-Hôm nay là ngày 15/9, hạn cuối cùng nộp hồ sơ xét tuyển NV2, nhiều trường tiếp tục than thở: phải đợi NV3 may ra mới tuyển đủ. Một số trường còn phải đóng cửa ngành học vì không có sinh viên.

Kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2011. Ảnh: LAD
Nhiều ngành sẽ phải đóng cửa

Chưa có năm nào, tình trạng đóng cửa ngành do có quá ít sinh viên đăng ký học lại nhiều như năm nay, không chỉ phổ biến ở các trường ngoài công lập mà các trường công lập cũng chịu chung số phận.

Hiệu trưởng ĐH An Giang Lê Minh Tùng cho VietNamNet biết: hàng loạt các ngành sư phạm năm như sư phạm Toán, Vật lý, Ngữ văn, Hoá học sẽ phải đóng cửa năm nay do có vài hồ sơ đăng ký. Nhà trường đang bàn với các SV để chuyển họ sang ngành khác. Hiện ngành sư phạm của tỉnh đang thừa 200 em tốt nghiệp sư phạm nhưng không có việc làm.

Tại ĐH Nha Trang, trường vẫn chưa chốt xong danh sách thí sinh NV2 nhưng 4 ngành được xem là then chốt của trường trước đây, hầu như không thấy thí sinh nào đăng ký NV2. Đó là các ngành Kỹ thuật khai thác thủy sản (chỉ có 3 thí sinh trúng tuyển), ngành I(1 thí sinh trúng tuyển), ngành An toàn hàng hải (2 thí sinh trúng tuyển) và ngành Kinh tế quản lý thủy sản (có 4 thí sinh trúng tuyển).

Ông Vũ Văn Xứng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: khoa Kỹ thuật khai thác thủy sản do nhiều năm liền không mở được lớp nào nên đầu tháng 9 này, khoa đã đổi tên thành Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản để các giảng viên chuyển sang làm công tác nghiên cứu.

Trường công lập lớn như ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cũng đang lo ngại về số lượng quá ít hồ sơ NV2 cho các ngành như văn hóa học, ngữ văn Anh, văn hóa dân tộc thiểu số, bảo tàng, văn hóa học chỉ có số hồ sơ đếm trên đầu ngón tay.

Theo đánh giá của GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, mặc dù có trên 200 ngàn thí sinh dành cho xét tuyển NV2 nhưng các trường vẫn không tuyển được do sự mất cân đối về số lượng giữa các khối thi và mất cân đối vùng miền. Cụ thể, số thí sinh thi khối B năm nay dư rất nhiều, trong khi đó khối A và C lại thiếu.

Số lượng thí sinh NV2 ở khu vực phía Bắc dư nhiều hơn các khu vực như Tây Nguyên hay phía Nam nhưng họ không thể chuyển tới các vùng quá xa nhà, vì không phải gia đình nào cũng dư giả về kinh tế để chuyển.

Đó là chưa kể, nhìn chung các thí sinh trúng tuyển phần lớn là con nhà nghèo, có muốn cũng không vào được các trường ngoài công lập do mức học phí cao hơn công lập rất nhiều.

Rải tiền vẫn khó hút thí sinh

Có mặt tại trường ĐH Kinh tế- Tài chính TP.HCM (UEF) ngày 14/9, chỉ thấy lác đác thí sinh đến nộp hồ sơ NV2 do thời hạn sắp hết. Tính đến ngày này, có khoảng 500 hồ sơ NV2 cho dù trước đó, trường đã ra thông báo rất hấp dẫn là tặng học bổng toàn phần cho thí sinh đạt 21 điểm và các suất học bổng từ 30, 40, 50 triệu đồng cho thí sinh có điểm thi ĐH lần lượt đạt từ 18, 19, 20 điểm.

