- Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần phải đóng tiền đầu năm, nhưng không ít phụ huynh có con học trường ngoài công lập vẫn choáng với “kịch bản” phí do các trường đưa ra.
Hình minh họa khai giảng đầu năm tại trường Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: LAD

Từ học phí, đồng phục đến quỹ đều tăng

Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần phải đóng tiền nhưng nhiều phụ huynh vẫn choáng với “kịch bản” phí do các trường ngoài công lập đưa ra. Chị Đ.T.H  có con năm nay vào lớp 1 trường tiểu học Việt Úc, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội cho biết tổng các khoản chị phải đóng cho con khi bước vào năm học là trên 100 triệu đồng.

Số tiền nói trên gồm các khoản: học phí mức 61.950.000 đồng/ năm, quỹ hỗ trợ phát triển trường là 7.227.500 đồng, tiền ăn, tiền đồng phục… Điều đáng nói là học phí và các khoản này đều tăng.

So với năm học trước thì học phí chỉ là trên 55 triệu đồng/năm, năm nay tăng gần 7 triệu; Còn quỹ hỗ trợ phát triển trường năm trước là trên 5,5 triệu đồng - năm nay tăng hơn 2 triệu, chị H. so sánh.

Tuy nhiên, các danh mục tiền đóng góp đều được trường công bố công khai trên website của trường nên gia đình chị đã có sự chuẩn bị từ trước.

Ngược lại, nhiều phụ huynh của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội đã ngã ngửa trước các khoản đóng của trường năm nay. Chị L.A, một phụ huynh học sinh (PHHS) của trường vẫn không tin vào mắt mình trước khoản phí nhập học “khổng lồ” của con gái. Mỗi tháng con đi học tốn gần 5 triệu. Đã vậy nhà trường lại không cho nộp từng tháng mà yêu cầu PHHS phải đóng luôn 3 tháng một lần. Tổng cộng đầu năm học, chị đã phải đóng khoảng 20 triệu đồng (học phí, đồng phục, sách vở….).  “Hôm đi đóng tiền, chúng tôi dắt túi hơn 10 triệu, cứ ngỡ dư dả lắm. Không ngờ vẫn thiếu....", chị L.A cho biết.

Tương tự, Trường tiểu học Brendon cũng quy định PHHS  nộp phí theo từng học kỳ (2 kỳ/năm). Đầu năm học, mỗi HS đã phải nộp khoảng trên 25 triệu đồng bao gồm 18 triệu học phí/học kỳ, tiền ăn 5 triệu/học kỳ, tiền xây dựng trường 2 triệu/năm học… và hàng lọat chi phí khác như đồng phục, phí tham quan dã ngoại, SGK…

Không những thế theo một số PHHS kể, gần như không năm nào mà chi phí trường tư không tăng. Tại trường Đoàn Thị Điểm, đầu năm học 2011 này, nhà trường thông báo các khoản phí tăng khoảng 20% so với năm 2010.

Trường tiểu học Lê Quý Đôn, năm học 2011-2012 cũng áp dụng mức học phí mới là 2.200.000 đồng/tháng. Ngoài ra, PHHS còn phải đóng tiền bán trú 1 triệu đồng/tháng, tiền quỹ đầu tư, phát triển nhà trường 2 triệu đồng/năm, quỹ khuyến học 200.000 đồng/năm, quỹ họat động Sao-Đội… Cộng các khoản, chi phí đều tăng so với năm trước.

Không chỉ học phí tăng, quỹ tăng... mà tiền đồng phục cho HS đầu năm cũng tăng theo bão giá khiến phụ hung và HS chóng mặt. N.M.H, học sinh trường THPT Chu Văn An cho biết, năm nay đồng phục của trường lên giá đáng kể. H cho biết nếu như áo Vest năm 2010 chỉ 300.000 đồng/áo thì năm nay đã lên đến 500.000 đồng/áo. H. tính toán, nếu như mua đủ các loại đồng phục của trường thì năm nay phải đến trên 3 triệu đồng. Năm 2010, H mua đồng phục hết hơn 2 triệu bao gồm: vest, váy, gile, quần, áo…

