- Đã từng muốn rời chốn trần gian vì cảm thấy mình là gánh nặng của gia đình; chỉ học hết cấp 2 trường làng, nhưng Hòa Quang Thân (ở An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã viết nên câu chuyện vượt qua số phận nghiệt ngã.


Anh Hòa Quang Thân trong xưởng sửa xe

 

Một chân vẫn "sát cá" như thường

 

Sinh trong ra trong gia đình có sáu người con nhưng đã có ba người di tật, anh Thân may mắn hơn hai người ruột thịt với một bàn tay dị tật và có một chân lành lặn.

 

11 tuổi vào lớp 1; 15 tuổi, cảm thấy mình vô nghĩa với đời sống vì suy nghĩ mình là gánh nặng của gia đình. Đã có những lần muốn xa rời cuộc sống trần gian. Thật may, sự yêu thương đùm bọc của người thân, lời của sư Nhã trong làng và những tấm gương vượt khó trong sách được đọc đã giúp chàng trai tên Thân vượt qua những khủng khoảng tâm lý.

 

"Sư Nhã nói rằng, tôi sẽ là người giúp anh em vượt mọi khó khăn và sẽ lấy vợ vào lúc 19 tuổi” - anh nhớ lại.

 

Dân làng không ngờ rằng, một người thiếu chân lại có thể đằm mình nơi bờ sông, ruộng lúa mò của bắt ốc giúp đỡ gia đình. Sự kiên trì và bản tính thông minh giúp anh thành người “sát” cá nhất làng.  Nhà không mấy khi thiếu cá ăn mà nhiều khi còn dư bán.  Sự chịu khó của anh đã tạo niềm tin cho chị và em trai đồng cảnh.

 

Đúng như lời sư Nhã, mười chín tuổi anh đã lập gia đình, cô gái tên Quế ở trong xóm vì thương  anh  cần cù chịu khó mà đã làm bạn trăm năm. “May nhà tôi có Trời thương mà lấy được vợ đấy”, vợ anh cười nói với tôi.

 

Kinh doanh cần nghĩ lớn

 

Từ những năm 80 thế kỷ trước,  Hòa Quang Thân và vợ đã chọn ra ngã 3 thôn An Mỹ  với suy nghĩ chọn gần trường học để sửa chữa xe đạp cho giáo viên và học sinh. Việc chọn địa điểm được quyết định khi anh đếm số xe đạp của thầy cô giáo và học sinh trong trường. Rồi cùng trên ngã 3 này, anh và chị đã kinh doanh hàng ăn sáng và bán tạp hóa. Những năm 90, thỉnh thoảng có đôi chiếc xe máy đi qua xã, anh nghĩ đến việc sửa chữa xe máy. Nhưng vốn ít và không có tay nghề nên anh chưa dám thêm, vả lại ba đứa con nhỏ làm anh không đi đâu được.

 

Đầu năm 2000, anh cho thằng con lớn  vào TP.HCM để học nghề sửa xe máy, trong khi với quãng đường 1 km của xã, đã có 7 tiệm xe máy hành nghề. Nhiều người lo vì đã có quá nhiều tiệm sửa chữa nơi đây. 

 

Năm 2003, gọi con về, vừa hành nghề, vừa làm thầy cho cha. Với số tiền tích cóp được và vay thêm mấy chục triệu, anh Thân mở cửa hiệu sửa xe máy, quy mô gấp 4 - 5 lần những cửa hiệu khác.

 

Thời gian đầu, cửa hàng  chưa có nhiều khách do người ta chưa tin vào con trẻ và cha tàn tật. Anh đã không chịu thất bại và đưa chiến thuật giảm giá rửa xe bằng một nửa quán khác. Giá rẻ bất ngờ, khách hàng bắt đầu đến rửa xe, từ rửa xe người ta đến sửa chữa xe. Khách hàng từ đó tăng dần. Nhờ đầu tư lớn nên cửa hàng của anh đáp ứng được 80 - 90% phụ tùng thay thế trong khi ở quán khác khi khách có nhu cầu thì chủ tiệm mới đi ra thị trấn mua.  Anh tâm sự “ai cũng thích sửa chữa xe ở những quán lớn vì họ nghĩ ở  đó sẽ nhiều thứ hơn.  Kinh doanh phải nghĩ lớn!”.

 

Sáng tạo từ phàn nàn của khách hàng

 


Máy hút nhớt do anh Thân sáng tạo
Một lần, nghe thầy Thành trường An Dục phàn nàn “tháng trước thay nhớt ở thị xã, thợ đã làm mất cái lồng đèn của ốc nhớt”;  lần khác, nghe chị Nga trong xã kêu “thằng Hùng bên kia thay nhớt cho tôi mà nhớt lại chảy ra cả nhà”. Hai câu phàn nàn đã làm anh suy nghĩ nhiều đêm và cuối cùng một sáng kiến đã ra đời.

 

Dựa theo nguyên lý của máy phun sơn, anh đã thiết kế ra máy hút nhớt. Anh cho con trai vào TP.HCM nhờ người chế tạo máy hút nhớt theo thiết kế của anh với giá 2,6 triệu đồng vào năm 2006.  Từ ngày có máy hút nhớt, tiệm xe không phải mở ốc ở phía dưới vở động cơ nữa mà chỉ cần mở nắp nhớt ở phía trên ra, thổi khí vào khuyếch cặn rồi dùng máy hút nhớt ra. Nhờ sáng kiến này anh đã thu hút được hàng trăm khách hàng từ các xã khác đến.

 

"Quan sát khách hàng, sau khi chúng tôi  rửa xe xong, nhiều người cứ ngồi xuống kiểm tra gầm xe đã sạch chưa. Tôi đã chế tạo ra cái kích hơi này để kích xe lên, vừa tiện cho mình rửa xe, vừa để khách hàng thấy gầm xe họ đã sạch”. Tôi cũng vừa chế tạo ra bình phun tuyết rửa xe để tránh ăn tay và giảm được ½ thời gian rửa xe.

 

Ba cái “hơn người” của anh đã thu hút được ngày nhiều khách. Mỗi ngày, riêng anh kiếm tiền lãi từ 80.000 - 200.000 đồng. Một mức thu nhập đáng nể ở nông thôn.

 

Không lợi dụng hoàn cảnh

 

Công việc đại tu một chiếc xe máy phải mất từ 2-3 tiếng. Nhiều khách hàng đến lúc gần trưa nên để xe lại quán và về nhà. Thế nhưng, gia đình anh luôn giữ khách lại ăn cơm.

 

Anh luôn nói với khách “mời anh ở ăn cơm là chuyện nhỏ nhưng anh phải ở lại giữ xe của mình là chuyện lớn”.

 

Anh chia sẻ: “Tôi làm thế là để tạo niềm tin cho khách hàng và bữa cơm cũng là cơ hội để nhân thêm tình cảm giữa ông chủ “khách hàng” và tôi. Đặc biệt, từ khi mở cửa hiệu đến nay, đã hàng ngàn chiếc xe máy qua tay, nhưng chưa có một “ông chủ” nào phải đưa xe đi nơi khác vì khó mấy, anh cũng cố gắng chữa bằng được. Đơn giản vì cấu tạo các loại động cơ, nguyên lý hoạt động của phần cơ lẫn phần điện đều đã qua bàn tay thực hành điêu luyện của anh.

 

Tôi thắc mắc, có bao giờ thông qua yếu tốt kém may mắn của mình để lôi kéo khách hàng không? Anh cười: “Khách hàng chỉ quan tâm đến dịch vụ họ được hưởng chứ không ai quan tâm hoàn cảnh của mình mà đến mua dịch vụ cả”. Anh nhấn mạnh “Muốn thu hút khách hàng, mình phải làm tốt hơn cả người bình thường để họ nể phục và tin mình thì mới là tối ưu”.

 

Nhìn cơ ngơi và cửa hàng sửa chữa xe máy và bách hóa tổng hợp trị giá 1,5 tỷ đồng của vợ chồng con cái của một gia đình có người chồng, người bố bị khuyết tật về hình thể, tôi mới hiểu rằng chỉ có những người lao động chân chính mới có thể hiểu hết linh hồn và hành động thực sự để tự đáy lòng thốt lên câu nói Khách hàng là ông chủ của tôi”.

 

  • Nguyễn Quang Thạch

*******************

Lời tòa soạn: Trong chuyến đi công tác ở An Dục, Quỳnh Phụ, Thái  Bình tháng 12/2010, độc giả Nguyễn Quang Thạch đã gặp nhân vật Hòa Quang Thân và gửi tới VietNamNet bài viết này với lời kết: "Nghĩ về anh thợ sửa chữa xe máy và liên hệ đến những giáo viên, bác sỹ, công chức, quan chức, trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp... đang cung cấp dịch vụ cho xã hội, không ít trong người thường đổ lỗi cho xã hội và cơ chế . Một câu hỏi ngược lại là tại sao mỗi chúng ta không hành động để thay đổi thực trạng yếu kém trong công việc của mình, trong ngành mình mà chỉ ca thán?”. 

VietNamNet chờ đón thông tin, ảnh, video clip của bạn đọc theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây.