- Sáng 27/9, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tọa đàm “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”. Trong  phiên họp thường kỳ tháng 9 diễn ra từ 25 - 26/9, Chính phủ cũng thảo luận về dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011- 2020.

Trong khi các cựu trào đề nghị lập ủy ban cải cách giáo dục với những đề xuất mang tính "thiết kế hệ thống" thì các thành viên của nội các mới bám sát vào những giải pháp cụ thể cho mục tiêu "giao diện mới của giáo dục năm 2020".

Cả đề xuất "cải cách giáo dục" và xây dựng một chiến lược dài hơi đều là những công việc dang dở mà mỗi nhóm kiên trì theo đuổi từ khi khởi xướng, năm 2008. Dưới đây là các ý kiến được xới lên.

Dưới đây là những ý kiến được trình bày tại các buổi thảo luận.



Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Thay đổi căn bản và toàn diện một nền giáo dục là công trình lớn của quốc gia, không thể một vài năm mà xong.  Trước mắt, cần có Ủy ban Cải cách giáo dục bao gồm các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và nước ngoài, am hiểu và có kinh nghiệm về giáo dục và các lĩnh vực liên quan đến giáo dục.

Muốn giáo dục đổi mới nhất thiết phải thay đổi cách nghĩ, cách làm giáo giáo dục. Muốn chuyển biến căn bản và toàn diện thì nhất thiết phải cải cách.

Vấn đề hết sức cấp bách hiện nay là tình trạng mất cân đối giữa ba bộ phận chính của hệ thống giáo dục là phổ thông, nghề nghiệp và đại học. Do đó, cần điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của mỗi bộ phần và cả hệ thống.
Cần phải rũ bỏ hình thức áp đặt, thay vào đó, hết sức coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tư duy độc lập, sáng tạo cho học sinh.


Các đại biểu dự hội thảo ngày 27/9 phân tích, cách cắt xén chương trình để “giảm tải” cập rập như vừa thực hiện đầu năm học này, thì việc làm chương trình sắp tới khó bảo đảm được chất lượng như mong muốn.
PGS.TS Trần Quốc Toản: Ba câu hỏi lớn

Cần phải làm rõ và trả lời 3 câu hỏi: Vì sao lại phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục? Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục là đổi mới thế nào? Làm thế nào để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục?
Đây không phải là những sửa đổi, điều chỉnh nhỏ lẻ, cục bộ, mang tính bề mặt. Tương quan giữa giáo dục nhân cách, cung cấp kiến thức và giáo dục kỹ năng có cần thay đổi không? Thay đổi như thế nào? Tỷ lệ và tương quan 3 mặt giáo dục đó ở các cấp Tiểu học, THCS,THPT có cần thay đổi không?... Giảm tải giáo dục phổ thông không được nghiên cứu thấu đáo trong những tương quan trên thì việc thực hiện sẽ chỉ là sự “chữa cháy”.



GS Hoàng Tụy: Cải tạo cấu trúc

Khi hệ thống đó lâm vào khủng hoảng triền miên, thì những điều chỉnh cục bộ, qua cơ chế phản hồi, kiểu như đổi mới vụn vặn mấy năm qua chẳng những không có tác dụng mà còn có thể làm tình hình tồi tệ, rối ren thêm. Lối ra duy nhất lúc này là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống.

Cụ thể, cần thay đổi cơ bản cách học và thi; cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề; cải cách mạnh mẽ, hiện đại hóa đại học. Vấn đề cuối cùng nhưng then chốt nhất là chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giáo chức.

GS.TSKH Vũ Ngọc Hải, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Chính sách đặc biệt thu hút nhà giáo

Cần chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Có chính sách đặc biệt nhằm thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín và kinh nghiệm trong và ngoài nước, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài về nước tích cực tham gia quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.



Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Đã có 7 giải pháp chiến lược

Mục tiêu tổng quát phát triển giáo dục đến năm 2020: Nền giáo dục Việt Nam được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao; giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành được chú trọng; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.
Từ mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể  được xác định như sau:

Hoàn thành mục tiêu phổ cập cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015, đến năm 2020 có ít nhất 30% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 85% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non...

Đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học.

Đến năm 2020, có 25% học sinh tốt nghiệp THCS và 30% tốt nghiệp THPT  tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo khoảng 350-400 trên một vạn dân; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học khoảng 70%.
7 giải pháp đề ra gồm: Đổi mới quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; tăng cường các nguồn đầu tư cho giáo dục, gắn đào tạo với sử dụng, với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; tăng cường hỗ trợ giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; phát triển khoa học giáo dục và cuối cùng là mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục.



Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Đừng để chiến lược mang tính nghị quyết

Nội dung của chiến lược cần được cụ thể hóa hơn, làm cho nội dung chiến lược không mang tính nghị quyết; đồng thời lưu ý tới việc cân đối nguồn lực trong quá trình thực hiện.



Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Sử dụng ngân sách thế nào?

Chiến lược cần thể hiện rõ việc quản lý, phân bổ và sử dụng như thế nào để nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục-đào tạo đạt hiệu quả tốt nhất; đồng thời cũng làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế của nền giáo dục trong những năm qua.



Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát: ĐH không chỉ là trung tâm đào tạo

Chiến lược cần quan tâm tới việc đổi mới mô hình quản lý giáo dục, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, không nên coi các trường học chỉ là trung tâm đào tạo mà phải là cả trung tâm nghiên cứu khoa học.

Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, trong giải pháp thứ 7 về phát triển giáo dục không nên viết nội dung là “mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục” mà nên thay cụm từ “hợp tác quốc tế về giáo dục” bằng cụm từ “hội nhập quốc tế về giáo dục".



Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Giáo dục Việt Nam tăng trưởng theo chiều rộng

Mô hình tăng trưởng giáo dục của Việt Nam hiện nay theo chiều rộng, quy mô giáo dục được mở rộng quá cỡ, nhiều trường công lập mở ra, chạy theo lợi nhuận là chính; xu hướng thị trường hóa giáo dục đang chi phối; có những hạn chế trong định hướng giáo dục-đào tạo, trong quy hoạch nguồn nhân lực; quản lý giáo dục thiếu chuyên nghiệp; sự gắn kết không chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội; trình độ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa thấp… đây là những hạn chế lớn của nền giáo dục, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Vì vậy, cần có đổi mới trong quy hoạch nguồn nhân lực, có quy hoạch ngành giáo dục, đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách về giáo dục; thay đổi tư duy nhìn nhận về bằng cấp, khoa cử, tránh áp lực xã hội về bằng cấp…Đi liền với đó là rà soát lại đội ngũ giáo viên, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên; rà soát lại việc tuyển sinh của các trường đại học.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Muốn phát triển theo chiều sâu

Chiến lược phát triển giáo dục là vấn đề lớn, vấn đề đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; muốn xóa đói giảm nghèo, muốn phát triển theo chiều sâu, muốn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… tất cả là do yếu tố con người, là giáo dục.

Chiến lược này phải thể hiện được tư tưởng chủ đạo là giải quyết được những tồn tại, yếu kém hiện nay của nền giáo dục, nhất là những tồn tại, yếu kém ở các cấp học về cơ chế tài chính, quản lý, sách giáo khoa, giáo trình; chất lượng giáo dục đại học, tình trạng thiếu giảng viên, thiếu phòng thí nghiệm…, cùng với đó là cần định hướng rõ về vấn đề đào tạo nghề.

  • Vân Phong (tổng hợp từ Thông tấn xã Việt Nam, Chính phủ, Giáo dục Thời đại, Dân Trí, Tiền Phong)