Không chỉ phụ huynh mầm non, tiểu học mới ngã ngửa vì khoản phí khổng lồ mà phụ huynh ĐH cũng suýt ngất. Chị T.T.M.N có cô con gái năm nay vào năm thứ nhất ngành quản trị kinh doanh bằng tiếng Anh của ĐH Kinh tế quốc dân. Ngày đến làm thủ tục, anh chị mới biết phải đóng học phí cả 4 năm học với số tiền trên 22 triệu đồng. Trong khi đó, giấy báo nhập học chỉ thông báo nộp có vài trăm nghìn. Dù đã giắt túi trên 10 triệu nhưng anh chị cũng phải  tá hỏa đi tìm tiền để đóng đủ cho con.

Còn tại Trường tiểu học Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội dù chưa vào năm học mới nhưng phụ huynh đã nhận được điện thoại từ cô giáo thông báo "năm học này mỗi con phải đóng 1 triệu để mua bảng chiếu phụ vụ giảng dạy...". Chưa hết, ở khối 2 nhà trường có mời thầy Tây về dạy ngoại ngữ nên HS nào rơi vào lớp này phải đóng khoảng 600.000 đồng/ tháng (tương đương 6 triệu đồng/ năm)....

"Ngoài quy định" không phải là khoản thu xấu?


Ông Hà Anh Toàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Phụng (Đống Đa, Hà Nội) nêu quan điểm "không nên cực đoan tất cả các khỏan thu “ngoài quy định” đều là khoản thu xấu. PHHS sẵn sàng nộp thêm tiền nếu những khoản thu này công khai, minh bạch, đúng mục đích".

Ông dẫn dụ, khi trường tổ chức cho HS tập viết chữ đẹp, nếu thấy cần thiết trường vẫn có thể huy động cha mẹ HS mua vở luyện chữ cho con. Tuy nhiên, nhiều trường hợp PHHS xin học cho con “bị ép” phải nộp sổ vàng, sổ bạc mà không được biết khoản tiền đó vào đâu nên thấy ấm ức.

Từ góc độ làm quản lý, ông Toàn chia sẻ "dù năm học này, Hà Nội đã tăng ngân sách trên đầu HS nhưng chắc chắn, với trường Trung Phụng, kinh phí này vẫn không thể đủ để… họat động. Với 208 HS, trường sẽ được nhận mức ngân sách khoảng 600 triệu đồng (3 triệu đồng/đầu trẻ). Trong khi đó, mỗi tháng, riêng tiền chi trả lương cho 30 cán bộ, giáo viên nhà trường đã hết khoảng 100 triệu đồng. Ngân sách tăng mà… trả lương còn thiếu nên không thể còn kinh phí để “bù đắp” cho các họat động khác.

"Tuy nhiên, không thể đổ lỗi học phí thấp, kinh phí thiếu để lạm thu", - ông Toàn nói. Vì thực tế, việc lạm thu chủ yếu diễn ra ở trường lớn, trường điểm, trường có đông HS (vốn đã có nhiều kinh phí họat động) chứ ít diễn ra ở trường nhỏ, trường ngoại thành, trường vùng sâu vùng xa… “Cái gốc của vấn đề phụ thuộc vào cách làm của mỗi trường. Nếu các trường có ý thức chi tiêu hợp lý, cần mới chi thì sẽ hạn chế việc đóng góp của PHHS”.

  •  Vĩnh Thịnh - Nguyễn Hiền

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB GD Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, muốn giải quyết bài toán lạm thu trong giáo dục phải “Luật hóa” quy định “chống lạm thu”. Cần nghiêm cấm các khoản thu ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh. Hội cha mẹ HS không được thu các khoản thu “tự nguyện” đóng góp cho nhà trường.

Thay vào đó, GS Thuyết đề xuất nghiên cứu thành lập các Quỹ phát triển GD tại địa phương. Tổ chức, cá nhân có điều kiện có thể trực tiếp đóng góp, ủng hội theo hình thức cá nhân cho trường thông qua quỹ này hoặc có thể đóng góp thẳng cho trường. Nhà trường phải công khai thu nhận và sử dụng quỹ đó. Việc đóng góp này phải mang tính cá nhân chứ không phải huy động “tự nguyện” tràn lan, bổ đầu PHHS như hiện nay.