Nguyên nhân là do hầu hết các địa phương thiếu giáo viên đủ chuẩn và cơ sở vật chấp để triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học mới của Bộ GD-ĐT.

Hình minh họa. Nguồn ảnh: Lao Động

GV tiếng Anh "chuẩn" chỉ đếm trên đầu ngón tay


Ngay từ đầu năm học 2010-2011, việc thí điểm này đã nảy sinh nhiều khó khăn cho các địa phương, ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Báo Lao động cho hay, Hà Nội chị có 9 giáo viên của 9 trường là đủ điều kiện dạy thí điểm trong số hơn 20 giáo viên được cử đi kiểm tra lấy chứng chỉ theo yêu cầu của Bộ GDĐT.

''Không nên bắt buộc sử dụng đội ngũ GV hiện có trong biên chế bằng mọi giá vì có những GV rất yếu, dù có bồi dưỡng cũng khó đạt được yêu cầu" - ông Nguyễn Thế Sơn - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Nghệ An


Trong khi đó, Ninh Bình chỉ có duy nhất 1 giáo viên đạt chuẩn B2 theo yêu cầu của Bộ GDĐT.

Để giải quyết vấn đề này, ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GDĐT - cho biết, những giáo viên đạt trình độ B1 cũng có thể được lựa chọn tham gia với điều kiện là địa phương phải đảm bảo để những giáo viên này đạt chuẩn B2 ngay trong năm học này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hùng - thành viên ban đề án chương trình tiếng Anh tiểu học - nói thêm: không thể để giáo viên tự phấn đấu vì chi phí lấy chứng chỉ đạt chuẩn rất tốn kém, cần ngân sách hỗ trợ nâng cao trình độ.

Vì trình độ giáo viên không đồng đều, nên ông Nguyễn Thế Sơn - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Nghệ An - đưa ra quan điểm: ''Không nên bắt buộc sử dụng đội ngũ GV hiện có trong biên chế bằng mọi giá vì có những GV rất yếu, dù có bồi dưỡng cũng khó đạt được yêu cầu''.

Hạ chuẩn để có người dạy

Báo Thanh Niên thông tin: nếu như năm đầu tiên thực hiện thí điểm, năng lực ngôn ngữ của GV bắt buộc phải tương đương B2 thì đến năm học này, Bộ đã thông báo sẽ hạ chuẩn xuống mức B1 trở lên với điều kiện cuối năm học GV phải tự bồi dưỡng nâng cao trình độ để đạt được mức B2.

Đồng thời, đối với HS lớp 3, năm học này Bộ GD-ĐT không quy định bắt buộc tất cả các trường phải dạy 4 tiết/tuần, trường nào còn khó khăn có thể chỉ dạy 3 hoặc 2 tiết/tuần.

Thực tế, nếu Bộ kiên quyết không hạ chuẩn thì năm học này, hầu hết các địa phương đều không đủ GV để tiếp tục triển khai thí điểm lớp 4 trong khi tiếp tục nhân rộng chương trình ở lớp 3 một cách chính thức.

Mặc dù đã hạ chuẩn nhưng bà Lê Thị Hòa - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa - băn khoăn: “Bố trí GV B1 vào giảng dạy kèm theo điều kiện là cuối năm học phải đạt trình độ B2 thì chúng tôi không dám khẳng định GV của mình sẽ làm được bằng cách tự bồi dưỡng”.

Ngay cả với TP Hồ Chí Minh, “Mặc dù TP triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường từ năm 1998 nhưng cũng không thể có ngay đội ngũ GV đạt trình độ B2” - Ông Lê Ngọc Điệp -m Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói thêm: Bộ sẽ rà soát lại cơ chế chính sách để đảm bảo quyền lợi của giáo viên khi tham gia chương trình, bởi để đạt được tiêu chuẩn cao B2 (tương đương với chuẩn quốc tế như 500 điểm TOEFL), thì giáo viên phải tự bỏ ra nhiều công sức. Và để giữ chân được những giáo viên này thì cần có các chính sách đãi ngộ tốt hơn.

Vụ trưởng Lê Tiến Thành khẳng định: “Trình độ B2 vẫn là cái đích cuối cùng mà GV dạy chương trình tiếng Anh mới phải đạt được”.

Ngày 28/6, tại hội nghị tổng kết 1 năm thí điểm chương trình, Bộ GD&ĐT vẫn quyết tâm đưa tiếng Anh làm môn học bắt buộc với học sinh lớp 3 và triển khai thí điểm ở lớp 4 năm học 2011 – 2012 - “khó nhưng vẫn làm” - Thứ trưởng Hiển nói.

K. Minh tổng hợp từ Lao Động/ Thanh Niên