Trên các báo hôm nay (20/09), các thông tin về lạm thu tiền trường vẫn thu hút được sụ chú ý.

Hà Nội Mới đề tập tới vấn đề này ở cấp độ quản lý. Thông tin từ cuộc họp khẩn trương của Sở GD-ĐT Hà Nội với các trưởng phòng GD các quận, huyện... chấn chỉnh thu -chi năm học 2011-2012.

Tờ báo nhận định động thái này là chậm, và "chỉ để cho có", vì đến thời điểm này thì các khoản thu đầu năm tại các trường hầu như đã hoàn tất.

Vấn đề mà dư luận quan tâm là với các khoản thu sai, sẽ chấn chỉnh như thế nào.

Hiện nay, các khoản thu ở mỗi trường lại rất khác nhau, với vô vàn tên gọi. Một số trường vẫn thu các khoản mà Sở GD-ĐT không cho phép, chẳng hạn như tiền bảo vệ, vệ sinh, an ninh và trông giữ xe đạp.

Có ý kiến cho rằng nảy sinh các khoản thu "lạ" là vì quy định của Sở không còn phù hợp với nhu cầu phát triển và hoạt động của trường.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm lại dẫn ra nguyên nhân thiếu trình độ của hiệu trưởng, nên mới có việc thu sai. Các lãnh đạo phòng GD-ĐT cũng khó có thể ký vào bản kế hoạch công việc với các khoản thu mà các trường đề xuất.

Theo tờ báo, việc thu các khoản tiền trường gây nên bức xúc là do cách thức trường thu các khoản dưới danh nghĩa "tự nguyện", "thỏa thuận", cụ thể là sự thiếu công khai tài chính từ việc vận hành các khoản tiền này.

Về giải pháp từ khâu quản lý, tờ báo dẫn ra ví dụ từ quận Cầu Giấy áp mức trần cho một số khoản thu, bao gồm quỹ phụ huynh, tiền ăn, tiền hỗ trợ chăm sóc bán trú.

Một giải pháp khác được nêu ra trong cuộc họp là trả lại các khoản tiền thu sai cho phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, cách này không được đánh giá cao, vì không hiệu quả do không giải quyết được căn nguyên của vấn đề.

Khó đôi đường

Với việc các khoản thu tiền trường biến tướng thành lạm thu, báo Tuổi Trẻ đề cập tới những "cái khó" trong việc giải quyết vấn đề này.

Trên thực tế, các khoản thu tiền trường đều có sự thiết thực cho học sinh, cụ thể là về mặt vật chất. Có thêm các trang thiết bị và giáo cụ giảng dạy sẽ giúp cho việc học của các em.

Việc tu sửa trường lớp cũng sẽ nhanh chóng hơn nếu có nguồn tiền từ phụ huynh, thay vì chờ đợi được rót thêm kinh phí đầu tư.

Thêm vào đó, các khoản thu có quy định từ 20 năm nay về cơ sở vật chất, phí vệ sinh, phí bán trú, học phí... đã không còn phù hợp với thời giá.

Như vậy, nhiều trường khó tránh khỏi cảnh "tiến thoái lưỡng nan" - chờ đợi kinh phí thì lâu do cơ chế, còn "huy động vốn" từ quỹ phụ huynh thì bị nhiều người phản đối.

Các phụ huynh thì bức xúc vì mỗi năm lại có một danh sách các khoản tiền bị "buộc" phải tự nguyện đóng góp, vì sợ con thiệt thòi hoặc ngượng nếu bị cho là "thiếu tự giác", nhưng lại không được biết chi tiêu cụ thể vào những nội dung gì.

Những giải pháp triệt để vẫn còn chờ các cấp quản lý nghiên cứu cho năm học tới.

Tổng hợp từ Hà Nội Mới/ Tuổi Trẻ