- Sáng nay, 18/9, Sở  GD - ĐT TP.HCM đã tổ chức đại hội quy tụ những người làm trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường từ khối mầm non tới THPT để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về việc hoạt động của hội cũng như vận động, quyên góp và sử dụng quỹ này.

Trước ngày diễn ra buổi gặp mặt, có bậc cha mẹ phàn nàn, hội phụ huynh của trường luôn miệng nói tự nguyện chứ thật ra nhắc khéo lắm, cha mẹ không đóng thì cô vào lớp nhắc nhở bêu tên con mình; danh sách đưa mình ký tên toàn những người đóng tiền triệu, đóng vài trăm ngàn là người thu tỏ vẻ khó chịu. Còn trong buổi gặp mặt, các phát biểu từ đại diện hội phụ huynh các trường đều nói đây là quỹ tự nguyện và ưu tiên miễn, giảm cho các trường hợp khó khăn.


Phụ huynh luôn quan tâm đến các khoản thu, mức thu đầu năm học mới, trong đó có quỹ hội cha mẹ học sinh. Ảnh Q.Việt/Pháp luật TP.HCM

Anh Trần Hoàng Sơn, Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Lê Chí Trực (Q3), đã tham gia công việc này được 2 năm chia sẻ: “Làm công việc này, mình phải nắm bắt được địa bàn, tìm hiểu kỹ tâm tư nguyện vọng của phụ huynh học sinh. Từ những yếu tố trên để cân nhắc, tính toán sao cho hợp lý để được sự nhất trí của nhà trường, sự đồng thuận cao của cha mẹ học sinh mỗi khi định làm gì đó".

Anh Sơn cho hay, quỹ này là không ép buộc, tùy từng điều kiện hoàn cảnh khác nhau có thể đóng góp nhiều hay ít. Những người có điều kiện thì có thể đóng thêm.

Qũy phụ huynh của ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Phú Lâm (quận 6) thu từ 20.000-50.000 đồng, những hoàn cảnh thật sự khó khăn thì không đóng góp.

Với mức thu 100.000 đồng mỗi em, qũy của Trường Tiểu học Đặng Thị Rành (Thủ Đức) mỗi năm có khoảng100 triệu đồng. Cô Bích hội trường cho biết, để hoạt động của hội được tốt, ngoài những khoản đóng góp của cha mẹ học sinh, hội còn kêu gọi, vận động sự tài trợ của các mạnh thường quân. Số tiền thu được dùng để chi những dịp như ngày nhà giáo, hỗ trợ học sinh nghèo, và học sinh tiên tiến.

Bà Trần Thị Thùy Hân, Hiệu trưởng Trường Mầm non 15 (quận 4), cho biết: Nhà  trường không quy định mức thu cụ thể mà  linh hoạt cho từng trường hợp, bởi vì có nhiều gia đình có thu nhập bấp bênh.  

Khi được hỏi về việc lạm thu tiền trường đã được báo giới phản ánh thời gian qua, trong đó có cả khoản thu quỹ hội phụ huynh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Lê Hồng Sơn giải thích, ngay từ trước hè, Sở đã có văn bản hướng dẫn các trường thu các khoản tiền đầu năm học. Điều khiến nhiều phụ huynh hiểu lầm là lạm thu vì đầu năm học có nhiều khoản phải đóng góp dồn lại. Còn các khoản thu chính như học phí và cơ sở vật chất… đều không tăng.

"Ngoài ra, việc thu tiền bảo hiểm y tế, hợp lý nhất là làm ở cộng đồng dân cư chứ không nhất thiết đưa vào nhà trường vì dễ gây ra hiểu lầm".

Nói thêm về sự chủ động của quỹ phụ huynh, ông Sơn cho rằng, ban đại diện cha mẹ học sinh tiếp cận nhà trường, thấy công trình nào cần thiết mới hô hào, vận động trên tinh thần tự nguyện đóng góp. Vị tân Gi ám đốc Sở cho biết thêm, phụ huynh không chỉ đóng tiền mà còn cả công sức, nếu không có khả năng tài chính. "Tôi đến một trường xây công trình vệ sinh, có một số người làm nghề phụ hồ, không có tiền người ta đóng góp bằng công sức".

Phụ huynh: Cha mẹ không đóng tiền, con bị bêu
Trước ngày diễn ra buổi gặp mặt, báo Pháp luật TP.HCM ghi nhận hiện tượng: với quỹ này, phụ huynh thì kêu còn người làm lại chán nản.
Anh Huỳnh Minh Chiến, phụ huynh một trường THCS quận 1, cho biết, hội phụ huynh của trường luôn miệng nói tự nguyện chứ thật ra nhắc khéo lắm, mỗi lần họp là đau đầu.
Nếu cha mẹ không đóng thì cô vào lớp nhắc nhở bêu tên con mình. 13-14 tuổi nó biết mắc cỡ rồi nên về nhà năn nỉ mẹ đóng đi, để cô chủ nhiệm nhắc hoài con xấu hổ không đi học đâu.
Mà danh sách đưa mình ký tên toàn những người đóng tiền triệu, mình mà đóng vài trăm ngàn là người thu tỏ vẻ khó chịu liền. Nói là tự nguyện chứ lắm chiêu khiến phụ huynh chột dạ lắm.
Trưởng BĐD cha mẹ học sinh toàn người giàu, có trường nào chọn phụ huynh nghèo làm trưởng ban đâu.
Ban đại diện cha mẹ học sinh: Tôi chỉ dám làm môt năm
Trong khi đó, một phụ huynh khác, bà ĐTN, từng là thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tại một trường THCS ở quận 10, chia sẻ:
“Người làm công tác này phải khéo léo, hiểu được tâm tư của học sinh cũng như nguyện vọng của phụ huynh, nếu không rất dễ tạo xung đột về quan điểm, dễ gây mất lòng nhau.
Nhất là trong những vấn đề tế nhị như đóng góp các loại tiền quỹ, cách giáo dục của nhà trường… Nhiều khi chỉ vì một, hai phụ huynh không đồng thuận thì người làm trong BĐD tự chịu luôn.
Có lần nhà trường kêu phụ huynh đóng thêm tiền gì đó, dù chỉ có một, hai trăm ngàn đồng thôi nhưng không phải phụ huynh nào cũng đóng được, có người bức xúc không chịu đóng. Giải thích mãi không được nên tôi tự bỏ tiền đóng luôn cho êm đẹp mọi chuyện".
Tuy nhiên, nhiều lần bất đồng nên bà chỉ dám làm một năm.
  • Đức Toàn