- Ngày 20/9, trên một diễn đàn đăng tải phản ánh xưng là phụ huynh học sinh lớp 10 Trường THPT Đồng Hòa, Kiến An, Hải Phòng phản ánh việc con gái chị (vừa vào lớp 10) phải học môn đạo đức từ sách của trường biên soạn và phát hành. Người biên soạn là Đỗ Thị Lai, hiệu trường nhà trường.

Bài thu hoạch của HS
Qua những hình ảnh chụp lại một số bài giảng của cuốn sách có tên "Tập bài Đạo đức" này, các thành viên tỏ ra bức xúc, thậm chí còn nói "sốc" với nội dung của sách.

Phụ huynh phản ánh sự việc trên cho rằng: “Bố cục của mỗi bài lộn xộn, cách hành văn và ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, sai kiến thức cơ bản. Tác giả không phân biệt được thành ngữ, tục ngữ, ca dao hay những câu châm ngôn, những câu nói đời thường. Tât cả đều quy về tục ngữ!...”.
  
Bài đầu tiên, với tiêu đề "Cách cư xử lúc ra đường và ở nơi công cộng", tác giả đưa ra nội dung như sau: "Tục ngữ có câu: "Tiên học lễ, hậu học văn". Câu này cho thấy mỗi học sinh phải học lễ, học văn hóa. Các em phải có ý thức tự trọng, giữ gìn danh dự để người khác không thể chê trách được!”

Bài "Cách cư xử với anh chị em trong gia đình" có đoạn: "Nếu làm em thì phải biết kính trọng anh chị, phải biết giúp đỡ anh chị những việc trong nhà những việc vừa sức với mình như tục ngữ có câu: "Chị ngã em nâng"!

Bài "Trang phục khi ra đường": "Khi ra đường ta phải ăn mặc kín đáo, giản dị theo truyền thống của nhân dân ta, không ăn mặc lố lăng, lòe loẹt, hở hang. Tục ngữ có câu: "Đói cho sạch, rách cho thơm", vì vậy quần áo phải được giặt sạch, là phẳng!"

Bài "Tình yêu": "Tình yêu đôi lứa là đề tài vĩnh hằng" "Xã hội thời xa xưa trọng nam khinh nữ, người con gái không được học hành, phải lo việc nhà, việc đồng áng, lo dệt vải, thêu thùa may vá. Tuổi thọ của con người hồi ấy trung bình chỉ 40-45. Vì vậy thời xa xưa người ta lập gia đình rất sớm, nam cỡ 16 tuổi, nữ cỡ 13 tuổi. (Nữ thập tam, nam thập lục)” hay “Bây giờ học sinh nam nữ học cùng lớp, dễ dàng kết bạn với nhau. Tuy nhiên, các em không nên ngộ nhận bạn bè khác giới với tình yêu nam nữ. Ngoài ra có thể có một số em cũng đã lỡ có người yêu. Tất cả các em cần lưu ý những điểm sau…”

Trong bài “Cách cư xử với ông bà nội, ngoại, cô, dì, chú, bác”, người biên soạn viết: “Biết ơn ông bà, các cháu phải thể hiện ở chỗ nói năng lễ phép, phải chiều chuộng ông bà vì người lớn tuổi thường khó tính (do cơ thể không được khỏe)”.

Trong bài “Cách cư xử với thầy cô giáo”, có đoạn: “…Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát làm quan to trong triều đình nhưng khi về thăm thầy cũ là thầy Chu Văn An vẫn khép nép, lễ độ…”.

Hiệu trưởng Đỗ Thị Lai, người biên soạn cuốn sách cho biết, cuốn sách không dùng để giảng bài mà chỉ để học sinh tham khảo trong tiết sinh hoạt ngày Thứ Bảy nhằm bổ trợ kĩ năng sống của học sinh.

Bà cũng phủ nhận việc nội dung cuốn sách là đề tài luận văn thạc sĩ của mình như phụ huynh phản ánh.

Bà Lai thông tin cuốn sách gồm 16 bài giảng, là tập hợp những bài sưu tầm được biên soạn lại, có đưa ý của mình vào nội dung này.

Sau đó, bà lại khẳng định “đây là sưu tầm và biên soạn, chứ không phải văn phong của mình.

Trước thông tin sách đã được dạy 8 năm ở trường và là đề tài thạc sĩ của mình, bà Lai khẳng định sách mới chỉ được phát cho học sinh cách đây 1, 2 năm khi trường mới thành lập- trong khi bà cũng cho biết Trường THPT Đồng Hòa thành lập từ năm 2004.

“Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh học sinh hay đánh nhau, văn hóa học đường không được kĩ lưỡng, cuốn sách chỉ để bổ trợ thêm kiến thức, kĩ năng sống” - bà bổ sung.

Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Hòa cũng cho biết năm học vừa rồi có 374 học sinh vào lớp 10 của trường.

Năm ngoái giá photo cuốn sách là 6.500 đồng/cuốn, sau khi chế bản thì sách có giá 8.500 đồng. Nhưng năm nay, mức giá này tăng lên 10.000 đồng, chứ không phải 20.000 nghìn như phụ huynh phản ánh.

"Với 10 nghìn mà được tận 16 bài, cũng như một bài báo, nếu như có tác dụng với học sinh thì cũng rất có giá trị” - vị hiệu trưởng có trình độ cử nhân Chính trị, cử nhân Sinh học và thạc sĩ Quản lý giáo dục giải thích thêm.

  • Nguyễn Vương