thể dẫn đến khiếu nại về sau này. Do đó chúng tôi luôn chỉ đạo chỉ thí sinh khi mang đầy đủ giấy tờ, đặc biệt là Chứng minh nhân dân đến làm mới được”.


Cũng theo ông Thắng: “Trước đây việc chuyển hồ sơ qua bưu điện tương đối chặt chẽ dù không cung cấp thông tin được cho thí sinh. Tôi nghĩ cách này đảm bảo khách quan hơn, chặt chẽ nhất. Nếu cần mình vẫn có thể công khai cho thí sinh thông tin trên website và cho các em một hạn thời gian nhất định để rút, nộp hồ sơ”.


Đây cũng là lo ngại của Trường ĐH Lao động - Xã hội. Theo ông Nguyễn Tiệp, hiệu trưởng nhà trường, Bộ quy định người nhà có thể dùng giấy ủy quyền đến rút hồ sơ để tạo điều kiện cho thí sinh không phải vất vả đi lại cho thí sinh nhưng khó xác thực độ tin cậy của giấy này. Vì vậy, trường hiện tại vẫn theo quy định của Bộ. Tuy nhiên, phòng đào tạo và ban giám hiệu vẫn đang cân nhắc có nên thắt chặt quy định rút hồ sơ, yêu cầu thí sinh trực tiếp đến làm thủ tục hay không.


Lường trước được khả năng này, ĐH Đại Nam khắc phục bằng cách thêm một bước trong thủ tục nộp, rút hồ sơ của thí sinh.


Trưởng phòng Đào tạo Lê Thị Thanh Hương cho biết: Mỗi thí sinh khi đến nộp hồ sơ đều có giấy biên nhận đóng dấu đỏ của nhà trường. Khi muốn rút hồ sơ, người rút bắt buộc phải có giấy biên nhận này bên cạnh các thủ tục theo quy định của Bộ GD-ĐT.


ĐH Lao động xã hội và ĐH Đại Nam cho biết, Bộ không quy định số lần rút, nộp nên việc thí sinh muốn nộp lại sau khi rút ra vẫn được trường đồng ý.


Bà Thanh Hương nói thêm: trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn, ĐH Đại Nam tạo mọi điều kiện để thí sinh đủ điểm sàn theo quy định của Bộ sẽ có thể vào trường nếu có nguyện vọng, kể cả trong trường hợp muốn chuyển hồ sơ đến ngành có điểm xét tuyển NV2 thấp hơn khi không đỗ vào ngành đăng ký ban đầu.


Hiện các trường đang tiến hành khâu chạy thử, kiểm nghiệm lại lần cuối phần mềm công bố thông tin. Theo chia sẻ của ông Thắng: “Hiện nay thí sinh vẫn chủ yếu nghe ngóng thông tin, khoảng 3-4 ngày nữa mới là cao điểm. Khi đó bộ phận của chúng tôi sẽ đảm bảo thông tin cập nhật để các em tiện theo dõi”.


  • Nguyễn Hường - Văn Chung
Chen chân vào trường đa ngành, ngoài công lập
Trong ngày đầu tiên xét tuyển nguyện vọng 2, các nhóm ngành kinh tế vẫn chiếm ưu thế về số lượng hồ sơ nộp. Bất cập trong thủ tục và chậm trễ trong dữ liệu tổng thí sinh dự thi làm cho việc nộp hồ sơ thêm căng thẳng.
 
Gõ cửa một trường không 'rải tiền' câu
Nhìn vào cách “rải” tiền đến cả ngàn USD mời chào thí sinh vào trường từ nguyện vọng 2, GS Hoàng Xuân Sính ngậm ngùi, sẽ có người phải “bật bãi”.
 
Tung tiền 'câu' thí sinh
Rải tiền để câu thí sinh, học bổng khủng không dễ nhận là chủ đề trên các báo nói về hình thức mà các trường ĐH ngoài công lập sử dụng để chiêu mộ SV.
 
Tuyển sinh trên mạng, trường 'ngồi trên lửa'
Chủ trương thí sinh không bị giới hạn số lần nộp hồ sơ và các trường phải công khai thông tin liên tục khiến không ít trường cảm thấy "ngồi trên lửa” vì khối lượng việc lớn, dễ dồn dập vào cuối đợt, dễ sai sót.