- Lấy được tấm bằng tiến sĩ ngành Toán ở châu Âu, anh Nguyễn Tuấn được cảnh báo khi về Việt Nam xin việc ở các tổ chức nước ngoài: Tốt nhất là giấu bằng tiến sĩ đi nếu muốn được tuyển dụng.

Minh họa của Khều

Khó xin việc với bằng tiến sĩ


Gõ cửa những tổ chức giới thiệu việc làm lớn và những công ty có yếu tố nước ngoài, họ tỏ ra vui vẻ với tấm bằng tiến sĩ. Nhưng sau đó hỏi anh: có kinh nghiệm làm việc không, anh trả lời: tôi không có! Vậy là không xin được việc.

Tất nhiên, khi đem khoe tấm bằng tiến sĩ với các trường ĐH, anh dễ dàng nhận được cái gật đầu đồng ý. Nhưng anh tự hỏi: Nếu làm xong tiến sĩ về chỉ để đi dạy, không có thời gian và tài chính để làm nghiên cứu thì ngày xưa đi học tiến sĩ làm gì?

Một giám đốc công ty tuyển dụng cho các cơ quan, tổ chức nước ngoài cho biết: người có tấm bằng tiến sĩ mà đi xin việc rất khó khăn vì các doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần đến bằng thạc sĩ và có kinh nghiệm làm việc. Càng có kinh nghiệm tốt, càng dễ kiếm việc.

Anh Tuấn chia sẻ: Đúng là có nhiều tiến sĩ về VN, nếu không chọn nghề đi dạy ở các trường ĐH thì rất khó xin việc. Công việc làm nghiên cứu sinh tiến sĩ chỉ vẫn chỉ là một bước nhỏ của một sự nghiệp phía trước, gọi nôm na là tập tành bước vào nghề nghiên cứu, biết phương pháp nghiên cứu, biết cách tìm tài liệu.

Bằng tiến sĩ đơn giản chỉ là một chứng chỉ cho thấy người đó là người đã biết cách tự nghiên cứu một vấn đề nào đó độc lập, với sự giúp đỡ của đồng nghiệp cùng nhóm nghiên cứu.

Với anh Tuấn, thật may, anh đã biết mình làm nghề gì khi trở về Việt Nam nên đã chuẩn bị kiến thức liên quan đến công việc của mình. Bằng tiến sĩ chỉ là một công cụ tốt hỗ trợ cho công việc của anh, chứ không phải là tất cả.

Khoe bằng tiến sĩ để làm gì?

Anh Trần Lâm, đang làm tiến sĩ ở Anh cho biết: ở nước ngoài, không có chuyện khoe bằng tiến sĩ. Khi người ta giới thiệu mình là tiến sĩ đang nghiên cứu về lĩnh vực gì để người ta biết thêm về bản thân mình vậy thôi, chứ không phải là để người khác trầm trồ hay mình cảm thấy tự hào, điều này trái ngược với ở Việt Nam.

Theo anh Lâm: Bởi vì ở trong nước có sự sùng bái về học vị tiến sĩ một cách quá đáng nên có một vài cá nhân lợi dụng điều đó để "đục nước béo cò".

Chẳng hạn, trong một cơ quan, nhất là cơ quan nhà nước, khi cất nhắc một ai đó lên vị trí quản lý thì người có bằng tiến sĩ vẫn là một lợi thế hơn.

Trong khi, điều ý nghĩa nhất của một người tốt nghiệp tiến sĩ là sau đó, anh ta nghiên cứu được một cái gì tiếp theo. Chẳng hạn như GS Ngô Bảo Châu, nếu GS không giải quyết được Bổ đề cơ bản hay là một cái gì đó tương tự thì tên tuổi anh trong làng nghiên cứu thế giới cũng nhạt nhoà như bao người khác, dù rằng anh tốt nghiệp tiến sĩ ở một trường ĐH danh tiếng.

Trong khi đó, nhiều tiến sĩ về Việt Nam đã hài lòng với tấm bằng của mình và chấm dứt sự nghiệp nghiên cứu tại đây. Thậm chí, nhiều người sau đó lên làm quản lý rất lâu và đã "bái bai" cái nghề của mình, vẫn phải ghi danh thiếp có chữ "tiến sĩ", nếu không sẽ mất "oai".

Trong buổi nói chuyện với sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM, một tiến sĩ chia sẻ: Điều quan trọng nhất với các bạn sinh viên là các bạn phải biết, sau này các bạn muốn làm nghề gì. Nếu cái bằng thạc sĩ hay tiến sĩ sẽ làm cho bạn làm nghề mình đã chọn tốt hơn, giỏi hơn thì hãy học. Tự hào về nghề nghiệp của mình tốt hơn là tự hào về một cái bằng.

  • Bút Gỗ