- Năm học 2011-2012, “Quà tặng cuộc sống” đã trở thành một món quà đặc biệt cho Giáo viên Tiểu học Hà Nội trong quá trình dạy-học các bài Đạo đức.

Thay vào việc hướng dẫn học trò tìm hiểu những câu chuyện gợi ý trong sách được soạn cách đây khoảng 15 năm (còn hạn chế về sự hấp dẫn và sự phù hợp với môi trường sống của học sinh), giáo viên tổ chức cho các em xem những bộ phim hoạt hình nghệ thuật sinh động có nội dung giá trị và phù hợp với bài học.

Những bộ phim được sử dụng trong các tiết học Đạo đức được lấy từ chương trình "Quà tặng cuộc sống" (phát sóng trên truyền hình kênh VTV3 vào lúc 22h15' hàng ngày).

Các em học sinh rất vui khi tham gia quá trình tìm hiểu bài, hiểu ngay hành vi chuẩn mực cần đạt, sẵn sàng thực hiện những chuẩn mực hành vi mình đã hiểu.

Với giáo viên, quá trình dạy-học được đáp ứng yếu tố hiện đại, hấp dẫn, cập nhật, hiệu quả mà không tốn kinh phí, không tốn thời gian và không tốn sức.

Nhiều trường tiểu học được trang bị phương tiện dạy học hiện đại ứng dụng CNTT nhưng thường không đủ kinh phí để xây dựng những nội dung dạy-học vừa phù hợp cho bài học vừa cập nhật cuộc sống hiện đại, vừa hấp dẫn với học sinh.

Tháng 9/2011, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức các chuyên đề dạy-học môn Đạo đức với định hướng “Tổ chức giờ học Đạo đức nhẹ nhàng, hấp dẫn và hiệu quả”. Rất nhiều giờ dạy sử dụng phim hoạt hình nghệ thuật của chương trình “Quà tặng cuộc sống” :
-    Bài “Cảm ơn và xin lỗi” lớp 1 sử dụng phim “Lần sinh nhật đầu tiên”, “Chiếc bánh của người lạ” (Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng).
-    Bài “Biết nhận lỗi, sửa lỗi” lớp 2 sử dụng phim “Cây lộc vừng” (Trường Tiểu học Phú Thượng, quận Tây Hồ).
-    Bài “Vượt khó trong học tập” lớp 4 sử dụng phim  “Tiết mục đọc thơ của Bé Thảo” (Trường Tiểu học Phương Mai, quận Đống Đa).
-    Bài “Có chí thì nên” lớp 5 sử dụng him “Bài học của kiến” (Trường Tiểu học Mai Động, TH Trần Phú quận Hoàng Mai).

Sau khi thực hiện, các giáo viên đều nhận thấy hiệu quả giờ học tốt hơn trước rất nhiều.

Cô giáo Nguyễn Hạnh Liên trường Tiểu học Phú Thượng, quận Tây Hồ tâm sự: Bài học Đạo đức “Biết nhận lỗi, sửa lỗi” lớp 2 nếu sử dụng câu chuyện gợi ý trong sách, học sinh sẽ thấy việc nhận lỗi là nên nhưng có thể sau 3 tháng nhận lỗi cũng được (giống như nhân vật Vô-va trong truyện). Nhưng khi xem phim “Cây lộc vừng”, học sinh rất thích vì bạn Lâm trong phim có những hành động vui chơi ngộ nghĩnh. Khi mắc lỗi, sau một hồi lo lắng, sợ hãi Lâm đã cố gắng nhận lỗi. Với trẻ nhỏ, biểu tượng “biết nhận lỗi” ở bạn Lâm sẽ dễ hiểu, dễ làm theo hơn việc nhận lỗi sau 3 tháng của Vô-va.


Cô Hạnh Liên nói với học sinh : Cô mong lời dạy của bố bạn Lâm “Dù có thế nào hãy biết dũng cảm đối diện với sai lầm của chính mình”  cũng sẽ đi theo các con trong cả quãng đời sau này.
Cô giáo Nguyễn Thanh Hương, chủ nhiệm lớp 4  trường Tiểu học Phương Mai, quận Đống Đa rất vui khi trò chuyện về tiết dạy Đạo đức “Vượt khó trong học tập”.

Cô nói: Những năm học trước, khi tổ chức cho các em tìm hiểu nội dung câu chuyện “Một học sinh nghèo vượt khó” trong sách, tôi cảm thấy học trò rất lơ ngơ. Dường như hình ảnh bạn Thảo trong truyện hàng ngày phải chăm gà, vịt, tưới rau, đi học xa, đường trơn lầy khá xa lạ với các trò ở Phương Mai. Còn khi sử dụng bộ phim “Tiết mục đọc thơ của bé Thảo” , các con cảm ngay được “việc vượt khó” của bạn và tôi giúp các em liên hệ với “việc vượt khó” của mình dễ dàng hơn rất nhiều.

 

Cô giáo Nguyễn Thanh Hương sử dụng phim “Tiết mục đọc thơ của bé Thảo” khai thác nội dung bài “Vượt khó trong học tập”.
Cô giáo Nguyễn Thanh Ngọc, Chuyên viên Phòng Giáo dục quận Đống Đa là người đã phát hiện ra những bộ phim trong “Quà tặng cuộc sống” ngày nào cũng cùng các con xem phim của chương trình. Cô nói với chúng tôi :  “Nhiều điều mình muốn dạy các con đều được các nhân vật trong phim thể hiện rất xúc động.”

Ở vai trò người mẹ, khi biết về chương trình “Quà tặng cuộc sống” (VTV3), “Khoảnh khắc kì diệu” (HTV9), tôi đã khuyến khích các con mình dành thời gian xem và cùng con trò chuyện về nội dung các bộ phim.

Trong năm học 2011-2012, giáo viên Tiểu học thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục khai thác những nội dung có giá trị và phù hợp để giúp cho việc dạy-học Đạo đức hay việc thực hiện Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh trở nên nhẹ nhàng, hấp dẫn và hiệu quả.

Chúng tôi rất mong các vị phụ huynh sau khi đọc bài viết này cũng sẽ cũng giống như nhà trường, sử dụng những tư liệu có sẵn trên truyền hình, trên báo, trên đài phát thanh,... tạo thành những giá trị tốt trong việc hình thành nhân cách cho con trẻ.

Mong rằng, ngày càng có thêm nhiều những chương trình truyền hình hữu ích để việc hình thành nhân cách cho con trẻ luôn luôn là sự quan tâm của toàn xã hội.


  • Mai Nhị Hà (chuyên viên - Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội)