Không nên tiếp tục đào tạo giáo viên hệ trung cấp để nâng chất lượng giáo viên,cần phải tính lại về sự tồn tại của 3 trường trung cấp sư phạm hiện nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu như vậy tại hội nghị toàn quốc các trường sư phạm tổ chức ngày 27/8.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân" Chậm nhất trong tháng 9 tới, Bộ GD-ĐT phải có ngay quy hoạch đội ngũ của ngành".
Ông cũng yêu cầu chậm nhất trong tháng 9 tới, Bộ GD-ĐT phải có ngay quy hoạch đội ngũ của ngành, khắc phục tình trạng đào tạo sư phạm chưa gắn với nhu cầu về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, những đổi mới của giáo dục phổ thông và mầm non như hiện nay.

Cả nước hiện có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 39 trường cao đẳng sư phạm và 3 trường trung cấp sư phạm.

Đứng trước yêu cầu đổi mới đào tạo sư phạm, các trường tham gia hội nghị (được tổ chức qua cầu truyền hình) đã gác lại những thành tích đạt được mà tập trung trao đổi các yêu cầu thực tế để nâng cao chất lượng giáo viên.  Trong đó, liên kết dọc, ngang trong ngành giáo dục lỏng lẻo, dựa vào quan hệ là một trong những nguyên nhân làm yếu hệ thống đào tạo.


Nhiều lãnh đạo các trường sư phạm nhận thấy, việc thực tập cho sinh viên sư phạm, dù là vấn đề sống còn nhưng do liên kết với các trường phổ thông còn lỏng nên việc này đôi khi thành chuyện làm cho xong.

Quy chế thực tập ban hành từ năm 1986 mới chỉ quy định vấn đề thực tập của giáo viên phổ thông. Cấp mầm non và tiểu học vẫn còn bỏ ngỏ để các trường soạn thảo và tự thân vận động.

Vì vậy, dù là trường đào tạo sư phạm quy mô lớn hay nhỏ, hiện nay, câu chuyện liên hệ thực tập cho sinh viên vẫn chủ yếu dựa vào mối quan hệ tình thân giữa cơ sở đào tạo giáo viên với các trường phổ thông. Cùng với sự ra quân ào ạt vào mùa thực tập, các trường phổ thông phải gánh thêm áp lực. Điều này đã làm cho chất lượng thực tập giảm sút.


Nhiều đại biểu cho rằng, điều này đã làm cho việc đào tạo giáo viên bị bó hẹp trong trường sư phạm. Trong khi đó, lượng trường thực hành để triển khai ứng dụng các nghiên cứu giáo dục của các giảng viên sư phạm còn thiếu. Mô hình đào tạo của trường sư phạm vô hình chung đã bị yếu ở khâu sống còn là thực hành, thực tập.


Sự phối hợp giữa trường sư phạm và trường phổ thông cần được hình thành bằng quy chế cụ thể, thể hiện trách nhiệm và cùng có lợi trong việc tiếp nhận sinh viên thực tập là yêu cầu của hầu hết các đơn vị đào tạo.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng tình: “Các trường sư phạm là trung tâm đào tạo chính nhưng các trường phổ thông là các vệ tinh đào tạo. Thực tế từ các trường phổ thông đòi hỏi gì ở sinh viên sư phạm? Môi trường xã hội bắt buộc đào tạo sư phạm thay đổi như thế nào? Đây chính là đào tạo theo nhu cầu xã hội.”


Bên cạnh đó, các liên kết ngang giữa các trường sư phạm còn lỏng lẻo hơn nhiều. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: cần có sự liên kết giữa các trường thông qua thành lập hội đồng các hiệu trưởng trường sư phạm. Ông nói: “Các trường sư phạm phải là nơi đóng góp nhiều trong việc đổi mới đào tạo giáo viên.”

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận,cách làm việc, phối hợp theo quan hệ, tình thân, theo bộ trưởng, cần được khắc phục để tạo ra sức mạnh tổng hợp.


Người đứng đầu ngành giáo dục nói "năm nay, ngành  đón tín hiệu vui có thể giải tỏa băn khoăn của lãnh đạo nhiều trường sư phạm". Đó là các bộ, ngành và địa phương sẽ cùng hoạch định nhu cầu nhân lực của ngành và đề xuất đào tạo, tránh tình trạng thiếu quy hoạch nhân lực thực tế, dẫn đến ngành thừa, ngành thiếu.


Trước đó, các hiệu trưởng cho biết, một trong những “khổ tâm” của họ là sinh viên ra trường không có việc làm do bão hòa nhu cầu tuyển giáo viên.


Hàng năm, các trường vẫn phải “hồn nhiên” tuyển theo chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT giao cho thông qua đánh giá khả năng hiện có của trường. Bài toán không nắm được chỉ tiêu thực tế của địa phương càng làm cho ngành sư phạm lâm vào “khủng hoảng thừa”.


Sau hội nghị các trường sư phạm toàn quốc, Bộ GD-ĐT cho biết, việc chính sẽ là hoàn thiện mô hình đào tạo sư phạm, ứng dụng các thành tựu của khoa học giáo dục và tiếp tục đổi mới nội dung đào tạo giáo viên.

Từ nay đến năm 2015, tầm nhìn 2020, ngành giáo dục còn những chỉ tiêu “khủng” trong việc bồi dưỡng đội ngũ giảng viên sư phạm như: đến năm 2015, ít nhất 25% và đến 2020, 50% giảng viên các trường ĐHSP đạt trình độ tiến sĩ; đến 2015, 50% giảng viên CĐSP đạt trình độ thạc sĩ trở lên, ít nhất 5% đạt trình độ tiến sĩ và đến năm 2020, con số tườn ứng phải là 80% trình độ thạc sĩ và 25% trình độ tiến sĩ. Ngành GD cũng đặt mục tiêu tỷ lệ sinh/giảng viên ở các trường ĐH. CĐSP không quá 20 sinh viên/giảng viên vào năm 2020

  • Nguyễn Hường