Trong số 500 hồ sơ NV2, có 2 thí sinh đạt 21 điểm trở lên, chỉ có 2 thí sinh đạt 19 điểm và 4 thí sinh đạt 18 điểm trở lên. Như vậy, con số được học bổng nói trên cũng vô cùng ít ỏi.

Nhà trường đã phải ra thông báo tiếp: chỉ tiêu dành cho NV3 còn lại rất cao, khoảng 500 chỉ tiêu so với tổng chỉ tiêu là 1000 cả hai hệ ĐH và CĐ. Do vậy mà thí sinh có cơ hội đậu vào ĐH UEF khi nộp hồ sơ ở NV3 là rất cao.

Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) có chính sách dành cho mỗi thí sinh nhập trường ở bậc ĐH có điểm từ điểm sàn đến 15,5 được tặng 550.000 đồng, điểm 16-19,5 được tặng 700.000 đồng và tặng 1 triệu đồng cho thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên. Tính đến ngày 15/9, nhà trường chỉ có khoảng 250 hồ sơ NV2, Hiệu trưởng Hoàng Trọng Yêm cho biết. Theo ông Yêm, trường cũng khó có hy vọng tuyển đủ được 1500 chỉ tiêu.

Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cho dù đã từng công bố hơn 800 suất học bổng với trị giá hơn 2 tỉ đồng cho thí sinh NV1 và 2 nhưng ông Lê Công Cơ, Chủ tịch HĐQT nói với VietNamNet: Chúng tôi phải chờ NV3!

Tính đến ngày 13/9, Trường ĐH Tân Tạo mới nhận được 60 hồ sơ NV2 dù trường có 471 chỉ tiêu NV2.

Trường ĐH Thành Tây (Hà Nội) có 800 chỉ tiêu ĐH và 200 chỉ tiêu CĐ nhưng tính đến ngày 13/9 trường mới nhận được 168 hồ sơ NV2. Trước đó, trường đã đưa ra chính sách ưu đãi miễn 1 tháng học phí đầu tiên cho các sinh viên ĐH, CĐ nhập học vào năm học này.

Đến ngày 12/9, Trường ĐH Đại Nam vẫn còn 700 chỉ tiêu NV2 dù trường đã đưa ra nhiều mức học bổng có giá trị từ 5 triệu đồng đến 100% học phí cả 4 năm học để chiêu sinh.

  • Tú Uyên

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết trên Dân Trí: Có 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn không trúng tuyển NV1. Đây là nguồn tuyển NV2, NV3 rất lớn dành cho các trường đại học.

Như vậy, với những trường chất lượng có đủ uy tín sẽ hút được nhiều thí sinh. Nhiều trường chưa tạo được uy tín thì nhiều thí sinh bằng hoặc trên điểm sàn họ cũng không vào học.

Tuyển sinh NV2, thí sinh kêu "cứu"
Thời hạn rút hồ sơ NV2 chỉ còn 1 ngày, vẫn còn thí sinh hoang mang vì trường chưa nhận được hồ sơ xét tuyển, chỉ vì bưu điện tỉnh "phải gom vào được nhiều thì mới chuyển".
 
Tuyển NV2: Trường bội thu, trường bị "hờ hững"
Trong khi có trường đạt gần 10.000 hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2, có trường chỉ nhận được số hồ sơ chưa quá 10.
 
Điểm chuẩn, chỉ tiêu tuyển NV2 230 trường
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, nhiều trường đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1.
 
Thêm điểm trúng tuyển NV1, chỉ tiêu NV2 các trường
Dưới đây là điểm trúng tuyển nguyện vọng (NV)1 vào Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) và ĐH Thể dục thể thao TP.HCM. Trường ĐH Công nghệ thông tin còn tuyển 270 chỉ tiêu xét tuyển NV2.
 
Điểm trúng tuyển NV1, chỉ tiêu xét tuyển NV2 các trường
Đến sáng 1/8, đã có 215 trường ĐH, CĐ đã công bố điểm thi. Dưới đây là điểm chuẩn dự kiến ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Hành chính Quốc gia.